Cách đây gần nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại thắng mùa Xuân 1975 góp phần kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; đánh dấu bước phát triển tới đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, trong đó, nghệ thuật tạo sức mạnh về lực lượng và thế trận là những nét đặc sắc tiêu biểu.



Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, 4/1975). Ảnh: TTXVN

Nghệ thuật tạo sức mạnh về lực lượng

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam, ta đã tạo được ưu thế áp đảo địch về lực lượng. Ý định xây dựng các binh đoàn chiến lược lớn cho các đòn chiến lược Xuân 1975, trong đó có trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đã được Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo triển khai sớm. Sau những thắng lợi từ hai đòn tiến công chiến lược ở Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, với khí thế và quyết tâm rất cao, ta đã tập trung được lực lượng ưu thế hơn hẳn địch cả về số lượng và chất lượng, bằng cách nhanh chóng cơ động hầu hết lực lượng chủ lực từ miền Bắc, miền Trung vào địa bàn chiến dịch, tổ chức thành công nhiều binh đoàn chiến lược hành quân thần tốc đường dài, vừa đi, vừa chuẩn bị chiến đấu, vừa liên tục chiến đấu đã vào tới chiến trường đúng ngày quy định (từ ngày 21 - 25/4) cùng với Quân đoàn 4 và Đoàn 232 ở tại chỗ... Tính đến ngày 25/4/1975, ta đã tập trung cho chiến dịch được khoảng 270.000 quân với 15 sư đoàn, 14 trung đoàn bộ binh, tổ chức thành 4 quân đoàn và Đoàn 232, một số trung đoàn, lữ đoàn độc lập. Binh khí kỹ thuật cũng được ta tập trung khối lượng rất lớn với hơn 1.000 khẩu pháo các loại, 1 đại đội máy bay A-37; 320 xe tăng, thiết giáp... Riêng về lực lượng quần chúng có tổ chức được chuẩn bị làm nòng cốt cho nổi dậy trong thành phố đến trước chiến dịch cũng khá hùng hậu…

Song song với việc tạo sức mạnh cho chiến dịch, ta tích cực làm giảm lực lượng địch bằng những đòn tiêu diệt lớn (trước đó) ở miền Trung, không cho địch co cụm; đồng thời, tích cực đánh vào dự trữ chiến lược địch, không cho chúng bổ sung, ứng cứu cho nhau... Thành công của nghệ thuật tập trung lực lượng ta, phá thế tập trung lực lượng của địch đã mang lại lợi thế lớn cho ta. Đến trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, địch đã bị thiệt hại tới 35% quân số, 40% hậu cần, 40% binh khí kỹ thuật; đồng bằng sông Cửu Long là nơi dự trữ chiến lược của địch, nhưng chúng cũng không còn bắt được lính bổ sung; ta lại đẩy mạnh thực hiện chia cắt chiến lược, không cho địch tăng viện ứng cứu từ đồng bằng sông Cửu Long về Sài Gòn. Đặc biệt, sau những thất bại có tính bước ngoặt về chiến lược ở Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, đến ngày 25/4/1975, mặc dù địch ở Quân khu 3 cộng với tàn quân từ Quân khu 1 và Quân khu 2 chạy về còn rất đông, khoảng 245.000 tên, hơn 500.000 quân phòng vệ dân sự với 6 sư đoàn, 5 lữ đoàn và 407 khẩu pháo, 624 xe thiết giáp, 862 tàu, xuồng, 229 phi cơ chiến đấu, nhưng tinh thần chiến đấu đã suy sụp; số quân phòng vệ dân sự tuy còn đông nhưng hiệu lực tác chiến thấp.

So sánh về số lượng, nhất là về chất lượng, đặc biệt là về "quả đấm” chủ lực, rõ ràng ta có ưu thế áp đảo về lực lượng so với địch (tỷ lệ ta/địch là 1,7/1 về chủ lực và 3/1 về đơn vị tập trung). Đây là một điều đặc biệt của Chiến dịch Hồ Chí Minh mà trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chưa từng có; đồng thời cho thấy việc ta xây dựng, tập trung được các quân đoàn 1, 2, 3, 4, các sư đoàn của các quân khu 7, 8, 9 và trung đoàn bộ binh của Quân khu 6 là điều kiện vô cùng quan trọng và cũng là những kinh nghiệm sinh động của việc chuẩn bị cho đòn quyết chiến chiến lược trong giai đoạn cuối chiến tranh.

Nghệ thuật tạo sức mạnh về thế trận

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng với việc tạo được ưu thế áp đảo địch về lực, ta còn sớm chuẩn bị được một thế trận lợi hại. Đây cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng để chiến dịch giành thắng lợi giòn giã và cũng là một kinh nghiệm có giá trị cả về lý luận và thực tiễn về nghệ thuật chỉ đạo tạo thế cho một chiến dịch quan trọng quyết định. Đó là, trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, ta đã xác định đúng vị trí của chiến trường, sớm có dự kiến tạo thế trận. Tại miền Đông Nam Bộ, rừng núi được xác định là chiến trường tiêu diệt lớn quân địch, Sài Gòn - Gia Định là chiến trường quyết chiến chiến lược cuối cùng đánh bại hoàn toàn quân địch. Ý định đó của chiến lược đã được Bộ Tư lệnh Miền quán triệt và kiên trì vận dụng sáng tạo.

Việc chuẩn bị thế trận chiến dịch tiến công có tầm chiến lược thường do lực lượng tại chỗ chuẩn bị một phần từ trước khi lực lượng chiến lược tăng cường xuống. Trong khi chuẩn bị thếđứng và tuyến xuất phát tiến công của chủ lực trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngay từ mùa khô 1974 - 1975, Bộ chỉ huy Miền đã đồng thời tạo thế triển khai xuất phát tiến công cho cả chủ lực tại chỗ của Miền và chủ lực cơ động của Bộ.

Đặc biệt, bước vào thời kỳ trực tiếp tạo thế cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, căn cứ vào dự kiến kế hoạch và yêu cầu của thế trận chiến dịch, việc triển khai tạo thế trên nhiều mặt rất rộng lớn và phức tạp; thế trận chiến dịch phải bảo đảm sử dụng lực lượng rất lớn, vừa đánh địch bên ngoài, vừa đánh địch bên trong, vừa thọc sâu đánh hiểm, trong ngoài cùng đánh, cũng như phát huy cùng một lúc toàn bộ sức mạnh của mọi lực lượng... Vì vậy, ngay từ lúc mở đầu chiến dịch, ta đã hình thành được thế bao vây chia cắt địch ở phạm vi toàn chiến dịch và từng khu vực địch để tiêu diệt, không cho địch ứng cứu lẫn nhau, không cho chúng co cụm, tháo lui chạy thoát. Đồng thời, thế trận chiến dịch phát huy được đầy đủ sức mạnh của cả hai lực lượng, của ba thứ quân và phối hợp chặt chẽ với nhau, trọng tâm là sức mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng của các binh đoàn chiến lược. Với lực lượng vũ trang tại chỗ làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy lúc này cũng có 2 trung đoàn và 5 tiểu đoàn của thành, mỗi huyện có 1-2 đại đội, cả thành phố có 3.345 du kích và 233 tự vệ mật, 6 trung đoàn đặc công... được bố trí trên các trục đường tiến quân của các cánh quân chủ lực vào thành phố.

Địch ở vào thế bị bao vây, bị chia cắt triệt để, khi bị ta đánh thì địch ở cả trong, ngoài, xa, gần không thể ứng cứu lẫn nhau, làm cho tinh thần chúng vốn đã hoang mang càng suy sụp trầm trọng. Nhất là, thế trận chiến dịch hoàn chỉnh nên đã tạo được hiệu suất chiến đấu cao; đồng thời, phát huy gấp bội ưu thế lực lượng…

Ngoài ra, thế chiến trường đã được tổ chức khá chu đáo, hậu cần chiến lược, chiến dịch được chuẩn bị đầy đủ trước khi mở màn chiến dịch. 6 đoàn hậu cần được tổ chức chặt chẽ vươn sâu theo các hướng tiến công của chiến dịch. Trước ngày nổ súng, có gần 60.000 tấn vật chất. Ngoài lượng vật chất cơ động mang theo của các quân đoàn, hệ thống kho tàng chiến lược, chiến dịch, trạm xăng dầu, bệnh viện, bệnh xá trên các tuyến chiến lược, chiến dịch đã triển khai xong. Cơ sở kỹ thuật sửa chữa xe, pháo cũng đã hình thành hoàn chỉnh theo yêu cầu chiến đấu... Đây vừa là thế trận rất hiểm hóc, vừa là sự bố trí lực lượng hết sức lợi hại và cũng là một yếu tố quan trọng trong cách đánh của Chiến dịch Hồ Chí Minh...

Gần 50 năm đã trôi qua, thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó có những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chiến dịch nói chung, nghệ thuật tạo sức mạnh về lực lượng và thế trận nói riêng không chỉ có giá trị lịch sử, có ý nghĩa thời đại sâu sắc mà còn có tác dụng giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Đó cũng là những kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn cần được vận dụng sáng tạo, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. 


(Trích theo Báo Quân đội nhân dân điện tử)

Các tin khác


Thông tin kỳ họp lần thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Ngày 26/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tiến hành kỳ họp lần thứ 26, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận các nội dung:

Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nơi lưu giữ những hiện vật làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm trên trục đường Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đây là công trình văn hóa, nơi lưu giữ hàng nghìn tài liệu, hiện vật gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Vẹn nguyên ký ức hào hùng bắn rơi máy bay Mỹ

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Hòa Bình là 1 trong 94 trọng điểm đánh phá của Mỹ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cùng với cả nước, quân và dân trong tỉnh không quản ngại hy sinh, gian khó đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến; ở hậu phương tích cực tham gia lao động sản xuất, chiến đấu đánh trả các đợt dội bom của địch. Đến nay, những trận đánh bắn rơi máy bay Mỹ vẫn in đậm trong ký ức của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, trở thành niềm tự hào để xây dựng quê hương.

Huyện Kim Bôi gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 25/4, huyện Kim Bôi tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thành ủy Hòa Bình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết xây dựng văn hóa con người Việt Nam

Sáng 25/4, Thành ủy Hòa Bình tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; 15 năm thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 13/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khoá X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục