Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.

Sáng 30/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; trong đó, tập trung vào các vấn đề đang được dư luận quan tâm như: Nợ xấu, hàng tồn kho, vấn nạn tham nhũng, lãng phí, đầu tư cho y tế...

 

Kiên quyết xử lý tham nhũng, lãng phí

Đề cập đến vấn nạn tham nhũng, lãng phí, đại biểu (ĐB) Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhấn mạnh: Tham nhũng, lãng phí là anh em sinh đôi, đục khoét ngân khố quốc gia, thao túng quyền lực, tha hóa con người, giảm sút lòng tin xã hội.

ĐB  Lê Như Tiến dẫn chứng, nếu Vinashin không làm thất thoát 107 nghìn tỷ đồng, cũng như nợ trong nước và nước ngoài hàng trăm tỷ đồng thì Nhà nước có thể sẽ xây thêm 214 nghìn phòng học hoặc 107 nghìn nhà văn hóa, 53 nghìn trạm xá xã; đồng thời, cũng không phải băn khoăn khi phải lùi hạn tăng lương vì không bố trí được nguồn vốn.

ĐB  Lê Như Tiến cũng đặt vấn đề: “ĐB Quốc hội rất quan tâm đặt câu hỏi: Liệu có xu hướng hành chính hóa các vụ án hình sự có liên quan đến tham nhũng hoặc có sự “nắn dòng bẻ ghi” làm chuyển hướng kết quả thanh tra?”.

So với tham nhũng, theo đại biểu Lê Như Tiến, lãng phí thậm chí còn nguy hại hơn bởi "thất thoát do lãng phí rất nhiều nhưng lại được nương tay, xem nhẹ. Hầu như chưa có vụ án bị đưa ra xét xử vì hành vi lãng phí. ", vì "tham nhũng bị coi là tội phạm, còn lãng phí chỉ là khuyết điểm"... Ngoài những lãng phí hữu hình như: Lãng phí trong sử dụng ngân sách, trong quản lý đất đai, mua sắm tài sản, trong sử dụng đất đai, mua sắm tài nguyên, thì còn có những lãng phí vô hình trong khai thác nguồn nhân lực, lãng phí chất xám như: Hàng trăm nghìn luận án tiến sĩ, đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp nhà nước đóng bìa cứng hoành tráng, xếp ngăn nắp như vật trang trí trong các thư viện, viện nghiên cứu. Trong đó, chưa đầy 1/3 kết quả được áp dụng vào thực tế.

“Hàng trăm nghìn tỷ đồng lẽ ra được sinh sôi từ đất, thì lại bị chôn vùi trong đất.” – ĐB  Lê Như Tiến  trăn trở.

“Không chỉ lãng phí dưới đất, Việt Nam còn lãng phí trên trời. Vệ tinh Vinasat - 2 được đầu tư 250 triệu đô la tương đương 5 nghìn tỷ đồng, dung lượng 13.000 kênh thoại - internet, khoảng 50 kênh truyền hình, nhưng đến nay chưa lấp đầy được ¼ dung lượng băng tần, trong khi đó, một nghịch lý là nhiều công ty viễn thông, tập đoàn viễn thông nhà nước đang khẩn thiết đề nghị Chính phủ cho đầu tư hạ tầng cáp trên mặt đất thì lãng phí hàng nghìn tỷ đồng", ĐB  Lê Như Tiến ví dụ.

Xử lý nhanh nợ xấu, hàng tồn kho trong nước

Liên quan đến nội dung đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội là xử lý nợ xấu, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, xử lý nợ xấu khác với mua bán nợ xấu. Xử lý nợ xấu không phải chỉ bằng việc mua bán nợ xấu. ĐB Huỳnh Ngọc Đáng hoan nghênh chủ trương không dùng ngân sách nhà nước để trả nợ thay cho doanh nghiệp bằng cách mua lại nợ xấu. “Đây là chủ trương sáng suốt.” – ĐB Huỳnh Ngọc Đáng nói.

Theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng, thực tế, ngân sách nhà nước năm mới đang khó khăn, đến tăng lương cơ bản không có nguồn bố trí thì sao có tiền để mua lại nợ xấu? Theo đó, nợ xấu cần được rà soát, cơ cấu lại một cách minh bạch như báo cáo Chính phủ đã nêu. Năng động hơn, Thống đốc Ngân hàng nhà nước nên đem nợ xấu “chào hàng” với các tổ chức tài chính quốc tế nhằm xử lý nhanh nợ xấu.

Cũng theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng, việc từng bước phát triển thị trương mua bán nợ xấu cần cân nhắc thêm. “Khi thị trường bất động sản đang đóng băng, thì việc phát triển thị trường mua bán nợ xấu liệu có khả thi hay không?”. Vì vậy, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng, "cục u" nợ xấu nên xử lý với các biện pháp phù hợp, trong đó nên giã từ tư duy ngân sách nhà nước để bao cấp.

Đồng tình với ĐB Huỳnh Ngọc Đáng, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, "vòng kim cô" nợ xấu đang có dấu hiệu ngày một siết chặt, làm "chết" không biết bao nhiêu doanh nghiệp, biểu hiện rõ ràng nhất là việc thị trường quay lại tình trạng ngân hàng huy động vốn trên 9% và doanh nghiệp đi vay không còn mức lãi suất 15%, thậm chí doanh nghiệp không thể đi vay được. ĐB Trần Du Lịch cho rằng, đây là nút thắt quan trọng, cần sớm được giải quyết và đề nghị Ngân hàng nhà nước làm rõ vấn đề này. Ngoài ra, theo ĐB Trần Du Lịch, Ngân hàng nhà nước cũng cần công khai, minh bạch các tiêu chí về tái cơ cấu ngân hàng, xử lý thanh khoản cho ngân hàng yếu kém để tránh mất niềm tin với hệ thống ngân hàng.

Về vấn đề hàng tồn bất động sản, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng tỏ ra lo ngại trước tình hình thực tế có khoảng hàng trăm nghìn căn hộ mà chủ đầu tư không bán được, mặc dù Bộ Xây dựng thời gian qua đã có nhiều cố gắng. Về vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch đề nghị, Chính phủ tính toán nới tín dụng tiêu dùng để tiêu thụ tồn kho bất động sản. ĐB Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) cho rằng, cần phát hành trái phiếu cho các công trình quốc gia dân sinh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nỗ lực tìm thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau.

Cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho hộ nghèo, đầu tư thích đáng cho y tế

Về vấn đề xã hội, ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) tỏ ra băn khoăn khi tỷ lệ hộ cận nghèo, mới thoát nghèo còn cao, nhưng chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể nên các đối tượng này dễ bị tái nghèo trở lại .

Về thực hiện các chương dự án hỗ trợ có mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đã ban hành khá nhiều chương trình, dự án để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế nước ta nguồn lực phân bổ không đảm bảo theo lộ trình thực hiện, chẳng hạn, như Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Theo ĐB Phương Thị Thanh, đây là Đề án quan trọng, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục cho các bậc học sau này. Tuy nhiên, nếu không có sự cân đối ngân sách, khó có thể đến năm 2015 đạt được mục tiêu Đề án; trong đó các tiêu chí về phòng học chuẩn, trang thiết bị rất khó thực hiện, nhất là đối với các trường, các điểm xã, thôn vùng cao còn gặp khó khăn. Qua khảo sát một số địa phương trong vùng, đến nay, chỉ có 10% số xã, trường đạt chuẩn về tiêu chí này.

Theo đó, ĐB Phương Thị Thanh đề nghị, Chính phủ khi ban hành các chương trình, dự án, chính sách mới cần cân nhắc, các nguồn lực đảm bảo để khi thi hành có tính khả thi cao, nhất là đối với các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Đồng thời, sớm sửa chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng Trung ương chỉ quản lý mục tiêu và tổng mục đầu tư; giao cho các địa phương chủ động trong việc đầu tư, phân bổ, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện mục tiêu chương trình nhằm khắc phục tình trạng địa phương phải xin ý kiến thẩm định Bộ, ngành chủ quản, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn .

Trong khi đó, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề: Tại sao hiện nay bệnh tật tăng nhanh và phức tạp, nhất là ung thư? ĐB Hồ Thị Thủy cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ môi trường sinh thái bị phá hủy, ô nhiễm nặng, vệ sinh an toàn thực phẩm không được kiểm soát chặt chẽ; sản phẩm chăn nuôi thì dư lượng thuốc kích thích, bảo quản; sản phẩm nhập lậu công khai...

Theo ĐB Hồ Thị Thủy, với suất ăn chỉ có 7.000 đến 10.000đ/suất ở các bếp ăn tập thể công nhân, có thể nói là “suất ăn thiếu dinh dưỡng, thường hóa chất” thì chúng ta không thể đổ cho người tiêu dùng là không thông thái, khi sản phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn được quảng cáo bán công khai trên thị trường. Chỉ khi có vấn đề cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe người dân cần lấy quan điểm ‘” phòng bệnh hơn chữa bệnh". Và rõ ràng, đây không phải trách nhiệm của riêng ngành Y tế mà của cả Quốc hội, Chính phủ, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.

ĐB Hồ Thị Thủy kiến nghị, cần có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thân thiện với môi trường, phát triển xanh; tránh tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, phát triển thủy điện tràn lan làm ảnh hưởng đến môi trường; tăng cường quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến và nhập khẩu.

Cần thay đổi nhận thức và đặt tầm quan trọng về y tế dự phòng để đầu tư thích đáng; phải xem ngành Y tế là loại hình dịch vụ đặc biệt, không thể để người bệnh “không có tiền chữa bệnh phải nằm chờ chết”. Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho các bệnh viện bằng nguồn vốn Chính phủ; ưu tiên đầu tư bệnh  viện trọng điểm, bệnh viện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; vấn đề đạo đức y, bác sĩ cũng cần được quan tâm; đồng thời, có chính sách thỏa đáng cho cán bộ ngành Y tế.../.

 

                                                             Theo Báo ĐCSVN

 

Các tin khác


Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144).

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên

Những năm qua, việc thực hiện Quy định số 34-QĐi/TU, ngày 28/01/2019 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Tỉnh ủy coi đây là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; là biện pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh 


Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người "là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cả cuộc đời, Người dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Chiều tối 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ khoa học lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục