NGUYỄN PHI LONG

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy 

Tỉnh Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hòa Bình là hậu cứ của chiến trường Chiến khu II, Liên khu III, là hành lang giao thông chiến lược giữa Liên khu III, Liên khu IV với Việt Bắc, Tây Bắc.


Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình tặng quà tri ân các chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia và phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.


Với vị trí đặc biệt quan trọng như vậy, nên khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta đã nhanh chóng đánh chiếm tỉnh Hòa Bình và lập phòng tuyến sông Đà, nhằm nối lại "Hành lang Đông - Tây”, thực hiện khả năng phòng thủ đồng bằng Bắc Bộ, cắt đứt đường liên lạc giữa chiến khu Việt Bắc với Liên khu III, Liên khu IV.

Để đập tan âm mưu của địch, ngày 18/11/ 1951, Tổng Quân ủy quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình. Ngày 24/11/1951, BCH T.Ư Đảng ra Chỉ thị số 22-CT/TW "Về nhiệm vụ phá cuộc tiến công Hòa Bình của địch”. Bác Hồ đã gửi thư động viên tới cán bộ, chiến sỹ chủ lực và dân quân du kích trong Chiến dịch  Hòa Bình.


Tự hào 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024).

 Từ cuối tháng 11 đầu tháng 12/1951, các Đại đoàn bộ đội chủ lực và dân công từ vùng địch tạm chiếm len lỏi qua đồn bốt dày đặc của quân thù đưa lương thực, đạn dược… tiến vào Hòa Bình làm nhiệm vụ. Cả tỉnh dấy lên một khí thế mới sôi động, toàn dân hăng hái giúp đỡ bộ đội, dân công phục vụ, chuẩn bị chiến trường. Hàng ngàn dân công ngày đêm thực hiện nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược, làm đường, bắc cầu, làm bè mảng, dựng lán trại phục vụ bộ đội hành quân. Nhiều nữ thanh niên các dân tộc hăng hái xung phong vào các đội tải thương, phục vụ trong các trạm quân y. Về công tác hậu cần, tỉnh được giao nhiệm vụ lập 2 kho trạm lớn tại suối Chuộn (Lương Sơn), Mãn Đức (Tân Lạc) để tiếp nhận lương thực, thực phẩm, đạn dược, vũ khí từ đồng bằng chuyển lên, rồi từ đây cấp phát về các đơn vị. Ba tuyến vận chuyển được hình thành: Tuyến Bắc thị xã Hòa Bình tiếp nhận từ Phú Thọ chuyển vào; Tuyến Nam đường 6 tiếp nhận từ Hà Đông, Hà Nam chuyển đến; Tuyến đường 12 tiếp nhận từ Ninh Bình, Liên khu IV chuyển lên. Bộ đội địa phương tập trung phối hợp cùng bộ đội chủ lực, các đơn vị khác phân tán về cơ sở làm nhiệm vụ củng cố, dìu dắt dân quân du kích hoạt động. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động cuộc thi đua với ba nội dung: Phát triển chiến tranh du kích, thi đua giết giặc lập công; đẩy mạnh địch ngụy vận; tích cực phục vụ tiền tuyến.

Ngày 10/12/1951, cuộc tiến công tiêu diệt địch tại mặt trận Hòa Bình bắt đầu. Trận Tu Vũ là trận then chốt mở màn chiến dịch. Sau đó, bộ đội ta tiến công các vị trí tại các cao điểm Ba Vì, sông Đà và đường 6. Những trận tiến công trên các trục giao thông thủy, bộ của ta đã chặt đứt con đường chi viện, tiếp tế của địch, bao vây, cô lập các vị trí, nhất là cụm khu vực thị xã. Ngày 23/02/1952, địch bắt đầu rút chạy khỏi thị xã    Hòa Bình. Đến ngày 25/02/1952, Tổng Quân ủy quyết định kết thúc Chiến dịch Hòa Bình.

Qua hai tháng rưỡi chiến đấu liên tục, tại mặt trận Hòa Bình, ta diệt 6.012 tên địch, thu và phá hủy nhiều súng pháo, đạn dược, loại khỏi vòng chiến đấu 9 máy bay, 17 ca nô, tàu, xuồng, 246 xe quân sự. Mặt trận địch hậu (Trung Du, Liên khu III), ta loại khỏi vòng chiến đấu 15.237 tên địch, thu 6.126 súng các loại. Tổn thất chung của địch là 21.249 tên (14.030 tên chết). (Theo Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, t,l, tr,459).

Chiến dịch Hòa Bình đã đập tan kế hoạch chiếm đóng, âm mưu dựng lại "Xứ Mường tự trị” của giặc Pháp trên đất Hòa Bình; đập tan ảo tưởng giành lại thế chủ động trên chiến trường của thực dân Pháp bằng kế hoạch Đờ-lát đờ   Tát-xi-nhi; giải phóng 5.000 km2 đất đai khu vực Hòa Bình - sông Đà với gần 2 triệu dân; giữ vững đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với     Liên khu III và Liên khu IV; làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của thực dân Pháp.

Thắng lợi Chiến dịch Hòa Bình đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật chiến dịch, khả năng tác chiến ở địa bàn rừng núi, bảo đảm hậu cần, đánh địch dài ngày của quân đội ta, khẳng định sự phát triển vượt bậc về tổ chức xây dựng lực lượng chủ lực, trên cơ sở đó xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, tạo thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, toàn dân đánh giặc. Sự thành công của nghệ thuật chiến dịch là ở chỗ nhận định đánh giá tình hình địch, ta đúng; bố trí sử dụng lực lượng chính xác, chỉ huy xử lý các tình huống tài tình, nhạy bén với diễn biến thực tế chiến trường, kiên quyết chuyển ngay loại hình chiến dịch từ phản công sang tiến công; vận dụng tốt hai phương châm tác chiến chiến dịch: "Đánh điểm diệt viện” và "liên tục chiến đấu”; đồng thời tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa chiến dịch tiến công Hòa Bình (chính diện) với mặt trận sau lưng địch (hậu địch) ở Trung du và đồng bằng Bắc Bộ,... tạo nên một bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta: Ở Hòa Bình, địch phải rút chạy, ở Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, hệ thống kìm kẹp của địch tan vỡ từng mảng lớn. 

Ngày 25/02/1952, nhân dịp giải phóng tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi Bộ Chỉ huy Chiến dịch và các chiến sỹ mặt trận Hòa Bình, dân công phục vụ và đồng bào địa phương. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình với tinh thần yêu nước nồng nàn; truyền thống đoàn kết, ý chí tự chủ, tự cường đã phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu kiên cường, dũng cảm, không sợ hy sinh, gian khổ, luôn bám đất, bám dân, phá tề, trừ gian, đập tan âm mưu lập lại "Xứ Mường tự trị", "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt" của thực dân Pháp; đã chủ động chiến đấu và hiệp đồng chiến đấu, cũng như phục vụ chiến đấu trong nhiều trận chiến lớn, nhỏ, làm nên chiến thắng Chiến dịch Hòa Bình.

Chiến thắng Hòa Bình khẳng định chủ trương và sự chỉ đạo chiến lược nhạy bén, đúng đắn của T.Ư Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh; sự nỗ lực vượt bậc của quân và dân ta, trong đó có tỉnh Hòa Bình trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch; điều đó có ý nghĩa, bài học lịch sử to lớn, có giá trị khoa học và thực tiễn để vận dụng vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Sau thất bại ở Hòa Bình, quân Pháp liên tiếp nhận thất bại nặng nề trên chiến trường Tây Bắc và ở mặt trận vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đầu  tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định chọn   Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược. Là hậu phương trực tiếp của chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Hòa Bình được giao nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, tập kết nguồn chi viện sức người, sức của từ đồng bằng Liên khu III, Liên khu IV, tổ chức vận chuyển lên mặt trận. 56 ngày đêm bộ đội ta chiến đấu đầy gian khổ hy sinh, giành thắng lợi "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” cũng là những ngày Đảng bộ, quân và dân Hòa Bình phát huy cao độ tinh thần vượt khó khăn, gian khổ và không ít hy sinh, bảo đảm giao thông vận chuyển thông suốt trong mọi tình huống, đóng góp sức người, sức của cho chiến thắng ngoài mặt trận. 

Với khí thế "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từ tháng 01/1954, tỉnh đã huy động và tổ chức 3 Đại đội thanh niên xung phong, 3.000 dân công cùng dân công các tỉnh bạn tu sửa và mở rộng hơn 70km đường từ Hòa Bình lên Mộc Châu (Sơn La) phục vụ bộ đội, dân công và các đoàn xe thồ, xe ô tô chở vũ khí, đạn dược, lương thực ra mặt trận. Ngoài ra, hàng nghìn cán bộ và Nhân dân của tỉnh ngày đêm bám cầu, bám đường dưới làn bom đạn của địch để đảm bảo giao thông thông suốt. Đồng thời, tỉnh đã đón và chăm sóc hàng nghìn thương binh từ mặt trận trở về. Tổng kết chiến dịch, toàn tỉnh đã huy động 381.292 lượt dân công, 905 xe thồ, vận chuyển 4.900 tấn hàng, huy động 170.000 ngày công xay, giã 545 tấn thóc cho bộ đội, cung cấp cho mặt trận 39,5 tấn thịt bò, 1.840 m3 gỗ và hàng vạn cây bương tre...

Có thể nói, thắng lợi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, quân và dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã góp phần quan trọng chi viện sức người, sức của và phối hợp tác chiến một cách hiệu quả với chiến trường Điện Biên Phủ. 

Phát huy tinh thần và khí thế tiến công của Chiến dịch Hòa Bình, của Chiến dịch Điện Biên Phủ và để xứng đáng với danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hòa Bình không ngừng phấn đấu, nỗ lực đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách góp phần tích cực vào sự nghiệp chung của dân tộc vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". 

Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá và vững chắc; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp thủy sản; các ngành, các lĩnh vực sản xuất đều phát triển, giá trị tổng sản phẩm tăng năm sau cao hơn năm trước, kinh tế của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao; quy mô nền kinh tế được mở rộng. Năm 2020 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt khoảng 54.956 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015. Giai đoạn 2021 - 2023, bình quân hằng năm tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt 5,4%; năng suất lao động ước đạt 2,67%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tăng 18%; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 17.174,6 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 70,16 triệu đồng, tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,45%. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm khoảng 3%, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, toàn tỉnh có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 62% tổng số xã; có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 60 khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu; có 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chăm lo, đầu tư phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân được cải thiện; các chính sách giảm nghèo bền vững, chính sách người có công được chú trọng. Chỉ đạo sát sao, quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt coi trọng, với quyết tâm chính trị cao, kết hợp hài hòa giữa "xây” và "chống”. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai đồng bộ, bài bản, hiệu quả. Qua đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ, tình trạng tham nhũng, "lợi ích nhóm”; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Phương thức lãnh đạo tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả; sự phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc.

Từ lịch sử đến hiện tại là một dòng chảy liên tục. Những giá trị lịch sử cần được tiếp nối, phát huy, trong đó có chiến thắng Hòa Bình (1951 - 1952) và chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954). Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực quyết tâm cao hơn nữa, nắm bắt các cơ hội, huy động mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và NQĐH Đảng toàn quốc lần thứ XIII; phấn đấu xây dựng tỉnh Hòa Bình trở thành khu vực phòng thủ vững chắc, vùng chiến lược quân sự quan trọng của đất nước, đồng thời là vùng kinh tế động lực của khu vực; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. 



Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Thủy

Ngày 3/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Tham gia đoàn có đại diện Sở GD&ĐT, Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở TN&MT), các phòng, ban chức năng của huyện Lạc Thủy. 

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 3-5-1954, những mũi lê đã chĩa vào bên sườn De castries

Từ cuối tháng 4, rất khó phân biệt trận địa ta và trận địa địch. Vì hầu hết những mũi chiến hào của ta đã cắm sâu vào Tập đoàn cứ điểm. Đôi lúc phải xác định trên bản đồ đâu là những cứ điểm địch còn giữ, đâu là nơi ta đã tiêu diệt.

Sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 3-5, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 (Ban chỉ đạo) tổ chức sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).

Tỉnh Hòa Bình tham gia Tọa đàm Kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam - Canada

Vừa qua, đoàn công tác tỉnh Hòa Bình cùng đoàn công tác Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao và các tỉnh bạn tham gia Chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada đã đến thăm và có buổi làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouver, Canada. Tiếp đón các đoàn công tác có đồng chí Phan Kiều Thu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vancouver, Canada.

Thanh niên huyện Cao Phong khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo

Với tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó, thời gian qua, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Cao Phong đã năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do đoàn viên, thanh niên làm chủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục