Có thể nói những chuyến công tác "Hướng về cơ sở" đã là dấu ấn đặc biệt cho một năm 2023 đầy sôi động cũng như chặng đường hoạt động vừa qua của Hội nhà báo Việt Nam, là sự cụ thể hóa thành công tinh thần "Chủ động, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả”, hướng về hội viên, nhà báo.
Từ sự "lắng nghe”…
Sự "lắng nghe” từ hai phía thực sự là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Điều ấy đã được lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng, coi đó là chiếc chìa khóa mở cánh cửa của văn hóa, đoàn kết và sẻ chia.
Các chương trình "Hướng về cơ sở" đều có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo của Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh địa phương. Ảnh: Sơn Hải
Đúng như tâm huyết của Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi: "Mô hình tổ chức bộ máy của Hội Nhà báo tỉnh, thành phố hiện nay chưa thống nhất do nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần xuất phát từ sự quan tâm của các tỉnh thành đối với hoạt động công tác Hội. Chính vì thế, chúng tôi tổ chức các đoàn công tác về làm việc với tỉnh như một cách "đánh động” rằng: Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay vẫn đang hoạt động tích cực, sự tham gia đóng góp của Hội trong các hoạt động chính trị- kinh tế - xã hội là không nhỏ. Đồng thời chúng tôi cũng lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của các cấp Hội, những đánh giá, mong muốn từ phía các đồng chí lãnh đạo tỉnh đối với công tác tuyên truyền thời gian tới…”
Những chuyến công tác "Hướng về cơ sở" đã là dấu ấn đặc biệt cho một năm đầy sôi động của Hội nhà báo Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải
Vẫn nhớ, năm 2022, lần đầu tiên Hội tổ chức thành "vệt chương trình hướng về cơ sở” ở 3 miền Bắc – Trung – Nam đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía các tỉnh, các hội viên, nhà báo và năm 2023, tiếp tục nối dài chủ trương ấy, các chương trình cứ đều đặn, nhịp nhàng.
Năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam đã thành lập Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh và sở, ban ngành của tỉnh Nghệ An, Tiền Giang và Hòa Bình để tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo các địa phương trong tình hình mới. Tất nhiên, thực hiện được những kỳ cuộc quan trọng này không hề dễ dàng, đòi hỏi nhiều nỗ lực và quyết tâm từ Trung ương đến địa phương.
Trong các buổi làm việc, Hội Nhà báo Việt Nam lắng nghe, nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn và những đề xuất tháo gỡ của các cấp hội cơ sở, tỉnh, địa phương. Lãnh đạo các địa phương cũng thấy rõ hơn vị thế, vai trò của Hội, quan tâm nhiều hơn đến tâm tư nguyện vọng của các cấp Hội Nhà báo địa phương để cùng có tiếng nói chung trong thời gian tới. Thậm chí có những việc các lãnh đạo Hội, lãnh đạo tỉnh còn có ý kiến trả lời, giải quyết ngay tại buổi họp như các vấn đề liên quan đến kinh phí, biên chế, cơ chế…để tạo điều kiện cho các Hội địa phương tiếp tục phát triển.
Cũng tại các buổi làm việc này, các Hội nghị chuyên đề được tổ chức rất sôi nổi, hấp dẫn với những nội dung gần gũi xung quanh các nhiệm vụ mà Hội Nhà báo Việt Nam đảm nhiệm như: Tổng kết 17 năm Giải báo chí Quốc gia và đánh giá công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024; Hội nghị sơ kết 01 năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại các địa phương; Hội nghị "Báo chí về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số”; Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam…
Các chương trình làm việc tại địa phương đều có các Hội nghị chuyên sâu về các vấn đề quan trọng trong hoạt động Hội. Ảnh: Sơn Hải
Tất cả đã tạo nên một luồng gió mới mẻ, thể hiện một tư duy đổi mới đầy trách nhiệm của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam khi thúc đẩy môi trường sinh hoạt nghề nghiệp bổ ích, thiết thực cho các cấp Hội, các nhà báo- hội viên.
Đánh giá về những chương trình đã triển khai, nhà báo Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ví von rằng, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện "3 miền chiến thuật” trong triển khai các nhiệm vụ, đặc biệt là các cuộc "hành quân” hướng về các tỉnh thành cả nước.
"Có thể nói, ngoài những khối lượng công việc đồ sộ từ kiện toàn tổ chức đến hàng loạt các sự kiện thường niên, các hoạt động hội thảo, tọa đàm, hoạt động nghiệp vụ, đối ngoại…đều được triển khai hiệu quả thì tại các địa phương cũng tạo nên những dấu ấn về sự gần gũi, thiết thực, ngày càng đáp ứng nhu cầu của hội viên hơn. Từ đó tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động của Hội thời gian qua và sẽ tiếp tục được lan tỏa thời gian tới…” – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định.
Trung ương gọi, địa phương trả lời…
Không phải ý tưởng nào cũng ngay lập có thể đạt được mục tiêu và không phải chương trình nào cũng được như kỳ vọng. Nhưng rõ ràng là, điều mà lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam năm qua đã làm được chính là tạo ra một không khí sôi nổi ở các địa phương, sự thống nhất, nền nếp và hiệu quả hơn trong các hoạt động.
Qua các buổi làm việc thấy được sự kết nối, chia sẻ, thấu hiểu và trong quá trình triển khai công việc đã có nhiều thuận lợi hơn trước. Ảnh: Sơn Hải
Với Hội Nhà báo Hòa Bình, năm 2023 là một năm "rực rỡ” bởi nhiều hoạt động trong đó các kỳ cuộc làm việc của Hội Nhà báo Việt Nam thực sự đã mang tới một "luồng gió mới”. Nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình, Tổng biên tập Báo Hòa Bình chia sẻ rằng, các cuộc làm việc giữa Hội Nhà báo Việt Nam với tỉnh Hòa Bình, với Hội địa phương, các cuộc tọa đàm, hội thảo…được tổ chức trên địa bàn năm qua đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, gắn bó với cơ sở của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam. Tất cả các buổi làm việc đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, bài bản, thực chất, đi vào các vấn đề ở cơ sở, thậm chí cả những câu chuyện khó nói, còn vướng mắc và cần có sự chia sẻ hỗ trợ động viên thì đều được các lãnh đạo Hội Nhà báo lắng nghe, truyền tải thông tin, thông điệp đến lãnh đạo cao nhất của tỉnh.
Nhà báo Mạnh Tuấn kể, các cuộc làm việc này đều có sự tham gia và chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành liên quan…cũng đã lắng nghe, chia sẻ, động viên, hỗ trợ.
"Chúng tôi thấy được sự kết nối, chia sẻ, thấu hiểu và trong quá trình triển khai công việc đã có nhiều thuận lợi hơn trước. Các lãnh đạo tỉnh, sở ngành liên quan cũng phần nào hiểu hơn về Hội của chúng ta. Trước đây, khi nói về Hội, họ hay lẫn vào rất nhiều các hội khác, hàng chục, hàng trăm Hội. Nhưng bây giờ họ hiểu hơn là Hội Nhà báo tỉnh là 1 trong 13 Hội đặc thù của tỉnh. Và đặc biệt đây là tổ chức Chính trị - Xã hội – Nghề nghiệp của những người làm báo. Hội không chỉ đơn giản là tập hợp những người cùng sở thích, cùng nghề nghiệp, mà ở đây còn là tổ chức Hội mang tính chính trị, tập hợp lại để tham gia, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, là cầu nối của Đảng với nhân dân, nhân dân với chính quyền. Cho nên chức năng nhiệm vụ, vai trò, vị thế của Hội từ đó dần được củng cố, nâng cao hơn. Tất nhiên ngày một, ngày hai chưa thể nói gì cụ thể được nhưng ví như ở Hòa Bình chúng tôi, sau chuyến làm việc của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh thì các ngành, các cấp ở Hòa Bình nhìn nhận Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình khác trước và ngay sau đó chúng tôi đề xuất việc tổ chức 4 Hội nghị ở Hòa Bình thì đều được các lãnh đạo ở tỉnh ủng hộ ngay. Các cấp, các ngành rất quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần, mặc dù tỉnh năm qua rất khó khăn…”.
Trong bối cảnh chung, với Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình là một năm nhiều thành tựu với các phong trào phát triển vượt bậc, đặc biệt về mặt chuyên môn có 01 tác phẩm đạt giải khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia, 01 tác phẩm đoạt Giải Búa Liềm Vàng…Hội cũng kết nối thường xuyên với Trung ương Hội tổ chức các lớp tập huấn về báo chí hiện đại, tác phẩm báo chí chất lượng cao…Qua đó, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của hội viên, phóng viên, biên tập viên ngày một tốt hơn, tạo động lực mạnh mẽ trong phong trào thi đua trong toàn Hội. Đồng thời, năm qua cũng là năm mà uy tín của Hội Nhà báo quả thực đã được lan tỏa từ trung ương đến địa phương, cơ sở…qua các hoạt động trách nhiệm, thiết thực, chất lượng, trong đó nổi bật vẫn là những sự kiện đồng hành, phối hợp.
"Tôi thấy rằng, mô hình "hướng về cơ sở” này cần được tiếp tục được nhân lên càng nhiều càng tốt. Chúng tôi mong các lãnh đạo Hội Nhà báo trung ương thường xuyên quan tâm tới anh em ở cơ sở hơn nữa. Sự quan tâm thông qua các cuộc thị sát, lắng nghe, đồng thời cũng hỗ trợ thêm bằng tiếng nói, uy tín của mình, giúp cho các cấp Hội địa phương làm việc dễ dàng hơn, thuận lợi hơn” – nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh.
Khi sự nhịp nhàng dẫn lối…
Với Hội địa phương, các cuộc làm việc quan trọng tổ chức trên địa bàn đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, gắn bó với cơ sở của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam.
Sự phối hợp nhịp nhàng, sự đoàn kết nhất trí của các cấp Hội Nhà báo năm qua là "điểm sáng” trong hoạt động Hội. Tinh thần luôn bám sát cơ sở, tăng tính chủ động, quyết liệt của Hội chính là một trong những yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo và thực tế đã chứng minh rằng đây là một hướng đi đúng đắn, mang lại nhiều kết quả quan trọng.
Để chương trình "Hướng về cơ sở” được chủ động, hiệu quả phải kể đến vai trò rất lớn của các đồng chí trong Ban chấp hành, Ban thường vụ Hội Nhà báo Trung ương và địa phương. Như nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ: "Với Hội Nhà báo địa phương, đội hình Ban chấp hành mới, đều trẻ trung, nhiệt huyết và đều mong muốn khát khao được cống hiến, được làm việc, khi được giao việc thì làm hết mình. Sau Đại hội các đồng chí đều chủ động, bám sát văn bản chỉ đạo của Trung ương, mà kỳ này Trung ương điều hành rất nhanh và sát sao nên nhiều văn bản hỏa tốc, gửi song song cả lãnh đạo báo, lãnh đạo Hội…Ngoài ra, các lãnh đạo còn thông tin trao đổi qua các kênh khác như qua kênh Zalo do Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam lập, nhất cử nhất động có gì mới, đều được các lãnh đạo nắm bắt, cập nhật và chỉ đạo xuyên suốt. Đặc biệt, các cấp Hội có sự trao đổi mật thiết, gắn bó với các cơ quan chức năng của Trung ương Hội như Văn phòng, Ban nghiệp vụ, các ban khác…Nên có vấn đề gì chưa rõ thì đều có thể trao đổi bằng nhiều kênh như điện thoại, zalo, tin nhắn…cho nên các văn bản được giải quyết kịp thời, thông suốt. Trong công việc phối hợp, chúng tôi đều rất chủ động tham mưu cho tỉnh trong các phần việc liên quan tới Hội”.
Sự phối hợp ấy còn thể hiện tính năng động, linh hoạt từ Hội Nhà báo Hòa Bình bởi ngay sau khi tiếp nhận thông tin, các lãnh đạo Hội đã chủ động báo cáo thường trực Tỉnh ủy, xin chủ trương trước và kết nối với Văn phòng Hội ra các Văn bản, làm việc với cơ quan chức năng, kể cả việc khảo sát khách sạn, tour tuyến…đều tham gia từ đầu đến cuối một cách chủ động, quyết liệt, cho nên hiệu quả công việc rất cao.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn khẳng định: "Anh em ở Văn phòng Hội chúng tôi đều nhận định rằng, qua các sự kiện được tổ chức đã giúp họ trưởng thành hơn rất nhiều. Một điều đặc biệt đáng trân trọng nữa là, phải ba mươi mấy năm trong lịch sử Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình chưa bao giờ tổ chức được một chương trình lớn gồm 4 Hội nghị quan trọng như trong năm 2023 với những chủ đề rất nóng, thời sự, cũng chưa bao giờ trong quá trình xây dựng và phát triển của Hội lại tổ chức được sự kiện đón Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về làm việc tại Hòa Bình như vậy. Ngay cả sự kiện giao ban Cụm Thi đua đường 6, cũng phải sau 10 năm mới trở lại…”
"Hướng về cơ sở” cho hành trình phát triển mới
Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo các cấp Hội Nhà báo địa phương trao đổi nghiệp vụ trong chuyến công tác hướng về cơ sở tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Sơn Hải.
Năm 2024 là một năm chuẩn bị cho nhiều bước ngoặt quan trọng, năm hứa hẹn đặt nền móng cho một nhiệm kì mới. Đặc biệt, năm 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020-2025...
Những chuyến đi "Hướng về cơ sở" luôn thu hút được đông đảo các lãnh đạo địa phương trong khu vực, trong cụm thi đua, càng thể hiện sức lan tỏa và ý nghĩa của chương trình. Ảnh: Sơn Hải
Đây cũng là năm bản lề quan trọng, hướng đến Đại hội các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, chuẩn bị cho Đại hội XII Hội Nhà báo Việt Nam. Hoạt động công tác Hội, hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam từ trung ương đến địa phương cần rất nhiều nỗ lực để vượt qua thách thức, tiếp tục phát triển bền vững, vươn tầm. Muốn làm được như vậy, Hội Nhà báo Việt Nam đã đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”; Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 12/7/2023 của Văn phòng Chính phủ Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam ngày 13/6/2023…Phối hợp xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, các nhiệm vụ thường niên tiếp tục được thực hiện một cách khoa học, sáng tạo, hướng đến sự thiết thực, hữu ích, gắn với quyền lợi, lợi ích của hội viên…
Đặc biệt, coi nhiệm vụ "hướng về cơ sở” như là mệnh lệnh từ trái tim, nhà báo Nguyễn Đức Lợi khẳng định: "Chúng tôi tin rằng, năm 2024, với Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục là năm của đổi mới, bứt phá, khởi nhịp cho rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho Đại hội XII Hội Nhà báo Việt Nam. Trong 2024, chúng tôi coi hoạt động hướng về cơ sở là một trong những hoạt động chiến lược, trọng tâm, trong đó định hướng sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh, các địa phương khác trong cả nước…”.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực, một trong những "điểm nhấn” thời gian tới vẫn là những chuyến đi hướng về cơ sở. Ông cho rằng, sự bứt phá của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 dù đứng trước không ít những nhiệm vụ mới. Trong bối cảnh nhiều thách thức bởi môi trường hoạt động báo chí và hoạt động công tác hội ngày càng nhiều những sức ép. Sức ép về cơ chế, chính sách, sức ép về kinh tế báo chí…thì những người làm công tác hội lại càng cần phải gần gũi nhau hơn, cùng nắm tay nhau, cùng tìm kiếm những giải pháp và dĩ nhiên lăn lộn với thực tiễn, gần gũi hơn với cơ sở để lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ là biện pháp hữu hiệu nhất.
Có thể nói, năm 2024 với nhiều kỳ vọng đổi mới và bứt phá, Hội Nhà báo Việt Nam vẫn luôn coi trọng và mong muốn lan tỏa mạnh mẽ tinh thần "sáng tạo, đổi mới và hướng về cơ sở”. Với sự nỗ lực, năng động, chủ động sáng tạo, "chung lưng, đấu cật” của các cấp Hội Nhà báo địa phương, các hội viên, nhà báo trong "mái nhà chung”, tin rằng những góp sức từ các chuyến đi ấy sẽ tiếp tục làm nên một năm 2024 sôi động, gắn kết và hiệu quả.
Theo Congluan.vn
Hội Cựu Công an nhân dân (CAND) huyện Cao Phong vừa tổ chức Đại hội thành lập Hội nhiệm kỳ 2024 - 2029.
LTS: Có niềm vui, sự hứng khởi, có lòng say mê, nhiệt huyết và cả sự can trường, sẵn sàng dấn thân của người làm báo… để xây dựng nên những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở của cuộc sống đến với độc giả, khán thính giả. Đó là những điều đang có, đang tồn tại dưới "mái nhà chung” của người làm báo Hòa Bình - Hội Nhà báo (HNB) tỉnh Hòa Bình. Kết quả này được kiến tạo bởi tâm huyết của những người làm công tác Hội và sự góp sức tích cực của các hội viên nhà báo vì mục tiêu xây dựng HNB tỉnh Hòa Bình ngày càng vững mạnh. Nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập HNB Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2024), Người làm báo Hòa Bình (NLBHB) có cuộc phỏng vấn nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH HNB Việt Nam, Chủ tịch HNB tỉnh Hòa Bình, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Việc triển khai thực hiện Quy định số 31-QĐi/TU của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB) tại Đảng bộ huyện Tân Lạc đã góp phần đạt được những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chất lượng SHCB đi vào nền nếp, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được nâng cao, phương thức lãnh đạo của đảng ủy cơ sở từng bước được đổi mới.
Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Dự kiến kỳ họp thứ 7 sẽ diễn ra trong hai đợt vào tháng 5, tháng 6/2024.
Chiều 17/4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Sáng 17/4, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Cao Phong khóa XXVIII tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam (NQ 33); tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới (CT 38); sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13/4/2021 của BCH Đảng bộ huyện về cải thiện môi trường thu hút đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn huyện Cao Phong, giai đoạn 2021 - 2025 (NQ 02).