Sáng 20/9, tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, đoàn giám sát của Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) do đồng chí Bùi Tiến Lực, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay.
Đồng chí Bùi Tiến Lực, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) phát biểu kết luận buổi giám sát.
Giai đoạn 2021 - 2024, chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đến hộ nghèo, hộ ĐBDTTS sống tại vùng khó khăn. Các đối tượng được tiếp cận với chương trình tín dụng ưu đãi, đáp ứng nhu cầu sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ DTTS tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tính đến ngày 31/5/2024, tổng dư nợ NHCSXH đạt 5.085,2 tỷ đồng/20 chương trình tín dụng. Trong giai đoạn 2021 - 2024, tổng doanh số cho vay đối với hộ nghèo đạt trên 883 tỷ đồng với gần 18 nghìn lượt hộ vay vốn; dư nợ hiện nay trên 972 tỷ đồng. Doanh số cho vay hộ cận nghèo đạt trên 755 tỷ đồng với gần 15,2 nghìn lượt hộ vay vốn. Cho vay hộ mới thoát nghèo doanh số đạt trên 479 tỷ đồng với 9.327 hộ vay.
Đối với chương trình cho vay hộ ĐBDTTS theo Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay chương trình đã hết thời gian thực hiện, dư nợ 15 triệu đồng, còn 1 hộ đang dư nợ. Chương trình cho vay theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg tới nay đã hết thời gian thực hiện, dự nợ trên 18,6 tỷ đồng, với 517 hộ còn dư nợ. Chương trình cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, doanh số cho vay đạt trên 29,8 tỷ đồng với 541 lượt hộ vay vốn, dư nợ trên 29,2 tỷ đồng, với 526 hộ còn dư nợ... Nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo tại địa phương.
Tại buổi giám sát, bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu nêu một số khó khăn trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ ĐBDTTS như: Công tác rà soát bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh hàng năm chưa được chú trọng. Việc phối hợp thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT-XH, đào tạo nghề chưa hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác chưa thực hiện thường xuyên, chưa sâu và chất lượng chưa cao. Nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH còn thấp, mới chiếm 4% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH đang quản lý…
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Bùi Tiến Lực, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh), trưởng đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong việc triển khai các chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ ĐBDTTS trong giai đoạn 2021 đến nay. Khẳng định đây là chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước để thực hiện an sinh xã hội. Từ nguồn vốn của các chương trình đã góp phần cho nhiều hộ có điều kiện tốt hơn trong thoát nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm, góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh địa phương.
Từ những hạn chế đã nêu ra, đồng chí trưởng đoàn giám sát đề nghị: NHCSXH, các sở, ngành chức năng, đơn vị nhận uỷ thác tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ ĐBDTTS. Huy động các nguồn lực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; quản lý chắc các đối tượng cho vay. Quan tâm thực hiện chính sách tín dụng gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần tăng chất lượng sử dụng nguồn vốn… Đối với những đề xuất, kiến nghị, đoàn giám sát sẽ tổng hợp gửi đến các cấp có thẩm quyền giải quyết.
Hương Lan