Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi vẻ vang, đất nước độc lập, non sông thu về một mối. Ðể làm nên thắng lợi cuối cùng, sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định.
Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 15 là một minh chứng điển hình thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng đối với cuộc đấu tranh cách mạng ở Miền Nam nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung. Nhân kỷ niệm 50 năm Ðồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2010), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của Ðại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, Phó Viện trưởng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Sự cần thiết của Nghị quyết 15
Sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Ðông Dương (20-7-1954), quân và dân ta nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của Hiệp định. Trái lại, cả Mỹ và chính quyền Ngô Ðình Diệm tìm mọi cách phá bỏ Hiệp định, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử, đàn áp đẫm máu những người cộng sản, cán bộ kháng chiến và người dân yêu nước sử dụng đấu tranh chính trị, đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình. Tình hình này diễn ra trong một thời gian dài làm cho phong trào đấu tranh cách mạng bị tổn thất nặng nề.
Trong hai năm 1957-1958, Ðảng đã có những cuộc họp bàn về cách mạng Miền Nam nhưng chủ trương, biện pháp đấu tranh vẫn chưa thay đổi, phong trào cách mạng tiếp tục bị đàn áp và tổn thất nặng nề.
Thực tế là từ tháng 6-1956, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết khẳng định "đấu tranh chính trị không có nghĩa là tuyệt đối không dùng hình thức vũ trang tự vệ trong hoàn cảnh nhất định"; và sau đó, tháng 8-1956, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đã viết "Ðề cương cách mạng Miền Nam", cũng đề cập đến vấn đề bạo lực cách mạng và đấu tranh vũ trang, song chúng ta chưa sử dụng hình thức đấu tranh vũ trang một cách mạnh mẽ, thích hợp để đối phó với sự đàn áp, khủng bố tàn bạo của kẻ thù, nên cách mạng Miền Nam vẫn tiếp tục bị tổn thất.
Mặc dù bị chính quyền Ngô Ðình Diệm thẳng tay khủng bố, song cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước ở Miền Nam cơ bản vẫn nghiêm túc chấp hành chủ trương đấu tranh và sự chỉ đạo của Ðảng, không manh động. Ðiều đó chứng tỏ đảng viên và quần chúng vẫn tin tưởng và chờ đợi một sự thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ về chủ trương, phương pháp đấu tranh của Ðảng đối với kẻ thù.
Nhận được những kiến nghị khẩn thiết của các tổ chức Ðảng và của cán bộ, đồng bào, chiến sĩ Miền Nam yêu cầu phải nhanh chóng thay đổi hình thức đấu tranh, trên cơ sở xem xét thực tế tình hình, Bộ Chính trị đã cử ra một tổ tập trung nghiên cứu, đề xuất chủ trương, hình thức và phương pháp đấu tranh mới cho cách mạng Miền Nam để đưa phong trào cách mạng thoát khỏi tình thế hiểm nghèo, phát triển đi lên.
Nghị quyết 15 soi sáng con đường phát triển của cách mạng Việt Nam
Tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng họp Hội nghị (mở rộng) lần thứ 15, đã xác định con đường phát triển của cách mạng Miền Nam, vạch rõ mục tiêu và phương pháp cách mạng ở Miền Nam; xác định mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở Miền Nam và Miền Bắc, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, nhằm giải phóng Miền Nam, bảo vệ Miền Bắc, thống nhất nước nhà.
Nghị quyết 15 được thông qua và phổ biến sau cuộc họp đợt 2 (7-1959) khẳng định: nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Miền Nam là giải phóng Miền Nam; nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Ðình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ; phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; dự kiến xu hướng phát triển từ khởi nghĩa của nhân dân tiến lên cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ.
Nghị quyết 15 ra đời đã đáp ứng đúng đòi hỏi của tình hình và nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển đi lên của cách mạng Miền Nam là phải dùng bạo lực cách mạng, phải chuyển hướng sang đấu tranh vũ trang, để đưa phong trào vượt thoát khỏi tình thế hiểm nghèo. Ðây là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự chuyển biến về tư tưởng chỉ đạo đấu tranh cách mạng ở cấp lãnh đạo cao nhất, sự chuyển hướng mạnh mẽ về hình thức và phương pháp đấu tranh.
Nghị quyết 15 của Trung ương Ðảng chính là ngọn lửa châm ngòi cho cao trào Ðồng khởi trên quy mô lớn tại các địa phương ở Nam Bộ và Khu 5. Trước năm 1959, trước khi có Nghị quyết 15, các cuộc đấu tranh có tính chất vũ trang tự vệ của quần chúng cách mạng, yêu nước chỉ diễn ra lẻ tẻ, tự phát ở một vài địa phương. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ 15 (đợt 1, từ ngày 12 đến 22-1-1959; đợt 2, từ ngày 10 đến 15-7-1959) và ra Nghị quyết, thì dù chưa có Nghị quyết chính thức (trong nửa đầu năm 1959) nhưng tinh thần cơ bản của Nghị quyết đã được các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ, ra Hà Nội dự Hội nghị, đem về truyền đạt ngay sau khi kết thúc đợt 1. Vì thế, thực tế diễn biến cho thấy, từ giữa năm 1959 trở đi đã có hàng loạt cuộc đấu tranh mang tính bạo lực của quần chúng nổ ra ở các địa phương, như Minh Thạnh (Tây Ninh); Dầu Tiếng (Thủ Dầu Một); Gò Quản Cung, Gò Măng Ða (Ðồng Tháp); Tà Lốc, Tà Léc (Bình Ðịnh); Tam Ngân (Bình Thuận); Nóc Ông Tía, Trà Bồng (Quảng Ngãi)... Ðiều đó báo hiệu một giai đoạn đấu tranh mới đang hình thành. Quá trình khởi nghĩa từng phần ở Miền Nam đã bắt đầu. Như thế, ý nghĩa, tác động của Nghị quyết 15 là trực tiếp, nhanh chóng và rõ rệt, mở ra hướng đi mới cho phong trào đấu tranh ở Miền Nam.
Ngay sau khi có văn bản Nghị quyết 15, Xứ ủy Nam Bộ họp (11-1959), nhận định: tuy địch có gây cho ta nhiều khó khăn nhưng xét về căn bản và toàn cục thì ta đã giành được thế chủ động; cơ sở Ðảng vẫn được giữ vững, phong trào quần chúng phát triển cao hơn so với năm 1958; hoạt động vũ trang tuyên truyền phát huy tác động hỗ trợ cho đấu tranh chính trị.
Tháng 12-1959, Liên tỉnh ủy miền Trung Nam Bộ họp, có sự tham dự của đại biểu các tỉnh Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, An Giang, Kiến Phong, trên cơ sở đánh giá tình hình, khả năng của các lực lượng cách mạng, đã quyết định phát động nhân dân khởi nghĩa ở xã, ấp. Phương châm đấu tranh là: nổi dậy đều khắp không để nổi cộm từng điểm khiến địch có thể tập trung lực lượng đàn áp; phải vận động cho được quần chúng nhân dân vùng lên đấu tranh với địch nhưng phải giữ cho được thế hợp pháp. Hoạt động vũ trang phải khôn khéo, tránh nặng về đấu tranh vũ trang đơn thuần.
Ban quân sự Liên tỉnh miền Ðông Nam Bộ cũng tổ chức họp bàn việc thực hiện chủ trương của Xứ ủy. Căn cứ địch ở Tua Hai (Tây Ninh) được chọn làm trận tiến công mở đầu cho các tỉnh miền Ðông Nam Bộ.
Ðến đầu tháng 1-1960, thời cơ cho một cuộc tiến công, nổi dậy rộng khắp các địa phương Miền Nam đã tới. Mở đầu cho phong trào Ðồng khởi là cuộc đấu tranh chính trị, vũ trang của quần chúng nhân dân huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, ngày 17-1-1960, giành được thắng lợi. Phối hợp với Bến Tre, dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Ðảng, nhân dân các địa phương ở Trung Nam Bộ, Ðông Nam Bộ đã đồng loạt đứng lên phá rã hệ thống kìm kẹp và chính quyền cơ sở của chế độ Sài Gòn, giành quyền làm chủ, đẩy chính quyền Ngô Ðình Diệm vào tình thế bị động đối phó.
Ngày 26-1-1960, trận tiến công địch ở căn cứ Tua Hai (Tây Ninh) của lực lượng vũ trang giành thắng lợi, trở thành phát súng mở đầu cho cuộc nổi dậy của quần chúng cách mạng ở địa bàn trọng yếu miền Ðông Nam Bộ.
Trong quá trình diễn ra cao trào Ðồng khởi, bên cạnh quyền làm chủ một số thôn, xã của nhân dân được xác lập, lực lượng vũ trang và bán vũ trang cũng từng bước được xây dựng và trưởng thành... dẫn đến sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam. Mặt trận đã trở thành ngọn cờ tập hợp các lực lượng yêu nước tán thành độc lập, dân chủ và hòa bình, đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai.
Như vậy, có thể thấy rằng Nghị quyết 15 ra đời là vô cùng cần thiết, đáp ứng đúng đòi hỏi của tình thế cách mạng, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam ở Miền Nam, khi tình thế đã đầy đủ và chín muồi, giải tỏa nỗi bức xúc bị kìm nén và nguyện vọng tha thiết của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Miền Nam. Nghị quyết 15 như ngọn đuốc soi sáng con đường phát triển của cách mạng Việt Nam ở Miền Nam, là cơ sở trực tiếp cho phong trào Ðồng khởi nổ ra và giành thắng lợi. Kết quả to lớn và dễ nhận thấy của phong trào Ðồng khởi là sự khôi phục hoạt động của Ðảng bộ Miền Nam. Ðội quân đấu tranh chính trị, đặc biệt là "đội quân tóc dài", một lực lượng đấu tranh độc đáo và hiệu quả của phụ nữ Nam Bộ ra đời. Cũng từ phong trào Ðồng khởi, lực lượng vũ trang ba thứ quân từng bước củng cố, phát triển về số lượng và chất lượng. Phong trào Ðồng khởi thực sự là một mốc son lịch sử đánh dấu bước chuyển giai đoạn cách mạng quan trọng, đẩy Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn vào thế bị động chống đỡ và thất bại.
Nghị quyết 15 và tiếp đó là Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng toàn quốc lần thứ 3 (9-1960), đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam ở Miền Nam. Với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, Ðảng ta đã chỉ đạo nhân dân Miền Nam đứng lên tiến hành cuộc Ðồng khởi vĩ đại, đánh một đòn chí tử vào hình thức thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, tạo ra một bước ngoặt đi lên cho cách mạng Miền Nam, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh, chuyển sang tiến hành "chiến tranh đặc biệt" với sự dính líu và sa lầy ngày càng tăng ở Việt Nam.
Nghị quyết 15 đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ đấu tranh cách mạng giải phóng Miền Nam, đánh đổ sự thống trị của Mỹ-Diệm, với nhiệm vụ xây dựng, củng cố bảo vệ Miền Bắc, hậu phương lớn và trực tiếp của cách mạng Miền Nam. Ðồng thời, Nghị quyết 15 cũng góp phần xác định và giải quyết tốt mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng, đấu tranh bảo vệ hòa bình, giải phóng dân tộc trên thế giới.
Theo Báo Nhandan
(HBĐT) - Ngày 15/1, tại Hội trường Tỉnh uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu III đã tổ chức Hội nghị giao ban phối hợp chỉ đạo công tác tư tưởng - văn hoá trong LLVT 9 tỉnh thuộc địa bàn Quân khu III năm 2009.
(HBĐT) - Ngày 15/1, BCĐ Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả Đại hội Đại biểu các DTTS toàn tỉnh lần thứ nhất năm 2009.
(HBĐT) - Đảng bộ phường Tân Hoà, thành phố Hoà Bình có 254 đảng viên sinh hoạt ở 12 chi bộ, gồm 6 chi bộ khối dân cư và 6 chi bộ khối hành chính sự nghiệp.
(HBĐT) - Ngày 14/1, BCĐ thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện NQ số 37- NQ/TW trên địa bàn tỉnh, kiểm điểm hoạt động của BCĐ tỉnh trong năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010. Đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Hội nghị.
Sáng 14-1, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức lễ trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm 21 Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam và Tổng lãnh sự Việt Nam tại một số nước.
Chiều 14/1, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã chủ trì phiên họp lần thứ 32 nhằm đánh giá công tác Thi đua - Khen thưởng Trung ương năm 2009, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2010, góp ý kiến vào Kế hoạch triển khai Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.