Ngày 21/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đến hết năm 2023.
Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh tham dự phiên chất vấn, trả lời chất vấn trực tuyến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Phiên họp được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động "giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Tại ngày thứ nhất phiên chất vấn, các ĐBQH tiến hành chất vấn 2 nhóm vấn đề: Nhóm 1 liên quan đến lĩnh vực công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch. Nhóm 2 liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trên tinh thần xây dựng, các nội dung ĐBQH chất vấn tập trung vào chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới; làm rõ trách nhiệm và có giải pháp để khắc phục tình trạng phát triển ngành nông nghiệp thiếu bền vững; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong môi trường thương mại điện tử; bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; giải pháp điều hành giá điện, dự trữ xăng dầu; vấn đề thu hút nguồn lực vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá; công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025... Qua đó, thông tin phản ánh thực trạng tình hình và có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục những hạn chế, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đáp ứng mong đợi của cử tri, Nhân dân cả nước.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành đã trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm vấn đề đại biểu nêu, đưa ra được nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn thực hiện cụ thể, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra của năm 2024 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Báo cáo ý kiến của Ban Dân nguyện về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.
Được tổ chức trong 1,5 ngày, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục diễn ra vào sáng 22/8 đối với nhóm lĩnh vực 2, gồm tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, toà án, kiểm sát trước khi bế mạc phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn.
Bùi Minh