Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các
trưởng đoàn tham dự diễn đàn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các trưởng đoàn tham dự diễn đàn.

Sáng 6-6, tại TP Hồ Chí Minh, Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á lần thứ 19 (WEF Đông Á 2010) do Chính phủ Việt Nam và Tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đồng tổ chức chính thức khai mạc với sự tham dự của 450 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ cấp cao trong khu vực, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các học giả và giới truyền thông quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến khai mạc diễn đàn. Tham dự có Thủ tướng Lào Bua-xỏn Búp-phả-văn, Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen, Thủ tướng Thái-lan A-bi-xít Vê-cha-chi-va, Thủ tướng Mi-an-ma Thên Xên, Phó Chủ tịch Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Vương Chí Trân. Với chủ đề "Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu", diễn đàn tập trung thảo luận bốn vấn đề chính: Vai trò đang lên của châu Á; Các rủi ro toàn cầu; Chương trình tăng trưởng xanh của châu Á và Chương trình tăng trưởng trong tương lai của châu Á.


Sau lời giới thiệu của Chủ tịch WEF Clau Soáp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ý kiến khai mạc diễn đàn. Thủ tướng nhấn mạnh: Ở Đông Á, các nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, nhưng đã đối phó khá hiệu quả với cuộc khủng hoảng, có tốc độ phục hồi nhanh nhất và đang trở thành một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới. Sự phục hồi nhanh đã chứng tỏ sức sống và tính năng động của các nền kinh tế Đông Á, chứng tỏ ý chí và bản lĩnh vượt qua khó khăn của Chính phủ, nhân dân và doanh nghiệp các nước trong khu vực. Điều đó càng củng cố niềm tin của chúng ta rằng, trong những năm tới, Đông Á sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, năng động và đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. (Toàn văn đăng số báo hôm nay).


* Trong khuôn khổ WEF Đông Á 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên họp toàn thể "Châu Á sẽ lãnh đạo như thế nào". Liên quan vấn đề này, Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-văn cho rằng: Vấn đề chuyển dịch trung tâm kinh tế đã được đặt ra từ nhiều năm trước. Vai trò lãnh đạo châu Á phụ thuộc việc giải quyết cơ chế cải cách nhiều mặt, điều hành các gói kích thích kinh tế, hài hòa sự đóng góp của từng quốc gia châu Á ở các vấn đề chung của quốc tế. Chủ tịch VTB Bank (Nga) A. Kon-xtin cũng cho rằng, còn quá nhiều việc phải làm để châu Á trở thành vị trí châu Ấu của thế kỷ trước. Châu Á làm thế nào để trở thành Liên hiệp châu Ấu (EU), vừa tránh được những vấn đề như Hy Lạp... Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Tata (Ần Độ) He-man Ne-ru-ca, có bốn vấn đề cần tập trung là kiểm soát về tài chính, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, quản lý tài năng và môi trường. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nền kinh tế thế giới ngày càng mở, toàn cầu hóa kinh tế thế giới là xu thế tất yếu. Quốc gia nào cũng phải xem xét vấn đề trong nước và xuất khẩu, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, lợi thế của mình để cân bằng vấn đề này. Đương nhiên, hướng về xuất khẩu là một đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Thủ tướng dẫn chứng Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới và đây vừa là lợi thế của Việt Nam, vừa đóng góp vào an ninh lương thực của thế giới. Theo Thủ tướng, thế giới đang thừa nhận châu Á là một trụ cột của kinh tế toàn cầu, việc đứng vững, nhanh chóng hồi phục sẽ đóng góp rất lớn vào bài toán chống khủng hoảng của toàn cầu. Cũng tại diễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-văn và Chủ tịch VTB Bank (Nga), Tổng Giám đốc Tập đoàn Tata (Ần Độ) đã giải đáp các vấn đề liên quan phát triển kinh tế tư nhân, cán cân thương mại, vị thế của ASEAN tham dự G20.


* Tại cuộc gặp nhóm lãnh đạo trẻ và nhóm doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng ngày 6-6 tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Những thách thức phát triển đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới và lịch sử đang tiếp tục đặt trên vai các nhà lãnh đạo trẻ, các doanh nghiệp tiềm năng những trọng trách mới. Với những kiến thức phong phú và sự năng động nhạy bén của tuổi trẻ, với tinh thần sáng tạo và lòng nhiệt huyết, các bạn đang có được những tiềm năng to lớn và nhiều cơ hội mới mà thế giới đang mở ra. Thủ tướng tin tưởng thế hệ trẻ sẽ hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình, bởi những điều thế hệ trẻ đã làm được, những thành công đã khiến các bạn nhận được sự tôn vinh của Diễn đàn Kinh tế thế giới như những đại diện cho một thế hệ lãnh đạo mới của thế giới, như những doanh nghiệp đầy tiềm năng sẽ hợp thành một động lực phát triển mới. Thủ tướng nhắn nhủ các nhà lãnh đạo trẻ, các doanh nghiệp tiềm năng: Hãy phát huy tối đa sức sáng tạo và sự quả cảm của mình để đem đến những cách tiếp cận mới mẻ hơn, hiệu quả hơn cho các vấn đề của toàn cầu. Nêu bật những thành tựu cũng như các giải pháp của Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, thế hệ thanh niên và doanh nhân trẻ Việt Nam đang được tạo mọi điều kiện để phát huy sức sáng tạo khả năng của mình và họ đã và đang góp phần tích cực xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng và phát triển hơn. Thủ tướng nhấn mạnh, thanh niên Việt Nam cùng chia sẻ với thứ ngôn ngữ chung với các bạn, đó là ngôn ngữ của khát khao đổi mới và phát triển.


Tại diễn đàn, lãnh đạo trẻ và nhóm doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng đều bày tỏ mong muốn cùng chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác phát triển.


* Ngày 6-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Lào Bua-xỏn Búp-phả-văn, Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen, Thủ tướng Mi-an-ma Thên Xên và Thủ tướng Thái-lan A-bi-xít Vê-cha-chi-va tham dự phiên làm việc với chủ đề "Hợp tác trong tiểu vùng Mê Công". Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Để Tiểu vùng Mê Công phát triển nhanh và bền vững, cần tập trung vào bốn ưu tiên hàng đầu như: Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương và đa phương trong khu vực và với các đối tác bên ngoài; nhấn mạnh yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước trong lưu vực Mê Công, bảo vệ môi trường sinh thái và tiến tới xây dựng một Mê Công phát triển xanh. Bên cạnh việc tiếp tục tranh thủ nguồn vốn và sự trợ giúp của các tổ chức tài trợ quốc tế cũng như các đối tác phát triển ở Đông Á và trên thế giới, các nước trong tiểu vùng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất về hành lang pháp lý và các khuyến khích tài chính để đẩy mạnh các dự án hợp tác trên cơ sở đối tác công - tư (PPP), đặc biệt cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, phát triển đô thị, đầu tư và thương mại; Cần phối hợp chính sách tốt hơn nữa, để cùng đưa ra những lĩnh vực ưu tiên thống nhất trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước, trong đó đặc biệt chú ý phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm, giao thông vận tải, nhất là các hành lang kinh tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành dịch vụ then chốt như tài chính - ngân hàng, viễn thông, các nguồn năng lượng mới và tái tạo được. Các nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, các nước trong tiểu vùng cần thể hiện mạnh mẽ hơn nữa sự chủ động và vai trò lãnh đạo của mình trong việc phát triển khu vực này, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của các nước thành viên Ủy hội sông Mê Công trong việc tiếp tục hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của hạ lưu sông Mê Công.


* Cùng ngày đã diễn ra các phiên họp song song với các chủ đề về quá trình hội nhập, mối liên kết nội khối, các điều chỉnh kinh tế và tái cân bằng bắt buộc của các nền kinh tế châu Á nói chung, khu vực ASEAN nói riêng. Trong đó, chủ đề về sự hội nhập của ASEAN thu hút sự quan tâm, thảo luận của nhiều đại biểu. Là thị trường rộng lớn với hơn 580 triệu dân, GDP đạt 1.500 tỷ USD, ASEAN hiện là một trong những khu vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, góp phần quan trọng cho vai trò động lực kinh tế thế giới của Đông Á, châu Á trong nền kinh tế toàn cầu. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: Những kết quả quan trọng mà ASEAN đã đạt được trong liên kết kinh tế là chất xúc tác và tiền đề vật chất quan trọng của quá trình xây dựng Cộng đồng Đông Á. Một ASEAN phát triển năng động và liên kết chặt chẽ sẽ đóng góp cho sự phát triển chung của tất cả các nước trong khu vực. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam sẽ tích cực điều phối và thúc đẩy hợp tác ASEAN + 3 và Cấp cao Đông Á. Trong năm 2010 và tiếp sau đó, ASEAN và các nước trong khu vực cần tập trung nguồn lực thực hiện các ưu tiên bao gồm tăng cường hợp tác tài chính - tiền tệ, đóng góp tích cực và thiết thực hơn nữa vào quá trình cải cách thể chế tài chính - tiền tệ và quản trị toàn cầu. Phó Thủ tướng cũng nhất trí với các kiến nghị về việc chính phủ các nước ASEAN cần có những chương trình hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện mục tiêu Hướng tới Cộng đồng ASEAN.


* Chiều 6-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Phó Chủ tịch Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Vương Chí Trân sang thăm và dự diễn đàn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, sự có mặt của đồng chí Vương Chí Trân thể hiện coi trọng hợp tác phát triển giữa khu vực và thế giới. Thủ tướng nhấn mạnh: Là người bạn láng giềng hữu nghị, Việt Nam vui mừng trước những thành tựu to lớn mà Trung Quốc đã đạt được trong những năm qua cũng như quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Thủ tướng nêu rõ chính sách nhất quán của Việt Nam là làm hết sức cùng với Trung Quốc đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, thiết thực và hiệu quả trên tinh thần đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.


Thủ tướng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Chính hiệp Trung Quốc với Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác chặt chẽ và hiệu quả, đóng góp chung vào quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Nhân dịp này, Thủ tướng chuyển lời mời mời Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sang tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN và thăm chính thức Việt Nam. Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, đồng chí Vương Chí Trân cho rằng, Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2010 được tổ chức tại Việt Nam không chỉ thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực kinh tế mà còn hợp tác hữu nghị trên các lĩnh vực giữa các quốc gia. Nhấn mạnh tình hữu nghị hợp tác truyền thống giữa hai nước, đồng chí Vương Chí Trân cũng cho rằng, hai bên cần tiếp tục tăng cường hơn nữa giao lưu giữa thanh niên hai nước nhằm tăng hiểu biết giữa thế hệ trẻ.


* Tại buổi tiếp Thủ tướng Lào Bua-xỏn Búp-phả-văn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Thủ tướng Lào tham dự diễn đàn, bày tỏ vui mừng trước những bước tiến trong quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp phát triển đầu tư mạnh vào Lào, mong muốn Chính phủ Lào tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đầu tư kinh doanh thành công tại Lào. Thủ tướng Lào Bua-xỏn Búp-phả-văn đánh giá cao kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN 16 tại Hà Nội và Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á lần này đã nâng cao vị trí, uy tín và vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục triển khai tích cực, hiệu quả các kết luận của Bộ Chính trị hai nước, biên bản hợp tác liên Chính phủ, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời xây dựng cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin cho doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Hai Thủ tướng nhấn mạnh sự phối hợp cùng nhau tăng cường hợp tác song phương và đa phương cũng như trên các diễn đàn quốc tế; đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Hai Thủ tướng giao Bộ ngoại giao hai nước sắp xếp để chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lào Bua-xỏn Búp-phả-văn trong năm nay thành công tốt đẹp.


* Tại buổi tiếp Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao đóng góp của Đoàn Cam-pu-chia, góp phần thành công của diễn đàn, đồng thời chúc mừng những thành tựu mà Cam-pu-chia đã đạt được thời gian qua. Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống lâu đời, hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Thủ tướng đề nghị Chính phủ Cam-pu-chia tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại nước này, hai bên nỗ lực xúc tiến nỗ lực phân giới cắm mốc nhằm đạt đúng tiến độ đã đề ra. Cảm ơn sự đón tiếp của nước chủ nhà, Thủ tướng Hun Xen chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, đặc biệt là đối phó trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu, duy trì tăng trưởng. Thủ tướng Hun Xen khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Cam-pu-chia cũng như thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Xen vui mừng trước hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực hàng không, viễn thông, ngân hàng, trồng cao-su... đang phát triển và mở ra triển vọng rất tốt đẹp. Hai Thủ tướng đã trao đổi nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, trồng cao-su...


* Tại buổi tiếp Thủ tướng Thái-lan A-bi-xít Vê-cha-chi-va, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao sự có mặt của Thủ tướng A-bi-xít đã góp phần tích cực vào sự thành công chung của diễn đàn lần này. Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực; nhất trí giao Bộ Ngoại giao hai nước sớm tổ chức họp Ủy ban hợp tác Thương mại Việt Nam - Thái-lan và sớm họp lại nội các chung giữa hai nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác trong tuyến hành lang Đông-Tây và trong Tiểu vùng Mê Công. Thủ tướng Thái-lan A-bi-xít tin tưởng với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam có đủ khả năng đưa ASEAN lên tầm cao mới trên trường quốc tế, đồng thời khẳng định: Thái-lan luôn ủng hộ Việt Nam hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN cũng như tham dự Hội nghị G20 sắp tới. Thái-lan cũng sẽ tham gia tích cực vào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.


* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng LB Mi-an-ma Thên Xên. Hai Thủ tướng vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Mi-an-ma đã và đang có những bước phát triển rất tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Hai Thủ tướng khẳng định, tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chức năng của hai nước tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, ngân hàng - tài chính, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai khoáng, sản xuất và cung cấp thiết bị điện, sản xuất lắp ráp ô-tô, xây dựng và hợp tác thương mại - đầu tư. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, sự hiện diện của Thủ tướng Mi-an-ma đóng góp quan trọng vào thành công của diễn đàn, đồng thời khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Mi-an-ma. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ Mi-an-ma tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước, tạo điều điện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Mi-an-ma. Thủ tướng cũng khẳng định ủng hộ Mi-an-ma thực hiện "Lộ trình bảy bước về dân chủ hóa", khuyến khích Mi-an-ma tiếp tục nỗ lực hơn nữa để tổ chức tổng tuyển cử công bằng và tự do trong năm 2010, vì lợi ích của nhân dân Mi-an-ma, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.


* "Tầm nhìn mới cho nông nghiệp ở Đông - Nam Á" là một trong các chủ đề được thảo luận tại WEF về Đông Á 2010. Trước dự báo về các sản phẩm chính của khu vực Đông-Nam Á như gạo có thể sẽ bị giảm hơn 40% tổng sản lượng vào năm 2050 do biến đổi khí hậu, diện tích đất nông nghiệp giảm, đặt ra vấn đề an ninh lương thực, môi trường bền vững và phát triển hợp lý trong tương lai. Từ kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chia sẻ: Nền nông nghiệp thế giới đang gặp nhiều khó khăn do diện tích đất trồng trọt ngày càng sụt giảm, và sự biến đổi khí hậu. Theo tính toán, chỉ cần nước biển dâng cao thêm 1 m thì 40% diện tích của lưu vực Mê Công sẽ bị ngập lụt, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa cũng làm giảm đất nông nghiệp, vì vậy để gia tăng sản lượng thì phải tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Để làm được việc này cần sự hỗ trợ nông dân về công nghệ, dịch vụ công, cơ sở hạ tầng, xử lý bệnh tật... cần cập nhật kiến thức, thông tin cho người nông dân để họ có thể tự bảo vệ mình.


Ông F. Van Di-ích, Phó Chủ tịch điều hành - Giám đốc khu vực châu Á, châu Đại Dương, châu Phi và Trung Đông của Tập đoàn Nestle', nhấn mạnh thế giới cần phải tăng gấp đôi sản lượng lương thực. Để làm được điều này, đại diện Nestle' cho rằng phải áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời phát triển việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo ông E. Cô-đét, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành Tập đoàn METRO, đồng Chủ tịch WEF Đông Á 2010, cần nhìn lại hiệu quả ở khâu sau thu hoạch của các nước trong khu vực. Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào Si-ta-heng Ra-xphon cho biết, Lào rất quan tâm và muốn xây dựng chuỗi liên kết: sản xuất, chế biến, lưu trữ trong sản xuất nông nghiệp. Lào đang cần sự hợp tác với các nước, thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển hạ tầng cơ sở, làm nền tảng trước khi phát triển ngành nông nghiệp theo những bước đi hiện đại và tầm nhìn mới.


* Trước đó, tối 5-6, tại TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân tổ chức chiêu đãi chào mừng các vị lãnh đạo và quan khách tham dự diễn đàn.
 
                                                                               Theo Báo Nhandan

 

Các tin khác

Giảng viên trường Chính trị tỉnh tích cực ứng dụng CNTT trong giảng dạy.
ĐB Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên - Huế): Nên đánh thuế bảo vệ môi trường các chất tẩy rửa.
Không có hình ảnh
Các đại biểu bỏ phiếu bầu BCH chi bộ khóa VIII

Ngày làm việc thứ 13, kỳ họp thứ bảy, QH khoá XII Thảo luận ở tổ về Dự kiến Chương trình xây dựng luật và nội dung một số dự án luật

Ngày 4-6, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII bước sang ngày làm việc thứ 13. Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư.

Khai mạc Festival (Liên hoan) biển và hải đảo Việt Nam năm 2010

Tối 4-6, tại TP Ðồng Hới (Quảng Bình) Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Quảng Bình tổ chức khai mạc FESTIVAL biển và hải đảo năm 2010- hoạt động mở đầu cho Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2010 lần đầu được tổ chức tại tỉnh Quảng Bình.

Mít tinh hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới: “Nhiều loài – Một hành tinh – Tương lai của chúng ta”

(HBĐT) - Ngày 4/6, tại Trạm dừng nghỉ Quốc lộ 6 thuộc huyện Tân lạc, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng ngày môi trường thế giới. Dự lễ mít tinh có đồng chí Nguyễn Hữu Duyệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Quách Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân huyện Tân Lạc.

Đảng bộ Sở Tư pháp tổ chức Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015

(HBĐT) - Trong hai ngày 03 - 04/06, Đảng bộ Sở Tư pháp đã tổ chức Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra thi tốt nghiệp tại tỉnh ta

(HBĐT) - Ngày 4/6, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đã đến kiểm tra thực hiện việc tổ chức thi tốt nghiệp tại tỉnh ta. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Cửu, UVTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp tỉnh cùng đoàn công tác của Sở GD-ĐT tỉnh.

Lạc Thuỷ: Tập trung chỉ đạo Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở

(HBĐT) - Huyện Lạc Thủy đang tập trung chỉ đạo Đại hội Đảng bộ cơ sở bảo đảm tiến độ đề ra và đúng theo quy trình, yêu cầu theo hướng dẫn của cấp trên. Huyện có 47 chi, Đảng bộ, dự tính đến 20/6 sẽ tổ chức xong Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, từ 20-25/6 sẽ tổng hợp, đến đầu tháng 7 sẽ duyệt báo cáo văn kiện và rà soát các phần việc của các tiểu ban phục vụ Đại hội để đến 20/7 sẽ tiến hành tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp huyện lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2010-2015).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục