Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1945 - 1954), vùng trong của Châu Lương Sơn xưa (nay là huyện Kim Bôi) được Khu II và Tỉnh ủy Hòa Bình chọn để xây dựng khu căn cứ kháng chiến. Ngày 11/5/1947, Chi bộ đảng Nật Sơn - Chi bộ đảng đầu tiên của huyện được thành lập. Từ đây, Chi bộ đã lãnh đạo phong trào cách mạng lan rộng trong toàn huyện. Kim Bôi cũng vinh dự là nơi được Tỉnh ủy Hòa Bình hai lần lựa chọn tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh (lần thứ nhất diễn ra từ ngày 21 - 25/5/1948 tại Đình Lập - xóm Lập, xã Lập Chiệng, xóm Lập, xã Kim Lập; lần thứ hai diễn ra từ ngày mồng 10 - 22/4/1951 tại xóm Đồng Lốc, xã Nật Sơn - nay thuộc xã Xuân Thủy).
Sau khi hòa bình lập lại, ngày 15/4/1959, Chính phủ ban hành Nghị định số 153/NĐ-CP, tách huyện Lương Sơn thành hai huyện: Kim Bôi và Lương Sơn. Ngày 17/4/1959, huyện Kim Bôi chính thức được thành lập gồm 22 xã. Đến năm 2019, thực hiện Nghị quyết số 830, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Kim Bôi sắp xếp từ 28 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 17 đơn vị hành chính, giảm 11 xã.
Mặc dù trải qua nhiều thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi, nhưng mỗi tên xóm, tên làng của Kim Bôi đều gắn bó máu thịt với từng người dân. Đó là kết quả mà bao thế hệ cha ông đã đổ mồ hôi, công sức, xương máu để xây dựng và gìn giữ cho đến ngày nay và là tự hào của nhân dân các dân tộc huyện Kim Bôi.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến, cán bộ và nhân dân huyện Kim Bôi không quản ngại hy sinh, gian khổ đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều người con ưu tú của Kim Bôi đã anh dũng hy sinh, làm rạng ngời thêm trang sử hào hùng của quê hương Mường Động.
Qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, với 5.458 người có công với cách mạng, trong đó có 22 Mẹ Việt Nam anh hùng, 640 liệt sỹ, 491 thương bệnh binh, người bị tù đày, 256 người bị nhiễm chất độc hóa học… đã khẳng định những đóng góp to lớn của quân và dân huyện Kim Bôi đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Năm 2002, nhân dân và cán bộ huyện Kim Bôi được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ.
Ngày 19/9/1964, Kim Bôi vinh dự, tự hào được đón Bác Hồ về thăm và làm việc với Huyện ủy. Bác đã ân cần nhắc nhở từng nơi ăn, nếp ở, cách thức thâm canh, tăng gia, sản xuất làm sao đạt hiệu quả cao. Bác khuyên: "Mọi người cần nêu cao ý thức tiết kiệm, không ngừng học tập để nâng cao trình độ văn hóa”… Sự kiện Bác Hồ về thăm, làm việc với Huyện ủy Kim Bôi không chỉ là nguồn động viên, là lời chỉ dẫn quý giá đối với cán bộ của Huyện ủy, mà còn là niềm tự hào, động lực phấn đấu đối với toàn thể nhân dân các dân tộc trong huyện. Thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Kim Bôi ra sức khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, giữ gìn an ninh, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương; giành nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt.
Trong công cuộc đổi mới, nhất là những năm trở lại đây, Kim Bôi đã xác định rõ và phát huy thế mạnh của mình để vươn lên mạnh mẽ, đạt được những kết quả vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn ở mức cao. Kết quả thực hiện đến hết năm 2023 và 9 tháng năm 2024 khá toàn diện; kinh tế của huyện phát triển mạnh, tăng trưởng kinh tế đạt 14,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm trên 5,0%/năm (tỷ lệ hộ nghèo còn 12,28%); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng sản xuất nông - lâm nghiệp chiếm 22,4%; tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm 22,4%; dịch vụ chiếm 55,2%. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đã có 6 xã về đích nông thôn mới, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; các xã còn lại đạt bình quân 14,9% tiêu chí/xã. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, chất lượng cao. Trên địa bàn huyện đã có 17 sản phẩm được chứng nhận chuẩn OCOP, điển hình như: Nhãn Sơn Thủy, mật ong Hợp Tiến, nước khoáng thiên nhiên Kim Bôi, bưởi Mường Động…
Cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh, giảm dần sự cách biệt giữa các vùng trong huyện. Tài nguyên - môi trường được giữ gìn. Văn hóa - xã hội có sự tiến bộ và phát triển, dân trí được nâng lên, đời sống dân sinh được cải thiện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,8%; tỷ lệ số bác sỹ/vạn dân đạt 6,2%, 17 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; số trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm 48,3%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều chuyển biến. Huyện triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, nhân dân phấn khởi.
Với những thành tích đặc biệt, xuất sắc trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Kim Bôi đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1999, danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2002, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2004, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2009, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2019. Trong công cuộc đổi mới và phát triển hiện nay, cán bộ, nhân dân huyện Kim Bôi vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Kim Bôi, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình. Đây là vinh dự, nguồn cổ vũ to lớn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và nhân dân các dân tộc trong huyện quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Kế thừa, phát huy truyền thống quê hương anh hùng và kiên cường cách mạng, thành quả của nhiều thế hệ cha anh, trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Kim Bôi tiếp tục xây dựng khối đoàn kết thống nhất, đổi mới tư duy, cách làm, huy động tốt các nguồn lực, khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng, lợi thế của con người, cảnh quan, môi trường, văn hóa, tạo những động lực, giá trị mới, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, xây dựng quê hương Mường Động ngày càng giàu đẹp, ấm no.