Vùng Trung du, miền núi phía Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH; môi trường sinh thái; QP-AN và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng cửa ngõ phía Bắc của nước ta và ASEAN kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế. Trung du và miền núi phía Bắc cũng là vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu và rất thuận lợi phát triển nông nghiệp… Đặc biệt, đây từng là căn cứ địa cách mạng, thủ đô kháng chiến; là địa bàn sinh sống, gắn bó đoàn kết lâu đời của hơn 30 dân tộc với bản sắc văn hóa riêng, độc đáo và luôn thể hiện tính tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế, nhất là tăng cường các hoạt động điều phối, liên kết vùng, tạo động lực phát triển vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Cụ thể hoá Nghị quyết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhằm giúp Thủ tướng điều phối, giải quyết các vấn đề liên quan đến liên kết, liên ngành thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Với khát vọng phát triển và vươn lên mạnh mẽ, lãnh đạo 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm kết nối kinh tế - văn hoá - xã hội - du lịch trong vùng. Trọng tâm là nghiên cứu đề xuất với Chính phủ các cơ chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án các hoạt động liên kết vùng đảm bảo đồng bộ, nhất quán, hiệu quả; điều phối quy hoạch tỉnh gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia; điều phối các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư để thực hiện các chương trình, dự án quan trọng của vùng; giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng trên cơ sở nguyên tắc chung, ứng xử chung; điều phối đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng và nghiên cứu đề xuất thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng để huy động các nguồn lực đầu tư cho vùng.
Là một trong những tỉnh cửa ngõ kết nối với vùng Thủ đô và đồng bằng sông Hồng, tỉnh Hoà Bình có vai trò quan trọng trong kết nối vùng. Để tạo sự liên kết nhằm đánh thức tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương, đồng thời có thể "bù đắp" hạn chế, tạo ra chuỗi liên kết hàng hoá, dịch vụ, theo lãnh đạo tỉnh, điều quan trọng nhất chính là giao thông kết nối vùng. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, lấy phát triển hệ thống đô thị kết nối nội vùng với các đô thị lớn vùng đồng bằng sông Hồng thông qua các trục giao thông, hành lang kinh tế, vấn đề hạ tầng giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Cùng chung quan điểm này, lãnh đạo các tỉnh đều cho rằng, cần có một tuyến đường ngang vùng để kết nối thẳng các tỉnh trong vùng, vừa tạo thuận lợi cho các tỉnh phát triển, vừa tận dụng được tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh. Liên kết xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và liên kết phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cũng là mục tiêu chiến lược trong liên kết vùng 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc.
Có được định hướng phát triển, để tạo sự liên kết bền vững, hiệu quả, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, các địa phương cần thực hiện rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành và nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội nhằm phát triển vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng giao thông kết nối, kinh tế cửa khẩu, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Và với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực cao của các bộ, ngành, địa phương trong vùng, sự góp sức, chung tay của các chuyên gia sẽ giúp vùng Trung du và miền núi phía Bắc phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.
Đinh Hòa