LTS: Trong chương trình Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, chiều 5/12 đã diễn ra Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. HĐND tỉnh đã thống nhất chất vấn 5 lĩnh vực được dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân quan tâm. Báo Hòa Bình trích đăng một số nội dung trả lời chất vấn của lãnh đạo các sở, ngành liên quan.



Đảm bảo các quy định, thu hút nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân

Đại biểu hỏi: Theo Luật Dược năm 2016 quy định, dược sĩ phải có mặt tại nhà thuốc khi mở cửa hoạt động, thuốc kê đơn chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ, nhưng hiện nay nhiều nhà thuốc trên địa bàn tỉnh nói chung dược sĩ chỉ đứng tên, còn bán thuốc tại nhà thuốc là những người làm thuê có hiểu biết về y, thuốc kê đơn đang bán một cách tràn lan. Vậy xin hỏi đồng chí Giám đốc Sở Y tế, giải pháp của tình trạng này như thế nào? Qua hoạt động giám sát cho thấy, đội ngũ nhân viên y tế còn thiếu 1.683 người, trong đó thiếu 495 bác sĩ. Đề nghị cho biết rõ nguyên nhân, tới đây có ban hành chính sách thu hút, ưu đãi nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh công tác không?

Đồng chí Bùi Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế trả lời: Theo quy định, người chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn dược của cơ sở kinh doanh nói chung và của cơ sở bán lẻ nói riêng là người chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về mọi hoạt động chuyên môn của cơ sở. Các quy định hiện hành đã quy định nghiêm cấm các hành vi bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc. Thời gian qua, Sở Y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác giám sát đối với các cơ sở bán lẻ và hoạt động này ngày càng chặt chẽ hơn, đã xử phạt nhiều cơ sở vi phạm. Thời gian tới, ngành Y tế tích cực phối hợp các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hành nghề dược tư nhân; đặc biệt là trách nhiệm pháp lý khi vi phạm hành nghề không phép, trái quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố; chính quyền cơ sở trong việc quản lý các cơ sở hành nghề dược tư nhân trên địa bàn tỉnh…

Về vấn đề thu hút nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao về tỉnh công tác trong những năm qua gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng bỏ việc của nhân viên y tế cũng rất quan ngại. Thời gian qua, Sở Y tế đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản về nâng cao chất lượng, năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế đã chủ động tham mưu xây dựng Nghị quyết quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2025, ngành Y tế sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng chính sách thu hút, ưu đãi nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh công tác.

Tăng cường giải pháp giúp học sinh thích ứng với thay đổi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Đại biểu hỏi: Năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp (TN) trung học phổ thông (THPT) sẽ có sự thay đổi lớn trong việc thi, xét TN THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, ngành GD&ĐT Hòa Bình đã và sẽ thực hiện giải pháp gì?



Đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời: Ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành phương án thi TN năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT đã triển khai các giải pháp giúp học sinh và các bậc cha mẹ học sinh hiểu nhằm thích ứng với những thay đổi này. Cụ thể, chỉ đạo các đơn vị trường học tuyên truyền, phổ biến những điểm mới của kỳ thi đến toàn thể học sinh, cha mẹ học sinh để có sự chuẩn bị tâm lý; tăng cường công tác định hướng cho học sinh lựa chọn tổ hợp các môn thi TN phù hợp với năng lực, ôn tập theo hướng lựa chọn của học sinh nhằm nâng cao kết quả kỳ thi.

Trong thời gian tới, để kỳ thi TN THPT đạt kết qua cao, Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường truyền thông giúp học sinh, cha mẹ học sinh hiểu đúng những đổi mới của kỳ thi; chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện dạy học, hoàn thành nội dung chương trình theo đúng kế hoạch thời gian năm học, tích cực tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức thi TN cho học sinh lớp 12; tổ chức cho học sinh lớp 12 thi thử TN 2 đợt, trong đó nhiều đơn vị sẽ tự tổ chức thi thử thêm để các em làm quen với kỳ thi, việc thực hiện quy chế thi, rèn kỹ năng làm bài. Qua kết quả thi thử để nhà trường căn cứ điều chỉnh phương pháp dạy học, ôn tập sát thực tế của đơn vị và sát với từng đối tượng học sinh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật

Đại biểu hỏi: Trong Báo cáo số 482/BC-UBND, ngày 20/11/2024 của UBND tỉnh đã nêu về các hạn chế trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) còn chưa đồng bộ, hiệu quả và những hạn chế trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Đề nghị ngành Tư pháp làm rõ các biện pháp khắc phục?



Đồng chí Bùi Thị Thúy Bình, Giám đốc Sở Tư pháp trả lời: Trong năm 2024, ngành Tư pháp đã tích cực triển khai Luật PBGDPL, tổ chức phổ biến các luật, pháp lệnh mới và thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch của Hội đồng phối hợp PBGDPL. Tuy nhiên, một số khó khăn được ghi nhận: Hạn chế trong xây dựng VBQPPL. Một số đơn vị chưa kịp thời cập nhật các quy định mới của Luật Ban hành VBQPPL và Nghị định 154/2020/NĐ-CP, dẫn đến việc hồ sơ xây dựng văn bản không đáp ứng trình tự, bị trả lại, gây chậm trễ. Về thể chế và sự không thống nhất trong một số văn bản Trung ương khiến việc thực thi tại địa phương gặp khó khăn. Công chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn đa phần là kiêm nhiệm, thiếu chuyên sâu, ảnh hưởng đến chất lượng công tác xây dựng VBQPPL. Bên cạnh đó là khó khăn trong công tác PBGDPL như: Thiếu biên chế chuyên trách pháp chế tại các sở, ngành do yêu cầu tinh giản biên chế; không thành lập được Phòng Pháp chế tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo quy định của các Thông tư chuyên ngành, làm giảm hiệu quả công tác pháp chế.

Ngành đã đưa ra phương hướng, giải pháp khắc phục với nhiều nhiệm vụ cụ thể: Công tác xây dựng, thẩm định và hệ thống hóa VBQPPL như: Tăng cường tham mưu xây dựng các văn bản thuộc lĩnh vực tư pháp, trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh ban hành; nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo VBQPPL, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; ban hành các hướng dẫn về nghiệp vụ công tác tư pháp để hỗ trợ các đơn vị.

Đối với công tác quản lý nhà nước về PBGDPL: Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án PBGDPL và hoạt động của Hội đồng PBGDPL năm 2025; đẩy mạnh xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và hỗ trợ công tác hòa giải cơ sở; phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền pháp luật, đặc biệt trong việc nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của người dân.

Phấn đấu giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 70%

Đại biểu hỏi: Qua nghiên cứu và nắm bắt thực tế được biết, đến nay tiến độ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh còn chậm, đạt thấp. Tính đến ngày 31/10/2024, toàn tỉnh giải ngân được 106.735/596.359 triệu đồng, đạt 17,9% kế hoạch giao. Đề nghị đồng chí Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và giải pháp trong thời gian tới?



Đồng chí Hà Văn Di, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trả lời: Tỉnh Hoà Bình được Trung ương phân bổ nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 tổng số 2.035 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2023 đã triển khai thực hiện 916,5 tỷ đồng và tiếp tục thực hiện năm 2024 - 2025 là 1.118,5 tỷ đồng. Đến ngày 31/10/2024, toàn tỉnh giải ngân đạt 17,9% dự toán được phân bổ. Những nguyên nhân, khó khăn chủ yếu là: Hệ thống văn bản của một số bộ, ngành Trung ương chưa thống nhất; xây dựng danh mục dự án, nhu cầu sử dụng vốn ở một số địa phương thời điểm trước đây chưa sát với tình hình thực tế; việc triển khai thực hiện Dự án 3 và 5 của chương trình còn nhiều khó khăn; việc sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở các huyện không thực hiện được, do vướng mắc trong văn bản hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc lựa chọn đối tượng, nội dung, địa bàn triển khai thực hiện các dự án; triển khai các lớp đào tạo, dạy nghề ngắn hạn ở một số nơi thiếu giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu, hoặc cùng một địa phương, địa bàn phải đồng thời thực hiện nhiều chương trình, dự án của các cấp, ngành tuyển sinh, triệu tập.

Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các huyện, thành phố tập trung thực hiện các kết luận của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/12/2024 đạt 70%, đến ngày 31/1/2025 đạt khoảng 80%...

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án công trình nông nghiệp

Đại biểu hỏi: Dự án cấp bách đê ngăn lũ chống ngập úng Pheo - Chẹ được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh tiến độ thực hiện từ năm 2019-2025. Còn 1 năm nữa phải hoàn thành, liệu dự án có hoàn thành đúng tiện độ? Khi nào chuyển kinh phí chi trả tiền bồi thường (BT), hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập (dự án WB8) tại huyện Yên Thủy?



Đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Trưởng Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh trả lời: Ban QLDA đang triển khai công tác BT, hỗ trợ thu hồi đất để GPMB triển khai thi công. Công tác GPMB đã kiểm đếm đất, tài sản trên đất của 395/418 hộ gia đình, cá nhân. Về giá đất nông nghiệp đang trình xác định giá đất ở để hoàn thiện phương án BT và trình phê duyệt phương án. Dự kiến trước ngày 31/12/2025 sẽ hoàn thành đoạn 6,2km đầu tuyến. Khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay vẫn là công tác GPMB.

Đối với việc chi trả tiền BT, hỗ trợ GPMB các dự án trên địa bàn huyện Yên Thủy, trong số 5 hồ chứa có 3 hồ chứa đã hoàn thành chi trả từ nguồn vốn đối ứng, 1 hồ chứa chi trả bằng vốn vay của nhà thầu thi công. Riêng hồ Luông Bai chưa hoàn thành chi trả với tổng giá trị BT, hỗ trợ GPMB là 1.279 triệu đồng, trong đó đã chi trả 350 triệu đồng; chưa chi trả 929 triệu đồng do số vốn đối ứng còn thiếu so với nhu cầu sử dụng thực tế của dự án.

Ban QLDA đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố sớm phê duyệt phương án BT đối với các hộ dân còn lại để chi trả tiền GPMB; quan tâm phối hợp đẩy nhanh công tác xác định nguồn gốc đất, nhân khẩu, giá đất và lập phương án phê duyệt, chi trả GPMB tuyến đê.

Để hoàn thành công tác BT, hỗ trợ, tái định cư thuộc dự án WB8, đề nghị UBND tỉnh bố trí 3,7 tỷ đồng vào kế hoạch vốn đối ứng năm 2025; có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho dự án để có cơ sở phân bổ mức vốn cho các tỉnh đã hoàn chỉnh hồ sơ như yêu cầu; đẩy nhanh các thủ tục về điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn của dự án để tỉnh có cơ sở bố trí bổ sung vốn đối ứng cho dự án và thực hiện các thủ tục giải ngân theo quy định.    

Xử lý kịp thời các hành vi vi phạm qua mạng và số điện thoại

Đại biểu hỏi: Tình trạng lừa đảo qua điện thoại và không gian mạng (KGM) trong thời gian vừa qua đã khiến nhiều gia đình hoang mang, thiệt hại tài sản. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nêu rõ thực trạng, giải pháp quản lý thông tin mạng, sim điện thoại trên địa bàn tỉnh?



Đồng chí Bùi Đức Nam, Giám đốc Sở TT&TT trả lời: Hiện tỉnh Hòa Bình có hơn 700.000 thuê bao điện thoại thuộc quản lý của 3 nhà mạng. Công tác quản lý thông tin thuê bao được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Bộ TT&TT. Thanh tra Sở thường xuyên kiểm tra việc quản lý thông tin thuê bao, chuyển mạng giữ số, các doanh nghiệp viễn thông cơ bản chấp hành tốt. Trong năm, Sở đã phối hợp Công an tỉnh xác minh các số điện thoại và địa chỉ IP dùng để lừa đảo, ghi nhận các số điện thoại gọi đến không có thông tin đăng ký hay kích hoạt trên địa bàn tỉnh.

Sở đã có giải pháp cụ thể về quản lý thuê bao di động như: Yêu cầu các nhà mạng cập nhật biện pháp kỹ thuật ngăn chặn tin nhắn rác, tăng cường phối hợp với Công an xử lý các hành vi mạo danh số điện thoại lừa đảo. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại để nâng cao cảnh giác của người dân. Về quản lý thông tin trên mạng xã hội, với hơn 150.000 tài khoản mạng xã hội trên địa bàn, Sở nhận định tình trạng vi phạm pháp luật trên KGM đang diễn biến phức tạp. Để kiểm soát, Sở đã tham mưu ban hành các kế hoạch và thực hiện đồng bộ giải pháp, bao gồm hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng, tăng cường giám sát thông tin, xử lý nghiêm các vi phạm. Sở cũng phối hợp với cơ quan báo chí, truyền thông định hướng dư luận theo hướng tích cực, đảm bảo KGM an toàn, lành mạnh.

Các tin khác


Tạm dừng tuyển dụng công chức, viên chức khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hòa Bình năm 2024

Ngày 4/12/2024, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã ký ban hành Thông báo số 631-TB/TU về việc tạm dừng tuyển dụng công chức, viên chức khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Dự kiến tên các bộ sau khi Chính phủ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

Chính phủ sẽ cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 15 bộ, cơ quan ngang bộ. Bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối (giảm 9 đầu mối).

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy là việc khó nhưng không thể không làm

Sáng 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18-NQ/TW), chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Báo cáo tóm tắt kết quả công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền năm 2024

Tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 của HĐND tỉnh, đồng chí Bùi Văn Luyến, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh đã báo cáo tóm tắt kết quả công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền năm 2024. Báo Hoà Bình đăng toàn văn báo cáo tóm tắt.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026

Tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc Kỳ họp. Báo Hòa Bình đăng toàn văn bài phát biểu.

Tổng kết nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương năm 2024

Chiều 3/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ công tác quốc phòng - quân sự địa phương (QP-QSĐP) năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục