(HBĐT) - Tuần làm việc thứ hai, Quốc hội khóa XV đã dành 1,5 ngày để thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Trên cơ sở Báo cáo của Chính phủ, các Báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023. Các đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hòa Bình cơ bản thống nhất với những nhận định, đánh giá về kết quả đạt được, những khó khăn hạn chế cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Tuy nhiên, từ tình hình thực tiễn tại địa phương và qua tổng hợp ý kiến của cử tri, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm một số nội dung như:

Một là: Hiện nay, 4/5 chương trình của chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội dự kiến không sử dụng hết 16.865 tỷ đồng/38.400 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là rất lớn (43.140 tỷ đồng) nhưng mới được bố trí 10.000 tỷ đồng, đã giải ngân hết trong kế hoạch năm 2022 và vẫn có nhu cầu, khả năng thực hiện tiếp, tuy nhiên hiện nay không còn nguồn kinh phí để thực hiện. Các đại biểu đề nghị, Chính phủ chỉ đạo rà soát các chương trình cho vay không còn phù hợp với tình hình thực tế để chuyển sang những chương trình có tính khả thi, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới. Doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Từ đầu năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước 3 lần giảm lãi suất. Tuy nhiên, với tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn như hiện nay thì lãi suất cho vay bình quân vẫn còn ở mức cao, trong khi thủ tục, điều kiện để vay vốn còn phức tạp, khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Vì vậy, bên cạnh việc giảm lãi suất, các đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và hấp thụ các nguồn vốn tín dụng; đồng thời chỉ đạo Ngân hàng nhà nước giám sát chặt chẽ việc tăng, giảm lãi suất, điều kiện vay vốn tại các Ngân hàng thương mại.

Hai là, Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, phải dừng hoạt động, đóng cửa cơ sở SXKD sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực (đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp...). Các đại biểu cho biết, theo phản ánh của cử tri và nhân dân, các quy chuẩn về công tác phòng cháy chữa cháy được quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ là quá cao chưa phù hợp với tình hình thực tế trong điều kiện hiện nay. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm rà soát điều chỉnh những quy định này để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua việc thực hiện đăng kiểm ở các tỉnh xảy ra vi phạm là rất khó khăn, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân và doanh nghiệp. Đề nghị Bộ GTVT sớm có chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các tỉnh trong việc cho mở lại các trung tâm đăng kiểm tạo thuận lợi cho người dân.

Ba là: Hiện nay, việc triển khai các dự án đầu tư, trong đó có dự án giao thông đường bộ gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách, khó khăn trong công tác GPMB, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, việc thiếu đất đắp nền cũng như giá vật liệu trên thị trường tăng cao hơn giá công bố của cơ quan có thẩm quyền…những vướng mắc trên đã làm chậm tiến độ triển khai các dự án, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư, làm tăng tổng mức đầu tư.

Các đại biểu cũng đã cho biết, hiện nay, một số địa phương đề xuất dự án giao thông đường bộ qua nhiều tỉnh (phạm vi đầu tư trên địa bàn địa phương này lớn hơn nhiều lần địa phương kia) hoặc dự án đi qua ranh giới địa bàn 02 địa phương bằng cầu, hầm. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành không cho phép 01 địa phương quyết định chủ trương đầu tư và bố trí vốn cho các dự án đi qua địa bàn của địa phương khác. Trường hợp nếu để mỗi địa phương đầu tư một nửa cầu, hầm sẽ không thuận lợi trong quản lý dự án, gây lãng phí bộ máy, thời gian, thủ tục đầu tư…. Vì vậy, các đại biểu đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như sau:

- Thứ nhất: Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, kiến nghị Quốc hội giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội thí điểm cơ chế phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ quyết định: đối với dự án giao thông đường bộ đi qua nhiều tỉnh thì cho phép tỉnh này được quyết định chủ trương đầu tư, bố trí vốn để thực hiện các hạng mục của dự án như: cầu, hầm tại vị trí giáp ranh nằm trên địa giới hành chính của tỉnh khác.

- Thứ hai: Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư các dự án quốc lộ thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát huy hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khơi thông nguồn lực từ Trung ương đến địa phương. Đề nghị Quốc hội giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho phép giao cho UBND cấp tỉnh làm chủ đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ, đường cao tốc nằm trong địa giới hành chính của tỉnh, để tạo sự chủ động khi triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Bốn là: Tại kỳ họp thứ 3, QH khoá 15, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết kỳ họp số 63/2022/QH15, trong đó có nội dung về triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13, Quốc hội khoá 13 về đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Trong nghị quyết Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai công tác chuẩn bị đầu tư đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến trong năm 2022 - 2023, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật, kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe, kiểm toán, quyết toán và tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 66, báo cáo Quốc hội vào năm 2026. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện chuẩn bị đầu tư, chưa có chủ trương đầu tư. Các đại biểu đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan xem xét sớm bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Năm là: Về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Tại khoản 2, Điều 69 Luật PPP quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án, quy định như trên chỉ phù hợp với những địa bàn thuận lợi, nơi có điều kiện kinh tế phát triển, còn đối với các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, các tỉnh miền núi thì khó khả thi; các dự án này sẽ phải kéo dài thời gian hoàn vốn, khó khăn trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng, nhất là đối với các dự án có hợp phần GPMB chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư. Do đó, để đảm bảo tính khả thi và thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước theo phương thức PPP, trong trường hợp các dự án đi qua địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn và các dự án có hợp phần GPMB chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư, một số đại biểu kiến nghị Quốc hội giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu có thể nâng tỷ lệ vốn nhà nước lên tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư dự án.

Sáu là: Khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, đề nghị cân nhắc, xem xét đối với các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 -2021 mà đã giảm trên 25% số xã thì có thể được xem xét không thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030 để đảm bảo ổn định tổ chức bộ máy, ổn định đời sống, sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn; trừ trường hợp địa phương có đề xuất sắp xếp theo tình hình thực tế và cử tri, Nhân dân có nguyện vọng.

Bảy là: Để thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, đặc biệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành Trung ương tiếp tục hướng dẫn những nội dung còn vướng trong thực hiện mà các tỉnh đã có đề nghị để giúp các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện đồng bộ đảm bảo tiến độ và chất lượng chương trình, tạo điều kiện trong chỉ đạo lồng ghép triển khai các chương trình tránh manh mún và lãng phí nguồn lực.


Ngô Hường
(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)

Các tin khác


Khiển trách Đảng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường Dân Chủ

Ngày 16/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Hòa Bình tổ chức kỳ họp thứ 15, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tỉnh Hoà Bình tham gia Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada

Từ ngày 20/4 đến ngày 28/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn sẽ đi tham gia Chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada do Bộ Ngoại giao tổ chức. Cùng tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh; Sở NN&PTNT; Sở KH&ĐT; Ban quản lý các KCN tỉnh; Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh; huyện uỷ huyện Lạc Thuỷ và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Ngày 19/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Tổng kết 10 năm thực hiện công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh Quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội

Ngày 19/4, Công an tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm công tác Công an thực hiện Nghị định 06/2014/NĐ-CP, ngày 21/01/2014 của Chính phủ quy định biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh Quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (2014 – 2024). Dự hội nghị, có đồng chí Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục Trưởng Cục Xây dựng Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.

Thành lập Hội Cựu Công an nhân dân huyện Cao Phong

Hội Cựu Công an nhân dân (CAND) huyện Cao Phong vừa tổ chức Đại hội thành lập Hội nhiệm kỳ 2024 - 2029.

MTTQ huyện Lạc Sơn: Đổi mới nội dung các phong trào thi đua

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp huyện Lạc Sơn đã triển khai thực hiện rộng khắp các cuộc vận động, phong trào thi đua hướng về cơ sở với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, tạo sự lan tỏa thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục