Quan tâm, chăm lo người yếu thế vùng đồng bào dân tộc
Bùi Văn Dũng
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lạc Sơn
Phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối và điều phối trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ huyện Lạc Sơn đã triển khai các phong trào, cuộc vận động như: "Tết nhân ái”, "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, "Ngân hàng bò”, tặng nhà "Chữ thập đỏ”, hiến máu tình nguyện, phát cơm tại bệnh viện, tặng học bổng cho học sinh nghèo… đem lại hiệu quả tích cực, giúp các đối tượng yếu thế vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Chữ thập đỏ huyện Lạc Sơn phối hợp các tổ chức, cá nhân hảo tâm triển khai hoạt động nhân đạo như: Hỗ trợ tiền, gạo, nhu yếu phẩm, xây nhà, trao bò giống, phát cơm, khám bệnh miễn phí cho người hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo, người tàn tật, nhất là tại các xã còn nhiều khó khăn là Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Quý Hòa, Tuân Đạo… Tặng trên 2.600 suất quà cho các hộ nghèo trên địa bàn, tổng trị giá trên 2,1 tỷ đồng.
Đồng thời, Hội đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội để tuyên truyền về những giá trị nhân đạo, từ thiện, truyền thống nhân ái của dân tộc, khơi dậy truyền thống "lá lành đùm lá rách”. Các phong trào của Hội đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng, tạo dấu ấn tốt đẹp trong cộng đồng, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu để bà con học và làm theo
Bùi Văn Hoan
Người có uy tín xóm So Lo, xã Sơn Thủy, huyện Mai Châu
Được sự tín nhiệm của nhân dân, tôi luôn thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội, cùng với cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đi đầu trong các phong trào thi đua, cuộc vận động do địa phương và các cấp phát động.
Tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tại địa bàn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ nhau cùng phát triển; gìn giữ đoàn kết, tình làng nghĩa xóm. Tích cực tham gia hoạt động hòa giải nhằm giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp ngay tại cơ sở; tham gia công tác quản lý, giáo dục đối tượng phạm tội tại cộng đồng, vận động các đối tượng vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.
Trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tôi đã xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả có hiệu quả. Gia đình tôi đã tự nguyện hiến 50m2 đất vườn để mở rộng đường giao thông, đóng góp vật liệu, ngày công hoàn thiện đường giao thông xóm, từ đó bà con học và làm theo, góp phần nâng cao đời sống, phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, xây dựng làng bản đổi mới, phát triển.
Cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội
Trần Trung Đức
Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn)
Bên cạnh hoạt động phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách địa phương thì một nội dung cơ bản và tất yếu trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.
Lương Sơn là địa phương có kinh tế phát triển dẫn đầu toàn tỉnh với trên 900 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội như: trợ giúp nạn nhân bão lụt, thiên tai, tai nạn, đóng góp vào quỹ xoá đói, giảm nghèo, các quỹ an sinh xã hội khác…
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp tích cực vẫn còn một số doanh nghiệp chưa nhận thức được thực hiện an sinh xã hội là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động an sinh xã hội tại địa phương còn hạn chế.
Do đó, tôi nghĩ cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao hơn nữa nhận thức cho các doanh nghiệp trên địa bàn về công tác an sinh xã hội. Doanh nghiệp cũng cần quan tâm, xác định việc tham gia các hoạt động an sinh xã hội là trách nhiệm quan trọng để có thể tạo nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Làm tốt vai trò "cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với nhân dân
Bùi Văn Bộ
Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm Cóc Lẫm, xã Kim Bôi (Kim Bôi)
Tôi luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ về dân vận khéo: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, muốn tạo được sự đồng thuận trong nhân dân thì phải gần dân, sát dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt phải luôn năng động, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, nói đi đôi với làm thì dân mới tin và làm theo.
Tham gia công tác mặt trận từ năm 2017, tôi thường xuyên phối hợp với Uỷ ban MTTQ xã, cán bộ phụ trách địa bàn, trưởng xóm làm tốt công tác tham mưu, tuyên truyền, triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua đến cộng đồng dân cư, nổi bật là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Năm 2019, người dân trong xóm đã đóng góp xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng bằng tiền mặt, vật liệu trị giá trên 400 triệu đồng. Thực hiện chủ trương của xã, người dân dồn điền, đổi thửa đạt trên 70% diện tích. Năm 2021, người dân đóng góp trên 100 triệu đồng xây dựng sân chơi cho trẻ em; năm 2023 đóng góp 140 triệu đồng xây dựng khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, năm 2023, tôi cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành, đoàn thể và cơ quan chức năng vận động, thuyết phục 45 hộ chuyển 108 ngôi mộ về nghĩa địa mới, nhường mặt bằng cho dự án quần thể đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo tại xã Kim Bôi, góp phần phát triển kinh tế, du lịch cho huyện nhà.