Mô hình Dân vận khéo "Nuôi cá lồng" ở xã Hiền Lương cho hiệu quả kinh tế cao, được nhân rộng trên các xã vùng lòng hồ.
Đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình nuôi cá lồng của cựu chiến binh xã, đồng chí Xa Kiều Hân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hiền Lương chia sẻ: Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chúng tôi đã khuyến khích hội viên xây dựng mô hình nuôi cá lồng là mô hình DVK. Được sự hỗ trợ của chính quyền, người dân đã đầu tư nâng cấp lồng nuôi loại mới có thể tích lớn, chất liệu bền chắc và được hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật để nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, một số hộ phát triển nghề nuôi cá lồng kết hợp với du lịch cho hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi cá lồng là 1 trong 11 mô hình DVK tiêu biểu được huyện Đà Bắc nhân rộng trong 6 tháng đầu năm 2024. Cùng với mô hình này, huyện đã nhân rộng mô hình công trình "100 đồng thắp sáng niềm tin” thành 16 mô hình; mô hình "Tổ an ninh tự quản” được nhân rộng thành 14 mô hình; mô hình "Đổi mới, phát huy hiệu quả công tác dân vận chính quyền và DVK trong công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình” được nhân rộng thành 9 mô hình...
Tiêu biểu trong phát triển kinh tế là việc các cấp ủy, chính quyền, các ngành, MTTQ, các đoàn thể, hội quần chúng đã lãnh đạo, chỉ đạo, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Nhiều mô hình trong lĩnh vực kinh tế có hiệu quả đã được công nhận là mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tiêu biểu như năm 2024 có mô hình "Nuôi và vỗ béo trâu, bò theo phương pháp bán chăn thả” của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và mô hình "Trồng đào bán phôi kết hợp chăn nuôi lợn bản địa” của hộ ông Trương Văn Hiếu, xóm Sơn Lập, xã Cao Sơn... Các mô hình DVK trong phát triển kinh tế được duy trì và nhân rộng, huy độngsự tham gia của đông đảo người dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao, có vai trò định hướng trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.
Các mô hình DVK lĩnh vực văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện đã huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, khu dân cư văn hóa, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện tốt nếp sống văn minh, văn hóa trong cộng đồng dân cư. Nhiều mô hình mới, tiêu biểu tiếp tục được triển khai, nhân rộng, có tính xã hội hoá cao, hiệu ứng xã hội tích cực, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm của cộng đồng. Tiêu biểu như các mô hình: "Lớp học linh hoạt, sáng tạo”, "Sáng tạo truyện tranh khổ to gắn với bản sắc văn hóa địa phương cho trẻ mẫu giáo Trường mầm non Cao Sơn”, "Giữ gìn bản sắc quê hương Tân Minh”, "Dạy chữ Tày cổ và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Tày trên địa bàn huyện Đà Bắc...
Phong trào thi đua DVK trên lĩnh vực QP-AN được triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, kết hợp giữa vận động tập trung với vận động cá biệt. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín trong dòng họ, khu dân cư, chức sắc, chức việc các tôn giáo. Việc nhân rộng các mô hình, hình thức tự quản về an ninh trật tự trong nhân dân theo hướng xã hội hóa, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia. Năm 2024, trên địa bàn huyện có 2 mô hình được công nhận là điển hình DVK trong lĩnh vực QP-AN là: "Tuổi trẻ Công an huyện tích cực, chủ động đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng” và "Công an thị trấn vì nhân dân phục vụ”.
Thông qua các mô hình DVK đã tạo sự đoàn kết, thống nhất trong dòng họ, gia đình, giúp nhau phát triển KT-XH, phát huy được vai trò dân vận của Đảng trong xóa đói, giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng nông thôn mới.
Dương Liễu