Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối quốc lộ 6.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc lấy kết quả thực hiện làm tiêu chí đánh giá năng lực của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu, theo đó đã có những chuyển động tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là các khâu đột phá chiến lược.
Đến nay, Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý quan trọng để cấp ủy, chính quyền tỉnh sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển, là cơ sở để xây dựng, triển khai các kế hoạch phát triển KT-XH; định hướng không gian, phát triển của tỉnh, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương; là cơ sở để quản lý, phân bổ nguồn lực đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, phấn đấu đến năm 2030, kinh tế của tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2050, Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Những năm qua, tỉnh đã huy động và ưu tiên các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng vùng động lực, hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia. Hiện đã khởi công một số dự án trọng điểm như: đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo các dự án quan trọng như: đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình), đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối quốc lộ 6; cải tạo nâng cấp đường tỉnh 436 đoạn Km0 - Km7; đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai Hà Nội (giai đoạn 1)... nhằm tạo sức hút khai thác tiềm năng, thúc đẩy KT-XH.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể tiếp tục được đẩy mạnh, đã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Công tác cải cách hành chính được chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong tỉnh.
Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9%; GRDP bình quân đầu người 77,59 triệu đồng; tổng đầu tư toàn xã hội 23.600 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 5.760 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 2.000 triệu USD, giá trị nhập khẩu đạt 1.376 triệu USD; năng suất lao động đạt 123,91 triệu đồng/lao động; giảm nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều từ 2,3 - 2,5%... Để thực hiện những mục tiêu này, tạo tiền đề quan trọng hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Tỉnh ủy lãnh đạo đồng bộ các giải pháp về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị, các khâu đột phá chiến lược.
Theo đó, lãnh đạo công bố và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng; rà soát, điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng, quy hoạch chung xây dựng các đô thị. Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, "điểm nghẽn” trong hoàn thiện thể chế. Thực hiện phân cấp quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP, ngày 10/01/2022 của Chính phủ; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tiếp tục tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021- 2025. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng, mang tính đột phá trong phát triển KT-XH...
L.C