Trải qua 93 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Tổ chức xây dựng Đảng (TCXDĐ) luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan tham mưu đắc lực, là chỗ dựa vững chắc của cấp ủy các cấp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đội ngũ những người làm công tác tổ chức của Đảng qua các thời kỳ không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng nên truyền thống tốt đẹp của ngành, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Trong sự phát triển chung của ngành TCXDĐ toàn quốc, ngành TCXDĐ tỉnh Hòa Bình cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Đảng bộ tỉnh. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngành TCXDĐ tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật:
- Thứ nhất, về công tác tham mưu quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận… của T.Ư, của Tỉnh uỷ về công tác TCXDĐ: Đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Kết luận, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4, 5, 6 BCH T.Ư Đảng khóa XIII về công tác xây dựng Đảng. Cụ thể: (1) Kế hoạch thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ tư BCH T.Ư Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; (2) Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH T.Ư Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; (3) Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCH T.Ư Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ, đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản, trong đó có những văn bản lần đầu ban hành, chưa có tiền lệ như: (i) Đề án về "Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”; (ii) Đề án về "Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cấp ủy các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, tổ trưởng tổ đảng ở những chi bộ có đông đảng viên”; (iii) Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; (iiii) Về cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi địa bàn xã, phường, thị trấn; các văn bản về bố trí, sắp xếp, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ giữ 2 nhiệm kỳ liên tiếp 8 năm ở cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị… Các văn bản đó đã góp phần từng bước đổi mới nhận thức, tư duy trong chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ; đồng thời cũng giúp cán bộ xác định rõ hơn về vị trí công tác, về trách nhiệm gắn bó với địa phương, cơ sở.
- Thứ hai, về công tác tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ: Đã tham mưu sắp xếp lại tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, đảm bảo theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước; tiếp tục thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; ban hành các văn bản về công tác quản lý biên chế của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022-2026 phù hợp với lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2026.
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của BCH T.Ư khóa XII "Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; theo đó, mục tiêu đặt ra: Đến năm 2025 phải hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy ở cấp huyện không là người địa phương, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. Thời gian qua, việc bố trí người đứng đầu cấp ủy không là người địa phương được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Nếu như nhiệm kỳ 2015-2020, có 06/10 Bí thư cấp huyện không là người địa phương. Đến nhiệm kỳ 2020-2025, có 10/10 Bí thư Huyện ủy, Thành ủy không là người địa phương; trong đó, 3/10 huyện có cả cán bộ lãnh đạo cấp ủy và ủy ban không là người địa phương; đã tác động tích cực đến công tác lãnh đạo, điều hành tại các địa phương, nhất là tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo hướng sát dân, gần dân hơn; dần khắc phục tình trạng cục bộ địa phương và giúp cán bộ trưởng thành vững chắc; kiểm soát quyền lực tốt hơn.
- Thứ ba, về công tác tổ chức đảng, đảng viên: Thực hiện tốt công tác củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, rà soát, sàng lọc đảng viên, kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng, đảng viên hàng năm. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được tăng cường, chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm túc, nề nếp việc phân công cấp uỷ viên dự sinh hoạt với chi bộ nơi cư trú; thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên mới, từ đầu nhiệm kỳ đã kết nạp được 4.379 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình có 13 đảng bộ trực thuộc với 733 tổ chức cơ sở đảng, trong đó: đảng bộ cơ sở 258, chi bộ cơ sở 475; có trên 69.400 đảng viên.
- Thứ tư, thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác chính sách cán bộ: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã tiến hành thẩm định hồ sơ, tiêu chuẩn chính trị để tham mưu báo cáo, kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với gần 200 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý phục vụ công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử. Tham mưu ban hành 440 Kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự được phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh cán bộ lãnh đạo tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031. Tham mưu thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ đảm bảo đúng quy định.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa ra chỉ tiêu về công tác TCXDĐ: "Hằng năm có từ 90% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ và 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên”. Kết quả bình quân trong nửa nhiệm kỳ, số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 93,45%; số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 89,78%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Phát huy truyền thống 75 năm, trong thời gian tới, ngành TCXDĐ Hòa Bình tập trung các nhiệm vụ quan trọng sau:
(1) Tiếp tục quán triệt sâu sắc và kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của T.Ư phù hợp với thực tế địa phương, trong đó xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung tham mưu: Sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH T.Ư; thực hiện tốt Đề án số 10-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng cấp ủy, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc, chế độ sinh hoạt đảng; chăm lo công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, xây dựng, củng cố tổ chức đảng; tăng cường công tác quản lý đảng viên trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, thực hiện nhiệm vụ chính trị nơi công tác, nơi cư trú; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt có tư duy đổi mới, khát vọng phát triển, dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu với khó khăn, thách thức; quan tâm tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phát huy vai trò các cơ quan liên quan trong nắm thông tin, dự báo tình hình và phối hợp thực hiện rà soát tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên...
(2) Chú trọng công tác nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để nâng cao chất lượng tham mưu. Trong thời gian tới, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện tăng cường việc khái quát, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, tập trung những nội dung, nhiệm vụ còn nhiều khó khăn, vướng mắc để kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục.
(3) Tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ làm công tác TCXDĐ đủ đức, đủ tài, "Bản lĩnh, trách nhiệm, trung thực, khách quan, chủ động, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả”. Tạo điều kiện để cán bộ yên tâm công tác, phấn đấu, trưởng thành, đồng thời siết chặt kỷ cương, kỷ luật, kịp thời uốn nắn khi cán bộ có dấu hiệu, biểu hiện thiếu gương mẫu, giảm ý chí trong công tác và rèn luyện.