Xã vùng sâu Lạc Sĩ đang đổi thay.
(HBĐT) - Trở lại Lạc Sỹ (Yên Thủy) vào một ngày đầu xuân, chúng tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay ở một xã vùng sâu. Con đường đất quanh co, khó nhọc về xã khi xưa nay đã được rải lớp nhựa thuận tiện cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa của bà con. Đời sống của người dân dần được nâng lên bằng ý chí vượt khó cùng sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.
Ông Bùi Văn Vịnh, Trưởng xóm Ong tâm sự: Chừng vài năm trước, nhắc đến Lạc Sỹ, người ta thường mường tượng đó là một bản làng xa xôi, hẻo lánh, cả năm cũng không có mấy khách ghé thăm. Quả thực, khi đó, giao thông nhiều cách trở nên bà con nhiều lúc loay hoay không tìm được lối thoát nghèo. Chỉ đến gần đây, khi các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước đầu tư cho xã đặc biệt khó khăn tạo cơ hội để người dân vùng sâu Lạc Sỹ vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Chương trình 134, 135, dự án giảm nghèo đã mang đến cho vùng sâu Lạc Sỹ một diện mạo hoàn toàn khác. Chỉ trong chừng hơn 5 năm, các hạng mục công trình điện, đường, trường, trạm đã hoàn thành giúp nâng cao hạ tầng cơ sở, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa bàn. Cùng với các chương trình, dự án này, 100% xóm, bản đã có đường ô tô đến trung tâm, hơn 95% hộ dân được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, hệ thống trường học ở cả 3 cấp mầm non, tiểu học, THCS đều được cải tạo, xây mới tạo điều kiện để 100% trẻ đến trường. Mới đây, công trình nhà trạm y tế vừa được xây mới đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, triển khai các chương trình mục tiêu y tế quốc gia.
Bên cạnh đó, hàng trăm hộ nghèo, đồng bào dân tộc trên địa bàn xã đã được Chương trình 134 hỗ trợ làm nhà ở giúp ổn định đời sống sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nhiều công trình nước sạch được đầu tư, đi vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con. Các chương trình, dự án còn vươn xa tới các xóm, bản, làm vơi bớt khó khăn trong cuộc sống lao động, sản xuất của các hộ nghèo bằng sự đầu tư, hỗ trợ thiết thực như làm đường dân sinh cho bà con đi lại đỡ phần vất vả, cứng hóa mương bai để đồng ruộng không còn cảnh khô hạn, bà con có thể thâm canh tăng vụ, thực hiện canh tác bền vững. Đến nay, trên địa bàn xã có khoảng hơn 50% công trình thủy lợi đã được kiên cố hóa phục vụ sản xuất, các tuyến đường dân sinh cơ bản thuận tiện cho việc đi lại.
80% hộ dân ở Lạc Sỹ phát triển nghề nuôi ong lấy mật nâng cao thu nhập.
Nắm bắt, tận dụng cơ hội và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, xã Lạc Sỹ đã nỗ lực đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Phát triển kinh tế rừng kết hợp chăn nuôi gia súc là hướng đi được bà con các xóm, bản đeo đuổi, duy trì. Theo ông Bùi Đức Miên, Phó Chủ tịch UBND xã, nghề rừng đã thu hút 85% hộ dân trong xã tham gia, có xóm 100% số hộ trồng rừng. Đến nay, toàn xã trồng được hơn 2.500 ha rừng, không ít hộ trồng với diện tích lớn, hứa hẹn nguồn thu khá trong một vài năm tới. Cũng từ suy nghĩ về nghề rừng mà nhiều hộ dân ở xóm Tháu, xóm Sỹ... đã nhân rộng số lượng đàn ong, phát triển nghề nuôi ong lấy mật dựa vào rừng. Trưởng xóm Tháu Bùi Văn Tường là một trong những người đầu tiên thực hiện ý tưởng và duy trì thành công nghề nuôi ong mật ở đây. ông Tường cho biết: Rừng không chỉ mang lại lợi ích từ khai thác. Mấy năm nay, nhờ có rừng mà ông phát triển được hàng trăm đàn ong hàng ngày lên rừng hút mật hoa, chiều tối lại bay về tổ làm sẵn của gia đình. Bình quân mỗi năm, ông thu được khoảng 15 triệu đồng từ việc bán mật ong.
Theo thống kê, toàn xã có tới hơn 80% hộ đang phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Sản phẩm mật ong của Lạc Sỹ được nhiều người biết đến, tin dùng bởi hương vị mật ngọt của núi, của rừng. Ngoài phát triển nghề rừng, nghề nuôi ong lấy mật thì chăn nuôi gia súc cũng là một nghề được bà con nơi đây tích cực mở rộng quy mô với tổng đàn gần 1.000 con trâu, bò, trên 1.000 con lợn. Tiềm năng du lịch đang được khai thác với nhiều khung dệt cổ, nhiều nếp nhà sàn nguyên bản được các gia đình ở đây cẩn trọng giữ gìn. Bản sắc văn hóa truyền thống người Mường Lạc Sỹ còn đằm thắm trong lời ăn, tiếng nói, cử chỉ của người già cùng lớp cháu con. Việc giữ gìn và phát triển du lịch ở xóm Tháu cũng là một nhân tố để nâng cao hơn nữa đời sống của người dân, góp phần cải thiện diện mạo quê nghèo.
Bùi Minh
Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo về kinh tế vĩ mô châu Á quý I/2012. Theo đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 26 nước tăng trưởng nhanh trong tốp 100 nền kinh tế lớn nhất về quy mô vào năm 2050.
Chiều 18/1 (tức 25 tháng Chạp năm Tân Mão), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, chúc Tết Nhạc sỹ Phạm Tuyên, Giáo sư Hoàng Tụy và Nhà thơ Hữu Thỉnh tại nhà riêng.
Ngày 18/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về thăm và chúc Tết Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Bộ Tư lệnh Quân khu 4.
(HBĐT) - Ngày 18/1, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã tới thăm, chúc tết Đảng bộ, chính quyền và nhân huyện Mai Châu. Cùng đi có lãnh đạo Ban Tổ chức, UBKT Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy.
(HBĐT) - Nhân dịp Tết Nhâm Thìn 2012, Ban CHQS huyện Yên Thuỷ đã tổ chức tặng 61 suất quà cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách, học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn huyện nhân dịp Tết Nhâm Thìn, mỗi suất quà trị giá 200.000 đồng. Ban CHQS huyện cũng chuyển 15 suất quà bằng gạo của Bộ CHQS tỉnh đến các đối tượng chính sách.
(HBĐT) - Nhân dịp Tết cổ truyền Nhâm Thìn 2012 và hưởng ứng Cuộc vận động Vì người nghèo do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động, Công ty CP Đầu tư phát triển Anh Kỳ đã vận động hơn 430 cán bộ, công nhân viên lao động trong Công ty đóng góp ủng hộ quà Tết dành cho nhiều hộ nghèo của hai phường Phương Lâm và Đồng Tiến (TP Hòa Bình).