Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (trái) trao hoa chúc mừng tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (trái) trao hoa chúc mừng tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Chiều 25-7, Quốc hội (QH) bầu ông Trương Tấn Sang - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng - vào vị trí Chủ tịch nước với tỉ lệ phiếu 97,4%.

 

Trả lời phỏng vấn trên cương vị Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang nói:

- Tham nhũng là một trong những vấn đề hết sức bức xúc của cử tri cả nước. Nghị quyết, luật pháp đã có, vấn đề là hành động. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhận định công tác này có kết quả nhất định nhưng chưa đạt mục tiêu yêu cầu đề ra. Đảng và Nhà nước có trách nhiệm rất lớn trong lãnh đạo, điều hành đất nước, đặc biệt trong mặt trận phòng chống tham nhũng.

Từng đại biểu QH đã hứa trước cử tri, trong đó nhiều đại biểu hứa tích cực phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tôi hi vọng lời hứa đó các vị không bao giờ quên và nhân dân hãy giám sát các vị đại biểu QH, trong đó có cá nhân tôi, nhằm thúc đẩy công việc này, ít nhất cũng tốt hơn khóa vừa rồi.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn báo chí - Ảnh: VIỆT DŨNG

* Tiền Phong: Thưa Chủ tịch nước, cụ thể tới đây sẽ thực thi những vấn đề gì về cơ chế, về con người... để công tác phòng chống tham nhũng tốt hơn như Chủ tịch vừa đề cập?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sinh ngày 21-1-1949, quê quán: xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, Long An.

Dân tộc: Kinh

Trình độ chuyên môn: cử nhân luật

Khen thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng ba.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, VIII, IX, X, XI; ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX, X, XI; bí thư Trung ương Đảng khóa X (từ tháng 5-2006 làm thường trực Ban Bí thư trung ương); đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI và XIII.

Trước khi làm thường trực Ban Bí thư, ông Trương Tấn Sang từng kinh qua các chức vụ: chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, bí thư Thành ủy TP.HCM, trưởng Ban Kinh tế trung ương.

- Tới đây không có gì khác hơn là phải tiếp tục thực hiện nghị quyết của Đảng và luật pháp. Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng phải năng nổ và tích cực hơn. Tôi từng nói rằng: trước hết cần rà soát tổng thể cơ chế, chính sách, chế độ xem cái gì còn sơ hở và xem tổ chức, bộ máy chỉ đạo phòng chống tham nhũng khâu nào còn yếu, không phù hợp thì chấn chỉnh.

Văn bản giấy tờ nhiều rồi, đầy đủ rồi. Không phải tốn công sức nhiều lắm vào nghiên cứu văn bản giấy tờ nữa. Vấn đề là phải hành động, hành động kiên quyết.

* Ông từng đề cập chuyện “bầy sâu” trong tâm trạng nào?

- Khi tôi tiếp xúc cử tri, một đồng chí cựu chiến binh bức xúc nói: “Một con sâu làm rầu nồi canh, nhưng bây giờ không phải một con sâu mà nhiều con sâu. Ta phải làm thế nào đây?”. Tôi mới nói thế này: ông bà nói một con sâu đã làm hỏng nồi canh, nếu phòng chống không tốt chúng trở thành bầy sâu thì rất nguy hiểm cho đất nước này. Các đồng chí lo lắng. Chúng tôi cũng lo lắng. Nhưng phải nói ít, làm nhiều.

* Tuổi Trẻ: Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, Chủ tịch có đề cập vấn đề chủ quyền biển đảo. Bên hành lang QH, một số đại biểu cho rằng QH kỳ này nên ra nghị quyết về biển Đông. Ý kiến của Chủ tịch thế nào?

- Trong chương trình kỳ họp, Chính phủ sẽ có báo cáo (về tình hình biển Đông trong thời gian gần đây và chủ trương xử lý của ta - PV). Có ra nghị quyết hay không thuộc thẩm quyền của QH.

* Còn ý kiến cá nhân Chủ tịch?

- Điều đó tùy thuộc tính chất tình hình và tùy thuộc ý chí của QH, lúc đó sẽ có tính toán. Chính phủ có báo cáo với QH là theo yêu cầu của QH nên để Chính phủ quyết định. Chủ tịch nước không nên nói trước sẽ thế nào.

* Nhưng Chủ tịch nước cũng là đại biểu QH?

- Đúng rồi. Lúc đó tôi sẽ bày tỏ thái độ.

* VNExpress: Theo quan điểm của Chủ tịch nước, làm thế nào để vừa đảm bảo chủ quyền quốc gia, vừa giữ được vị thế của VN bên cạnh một nước lớn?

- Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy. Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp (luật quốc nội và luật quốc tế).

Đối với luật pháp về biển, đây là thành quả của loài người, của cuộc đấu tranh lâu dài của các quốc gia, đặc biệt là các nước nhỏ, trên thế giới mới có được Công ước luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.

Nước lớn có vị thế khác. Nước nhỏ như chúng ta có vị thế khác, phải dựa vào sức mạnh tập thể, cộng đồng, dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của mình. Điều đó là dứt khoát, đương nhiên. Từ đó chúng ta luật hóa bằng luật quốc nội để xác lập, thực hiện việc chiếm hữu về ba mặt: pháp lý, lịch sử và về thực tế (khai thác và sử dụng vùng chủ quyền của mình).

* Tuổi Trẻ: Thưa Chủ tịch, trong quá trình trao đổi về nhân sự chủ tịch nước, có đại biểu QH đã đề cập mô hình tổng bí thư kiêm chủ tịch nước. Phương án nhất thể hóa này chắc sẽ tiếp tục được đưa ra khi bàn sửa Hiến pháp 1992 tới đây. Quan điểm của Chủ tịch ra sao?

- Đại hội Đảng các cấp vừa rồi đều có bàn chuyện này, nhưng độ chín để quyết hai chức danh này là một chưa có sự nhất trí cao. Cho nên mới dừng lại là hai chức danh vẫn hai người.

ĐÀ TRANG ghi

_______________________

Xây dựng nhà nước trong sạch, phát huy dân chủ

* Chủ tịch nước giới thiệu ông Nguyễn Tấn Dũng tái cử chức thủ tướng

Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng 62 tuổi, quê ởP.9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, là ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu QH các khóa X, XI, XII, XIII, cử nhân luật.

Phát biểu nhậm chức trước QH, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hứa sẽ đem hết sức mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Đồng thời sẽ nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, ý kiến đóng góp của các vị đại biểu QH.

Ông cũng gửi lời cảm ơn đến nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và mong nhận được sự giúp đỡ từ người tiền nhiệm này.

Tân Chủ tịch nước bày tỏ quyết tâm thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XI của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992; phát huy dân chủ, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và xã hội...

“Tập trung phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường đồng bộ với phát triển kinh tế, đặc biệt là giải quyết các vấn đề gây bức xúc xã hội trong các lĩnh vực này; quan tâm giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững, đổi mới chính sách phân phối tiền lương và thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, người lao động; thu hẹp chênh lệch về thu nhập, đời sống giữa các vùng, các tầng lớp nhân dân” - ông nói.

Chủ tịch nước nêu rõ: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc”. Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa, Chủ tịch nước khẳng định: “Kiên trì giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với các nước liên quan bằng thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 và quy tắc ứng xử của khu vực”.

Ngay sau phần phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần lượt đọc bốn tờ trình giới thiệu để QH bầu bà Nguyễn Thị Doan tái cử Phó chủ tịch nước, ông Nguyễn Tấn Dũng tái cử Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Hòa Bình tái cử chánh án TAND tối cao và ông Nguyễn Hòa Bình giữ chức viện trưởng Viện KSND tối cao.

Phó chủ tịch nước đương nhiệm Nguyễn Thị Doan năm nay 60 tuổi, quê ở xã Chân Lý (Lý Nhân, Hà Nam), là đại biểu QH các khóa XII, XIII, giáo sư, tiến sĩ quản lý kinh tế.

Chánh án TAND tối cao đương nhiệm Trương Hòa Bình 56 tuổi, quê ở Long Đước Đông (Cần Giuộc, Long An), đại biểu QH các khóa X, XI, XII, XIII, thạc sĩ luật.

Ứng cử viên mới Nguyễn Hòa Bình là bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, 53 tuổi, quê ở xã Hành Đức (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), đại biểu QH khóa XIII, phó giáo sư, tiến sĩ luật. Ông Bình từng là thiếu tướng, tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), được điều động luân chuyển về tỉnh Quảng Ngãi để giữ chức vụ phó bí thư tỉnh ủy từ tháng 5-2008.

Theo nghị trình, chiều 26-7, sau khi Chủ tịch nước báo cáo tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự kiến nhân sự, QH tiến hành bỏ phiếu kín bầu bốn chức danh nói trên.

Tiếp đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trình bày tờ trình về số phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng Dân tộc, số phó chủ nhiệm và ủy viên các ủy ban của QH, số thành viên đoàn thư ký kỳ họp QH để các đại biểu QH thảo luận và quyết định trong các phiên họp tiếp theo.

                                                                            Theo TuoiTre

Các tin khác


Tiếp tục trình Quốc hội thảo luận hai phương án rút bảo hiểm một lần

Sáng 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Quản lý, sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tránh thất thoát, lãng phí

Hôm nay 25/5, ngày làm việc thứ 6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã phát biểu đóng góp ý kiến. Báo Hòa Bình giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các dự án quan trọng quốc gia

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, các chính sách tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân song vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong quá trình thực hiện.

Giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo: Phát huy vai trò người đứng đầu giải quyết thấu đáo việc liên quan đến người dân

Với phương châm, quan điểm lãnh đạo xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự "vì nhân dân phục vụ”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có phong cách làm việc "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”... thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh luôn chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến người dân, nhất là công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân.

Huyện Cao Phong đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào thực chất

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Bí thư TT Huyện ủy Cao Phong cho biết: Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo (HT<) tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (Kết luận số 01-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy Cao Phong đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01 và thực hiện chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm gắn với thực hiện NQT.Ư 4 (khóa XII) và Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của BCH T.Ư Đảng (khóa XIII) về "đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương… Trong đó chú trọng đưa nội dung HT< tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp mình gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; lựa chọn nội dung trọng tâm, đột phá, những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, đơn vị để lãnh đạo thực hiện, tránh qua loa, hình thức ở cơ sở...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục