Nhân dân vùng sạt lở các xã Tân Mai, Phúc Sạn (Mai Châu) ổn định cuộc sống tại khu tái định cư Mai Sơn, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn).
(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 199/210 xã thuộc 11 huyện, thành phố có đồng bào dân tộc thiểu số Mường, Thái, Tày, Dao, Mông sinh sống gồm 123.578 hộ với 669.210 nhân khẩu, chiếm 73,57% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, công tác giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh được quan tâm. Hàng năm, thông qua các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số hỗ trợ nguồn kinh phí để ổn định dân cư, giải quyết những khó khăn về đất ở, đất sản xuất, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế.
Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành các văn bản giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số như: Quyết định 386/QĐ-UB ngày 14/3/2005 phê duyệt Đề án hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; Quyết định 130/QĐ-UBND ngày 27/1/2010 phê duyệt Đề án thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, thực hiện có hiệu quả khai hoang phục hóa tạo quỹ đất sản xuất, đất ở, giao đất, giao khoán rừng góp phần hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi XĐ-GN, ổn định đời sống. Trong giai đoạn 2002-2010, thực hiện chính sách di dân ĐC-ĐC, Chương trình 134, 135, dự án ổn định dân cư phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà đã đầu tư khai hoang, phục hóa hàng trăm ha ruộng nước, ruộng màu, san tạo mặt bằng tái định cư, giải quyết phần nào nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Về hạn mức giao đất, tỉnh đã ban hành Quyết định số 15/2006/QĐ-UBND ngày 25/9/2006 quy định hạn mức giao đất ở, đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân phù hợp với chính sách, pháp luật về đất đai và quỹ đất của địa phương, đối với đất ở, định mức chung giao cho hộ gia đình 400 m2/hộ, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tối thiểu 200 m2; đối với đất sản xuất giao cho một hộ 0,5 ha đất nương rẫy hoặc 0,25 ha đất ruộng lúa nước 1 vụ hoặc 0,15 ha đất ruộng lúa nước 2 vụ.
Thực hiện chính sách di dân thực hiện ĐC-ĐC cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư, tỉnh đã xây dựng 3 điểm ĐC-ĐC tập trung tại bản Cang, xã Pà Cò (Mai Châu) cho 40 hộ trước đây du canh, du cư ổn định cuộc sống, sản xuất; điểm khu suối Kẻ, xóm Mít, xã Tu Lý (Đà Bắc) cho 34 hộ du canh, du cư. Ngoài ra, tỉnh cũng đã sắp xếp cho 94 hộ du canh, du cư về ở xen ghép tại các KDC. Các hộ du canh, du cư chuyển về sống tập trung được cấp đất ở, đất sản xuất, hưởng các công trình phúc lợi. Sau 5 năm thực hiện dự án bố trí ổn định dân cư tại các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn đã bố trí ổn định dân cư cho 1.548 hộ. 311 hộ dân ở hai xã Phúc Sạn, Tân Mai (Mai Châu) di chuyển khỏi vùng sạt lở lập KDC mới tại xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) và xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) được cấp đất ở, đất sản xuất, cơ bản ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Đối với dự án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà đã có 115 hộ di dời về các cụm dân cư tập trung, xây dựng 2 điểm tái định cư cho 117 hộ tại xã Hiền Lương và xã Đồng Chum (Đà Bắc) đủ điều kiện về đất sản xuất, đất ở, hệ thống cơ sở hạ tầng.
Thông qua các chương trình, dự án đã giải quyết đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Cụ thể như: Chương trình 134 hỗ trợ khai hoang cho 439 hộ, diện tích 47,25 ha, bình quân 1.076 m2/hộ; Chương trình 135 hỗ trợ khai hoang cho 10.120 hộ, diện tích 1.273 ha, bình quân 1.258 m2/hộ; Dự án ổn định dân cư vùng hồ sông Đà hỗ trợ khai hoang cho 1.584 hộ, diện tích 294 ha, bình quân 1.856 m2/hộ; cấp đất sản xuất cho các hộ thuộc dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư 311 hộ, diện tích 155,5 ha, bình quân 5.000 m2/hộ; cấp đất sản xuất cho các hộ thuộc dự án định canh, định cư 118 hộ, diện tích 35,4 ha, bình quân 3.000 m2/hộ.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, hiện, toàn tỉnh vẫn còn trên 1.700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu về đất ở với diện tích trên 35 ha, 2.483 hộ có nhu cầu về đất sản xuất với diện tích 238 ha. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện tự nhiên của tỉnh địa hình đồi núi cao không bằng phẳng, bị chia cắt nhiều, nhiều địa bàn không có đất hoặc có quá ít đất để canh tác nông nghiệp như các xã Vầy Nưa, Tiền Phong (Đà Bắc), Tân Mai, Tân Dân, Phúc Sạn (Mai Châu), Nam Sơn, Bắc Sơn (Tân Lạc)... Mặt khác, quỹ đất của các địa phương đều đã được quy hoạch sử dụng lâu dài không còn quỹ đất dự phòng, phần lớn diện tích đất nông, lâm nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình quản lý, sử dụng, nguồn kinh phí hàng năm bố trí cho công tác di dân tái định cư thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, mỗi dân tộc có tập quán canh tác, sinh hoạt khác nhau nên việc chuyển từ vùng này đến vùng khác bước đầu còn khó khăn... Thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua các chương trình, dự án, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hình thành các điểm dân cư tập trung, tạo lập cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu thiết yếu về đời sống, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, tích cực đã phát huy hiệu quả. Đồng bào về nơi ở mới yên tâm, tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhiều gia đình, dòng họ tự nguyện nhường lại một phần đất cho các gia đình khó khăn về đất ở, đất sản xuất, tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi cho những điểm dân cư tập trung mới. Đến nay, tỉnh đã trình các bộ, ngành T.ư hỗ trợ 301.375 triệu đồng gồm 93.545 triệu đồng vốn hỗ trợ trực tiếp, 207.830 triệu đồng vốn vay để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hà Thu
(HBĐT) - Sáng 14/9, Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ (UVBTV) Tỉnh ủy theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. đã được tiến hành. Đại diện lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng TƯ dự và theo dõi hội nghị. Đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Hội CCB xã Nà Mèo (Mai Châu) hiện có 181 hội viên, trong đó có 54 hội viên là đảng viên, tham gia sinh hoạt tại 4 chi bộ. Để tạo điều kiện xây dựng, phát triển hội phù hợp với từng điều kiện, Hội đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
Tiếp tục chuyến thăm chính thức Cộng hòa Xinhgapo, ngày 13/9, tại Dinh Istana, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Xinhgapo Tôni Tan Keng Giam (Tony Tan Keng Yam).
Ngày 13/9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ucraina Salamatin Dmitry Albertovich đang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.
(HBĐT) - Sáng 13/9, UBND tỉnh đã họp trực tuyến đánh giá kết quả thu ngân sách Nhà nước 8 tháng và nhiệm vụ thu ngân sách 4 tháng cuối năm 2012. Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trị hội nghị. Tham gia có lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh, các sở ngành, tổ chức liên quan và các huyện, thành phố.
(HBĐT) - Ngày 13/9, đoàn kiểm tra liên ngành của T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam do đồng chí Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch T.Ư Hội làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, lãnh đạo Sở NN&PTNT, Tài chính, Tư pháp, Ban Dân tộc, Hội Nông dân, Hội LHPN tỉnh.