Ðại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chất vấn Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: ÐĂNG KHOA

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chất vấn Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: ÐĂNG KHOA

Ngày 13-6, ngày làm việc thứ 21, kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII. Các đại biểu QH tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành được giao phụ trách.

 

Tăng cường hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới

Tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu QH, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đã làm rõ các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, chương trình xây dựng nông thôn mới.

Về các chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết, năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, tín dụng cho khu vực nông nghiệp liên tục tăng với tốc độ cao hơn mức tăng bình quân của nền kinh tế. Trong đó có những gói tín dụng ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo, cá tra, tôm và các sản phẩm chăn nuôi. Với chương trình hỗ trợ phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiêu thụ nông sản do nông dân làm ra từ mô hình này để giải quyết dứt điểm khó khăn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tham gia trả lời chất vấn, giải trình thêm về các chính sách hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Thống đốc cho biết, hệ thống ngân hàng đã có những chính sách ưu tiên nguồn vốn để nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển ổn định, vững chắc. Từ năm 2008 đến nay, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng trung bình khoảng 20%/năm. Ðặc biệt năm 2010, tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh chóng, gấp hai lần. Ðến cuối năm 2012, dư nợ tín dụng lĩnh vực này là hơn 560 nghìn tỷ đồng. Việc ngành ngân hàng chủ động dành nguồn tín dụng lớn trên thực tế đã đạt một số kết quả đối với nhiều chương trình cụ thể, đáp ứng đủ nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa để chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và các chính sách đối với nông dân phát huy hiệu quả hơn.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương), Trần Văn Minh (Quảng Ninh) về những bất cập trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Cao Ðức Phát khẳng định, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đồng thời cũng là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài. Thực tiễn hơn ba năm thực hiện ở các xã điểm cũng như ở nhiều địa phương cho thấy, chủ trương này có thể thực hiện hiệu quả nếu nhận thức đúng, quyết tâm cao và cách làm đúng. Ðể thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới cần sớm hoàn thành quy hoạch lập đề án xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ thực hiện các nội dung cần ưu tiên.

Ðại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nêu câu hỏi, theo dự án Luật Ðất đai 2003 sửa đổi, thời gian giao đất sản xuất nông nghiệp dự kiến sẽ tăng lên 50 năm, như vậy có xảy ra tình trạng phải đi thuê đất sản xuất nông nghiệp đối với những người sinh năm 1993 không. Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng, dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) đề xuất tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp lên 50 năm để  bảo đảm cho người được giao đất yên tâm sản xuất, tránh những thủ tục không cần thiết khi hết thời hạn sử dụng đất. Ðồng thời bảo đảm quyền chủ sở hữu của Nhà nước. Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, về lâu dài, đến năm 2020, khi đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, lao động nông nghiệp sẽ chuyển dịch sang lao động công nghiệp và các hoạt động dịch vụ khác. Khi đó, lao động nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 30 đến 35% cho nên áp lực về sử dụng đất nông nghiệp sẽ giảm xuống, vấn đề tạo quỹ đất cho lao động mới hình thành không trở thành nhu cầu bức bách như hiện nay.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần làm tốt công tác quy hoạch; xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn; công nghiệp hóa phương thức sản xuất, đưa khoa học, công nghệ vào nông nghiệp. Ðồng thời,  quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan từ cây, con giống, sản xuất, dự trữ, lưu thông một cách tích cực, chủ động hơn; có quy trình quản lý sản xuất, kinh doanh và lưu thông, phân phối một cách chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tránh thiệt hại cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Ðồng thời, sớm sơ kết, đánh giá để đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung vào các tiêu chí quan trọng nhất để nông thôn, nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh,  bảo đảm đời sống của nông dân.

Ðưa ngành du lịch phát triển xứng với tiềm năng

Chất vấn đối với Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đặt câu hỏi: Trong khi Việt Nam có tới chín di sản thiên nhiên thế giới, nhưng lại xếp thứ 80 trong số 139 nước được xếp hạng là không xứng đáng với tiềm năng. Vậy đâu là nguyên nhân  và giải pháp để đưa ngành du lịch Việt Nam phát triển. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, chúng ta đã có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Du lịch hiện nay đóng góp 6% GDP, giải quyết được việc làm cho 1,4 triệu người. Tại nhiều địa phương du lịch trở thành ngành mũi nhọn. Tuy nhiên, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Khi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh câu hỏi, liệu đến năm 2020, du lịch Việt Nam có phát triển tương xứng với tiềm năng hay không, Bộ trưởng cho rằng, du lịch Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng để biến thành hiện thực thì cần phải có nhiều điều kiện.

Về các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam như câu hỏi của một số đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, hiện nay, quy hoạch du lịch được xây dựng và thực hiện theo thế mạnh từng vùng, miền. Muốn phát triển du lịch nói chung đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các ngành và từng người dân. Về chất lượng dịch vụ du lịch thu hút khách quốc tế, Bộ trưởng cho biết, theo khảo sát của cơ quan chuyên môn khi được hỏi đa số du khách quốc tế đánh giá cao chất lượng dịch vụ và rất hài lòng về chất lượng dịch vụ, như tại Hà Nội 84% số khách quốc tế hài lòng và 81% số khách có mong muốn quay lại. Mặc dù thời gian qua kinh tế thế giới khó khăn nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và doanh thu từ du lịch vẫn tăng. Thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển liên kết du lịch hướng tới dịch vụ du lịch chất lượng cao và chấn chỉnh những hiện tượng không hay, không đẹp trong hoạt động du lịch. Bộ sẽ rà soát lại tất cả các khu du lịch để lập lại trật tự và phối hợp các ngành nghiên cứu thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng nhận trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm của ngành đối với tình trạng "chặt chém" khách du lịch. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng đề nghị các địa phương cùng giám sát, xử lý tình trạng này, để Việt Nam trở thành điểm đến an toàn hấp dẫn khách du lịch.

Tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Các đại biểu Nguyễn Thanh Thảo, Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) nêu câu hỏi, về việc có quá nhiều lễ hội và tình trạng thương mại hóa,  mê tín dị đoan lãng phí tại lễ hội. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh  cho biết, Bộ đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra nhằm chấn chỉnh những hiện tượng này nhưng nhiều nơi vẫn xảy ra. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm tra chấn chỉnh trong thời gian tới.

Về các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, công cuộc chống xuống cấp về văn hóa là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, trong đó nòng cốt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ đã phối hợp phát động nhiều chương trình, phong trào như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư; Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống văn hóa, đời sống nhân dân. Các phong trào này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới. Bộ đã phối hợp các ngành, nhất là ngành giáo dục trong việc giáo dục cho lớp trẻ về truyền thống văn hóa dân tộc và giao các trường quản lý, bảo vệ các di tích tại địa phương mình, góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh về giá trị của các di tích và truyền thống văn hóa địa phương.                           

Chuẩn bị tốt cho ASIAD 2019

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về sự đầu tư chuẩn bị cho ASIAD 2019 và các giải pháp nâng cao chất lượng thể thao Việt Nam, hạn chế tiêu cực trong bóng đá nam, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, Bộ đang khảo sát cơ sở vật chất và đội ngũ vận động viên để chuẩn bị thật tốt cho ASIAD 2019 và sẽ trình Chính phủ đề án cụ thể. Bộ sẽ kiện toàn Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Tại phiên chất vấn, một số  thành viên Chính phủ tham gia trả lời làm rõ những vấn đề ngành mình quản lý. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tham gia trả lời cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục có những giải pháp quản lý chặt chẽ các thông tin trên mạng in-tơ-nét nhằm ngăn chặn những thông tin xấu độc, không phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam và có chế tài xử lý thích đáng với những vi phạm trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục cải tiến phương pháp giáo dục, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên và phát động các phong trào để giáo viên nêu gương trong cuộc sống, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, góp phần nâng cao đạo đức học sinh, sinh viên.

Phát biểu ý kiến kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, các đại biểu đã đặt các câu hỏi với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, qua thảo luận làm rõ và khẳng định văn hóa, thể thao, du lịch nước nhà có nhiều tiến bộ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa, chống xuống cấp văn hóa trong xã hội, nhất là lớp trẻ, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam. Chủ tịch QH đề nghị, Bộ trưởng nghiêm túc tiếp thu và thực hiện có hiệu quả những giải pháp đã đưa ra tại phiên chất vấn.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề, giải quyết việc làm

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Trần Văn Minh (Quảng Ninh) về hiệu quả và những bất cập công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Công tác dạy nghề, đào tạo nghề, quy hoạch mạng lưới dạy nghề trên cả nước nhiều năm qua đã được quan tâm đầu tư; mạng lưới dạy nghề đã được tăng cường hơn. Bộ đã tích cực hướng dẫn triển khai việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực này, thông qua đề án đổi mới dạy nghề, nhất là đầu tư hạ tầng cho công tác dạy nghề. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra tại 10 tỉnh cho thấy, hiện nay một số đơn vị trong quá trình đầu tư phục vụ dạy nghề, đào tạo nghề chưa đồng bộ, còn tình trạng thiếu giáo viên, Bộ đã kịp thời yêu cầu các địa phương chấn chỉnh.

Giải thích về việc nhiều nơi, mô hình dạy nghề chưa thu hút đông đảo lao động trẻ, học sinh vào học, gây lãng phí đối với nguồn lực đầu tư, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, một trong những nguyên nhân là do nhận thức của nhân dân, nhất là các bạn trẻ phần đông mong muốn vào các trường chuyên nghiệp, các trường trung cấp chuyên nghiệp trở lên, do đó tư tưởng học nghề chưa  được thông suốt. Hơn nữa, do vấn đề nội dung đào tạo và cơ sở vật chất cho công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhiều nơi chưa cập nhật các loại hình nghề mới theo yêu cầu của thị trường.  Ngành sẽ có những cơ chế, chính sách đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa trong công tác dạy nghề, tạo điều kiện thành lập các trường nghề tư thục, ưu tiên về cơ chế hoạt động, quỹ đất,  liên kết các tổ chức quốc tế tham gia đầu tư cơ sở vật chất, cung cấp chuyên gia đào tạo nghề có trình độ cao.

Ðối với việc dạy nghề, tạo việc làm khu vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, vừa qua đã cùng các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều chương trình, đề án dạy nghề, tạo việc làm đối với khu vực này. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về kỹ năng nghề và tác phong công nghiệp. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn có hạn chế, yếu kém, nhiều địa phương còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn với kế hoạch phát triển của địa phương, gắn với yêu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề.  Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chú trọng vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.  Các đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Ly Kiều Vân (Quảng Trị), Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) và một số đại biểu khác đề nghị cần xem xét điều chỉnh nhiều chính sách đối với lao động trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, sẽ phối hợp bộ, ngành rà soát và điều chỉnh các chính sách phù hợp hơn.  Bên cạnh đó sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm các giải pháp giải quyết  tốt hơn nữa vấn đề lao động nông thôn, góp phần đạt các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chung quanh trách nhiệm và các giải pháp quản lý lao động tự do ở các vùng biên giới được đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) và một số đại biểu khác nêu, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, tình hình đã diễn ra nhiều năm qua, Bộ đã và đang tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, tập hợp ý kiến các bộ, ngành như Ngoại giao, Công an, Quốc phòng để thống nhất thực hiện, đồng bộ, hợp lý trên cơ sở bàn bạc với phía bạn giải quyết tình hình này.

 

                                                                          Theo Báo ND

 

Các tin khác

Đoàn công tác kiểm tra tiến độ xây dựng liên hồ Tày Măng xã Tu Lý, Đà Bắc.
Đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chúc mừng và thông tin nhanh tình hình phát triển KT-XH của tỉnh với các tỉnh bạn.
Đoàn công tác của BCĐ NQ 37 tỉnh kiểm tra Kè chống sạt lở khu vực chợ Co Lương xã Co Lương (Mai Châu).
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng bằng khen của UBND tỉnh cho 9 tập thể, 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định 152.

Nông dân huyện Lạc Thuỷ thi đua lao động sản xuất giỏi

(HBĐT) - Những năm gần đây, phong trào thi đua của Hội Nông dân (HND) huyện Lạc Thủy đã tập trung hướng về cơ sở với những tiêu chí bình xét cụ thể, gắn liền với công tác khen thưởng, biểu dương tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các tổ chức hội và hội viên ND.

Các cấp Hội PN duy trì hiệu quả 1.625 mô hình tiết kiệm

(HBĐT) - Ngày 11/6, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị BCH mở rộng, sơ kết phong trào phụ nữ và công tác hội 6 tháng đầu năm 2013. Tới dự có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ.

295 cán bộ công đoàn tham gia tập huấn năm 2013

(HBĐT) - Ngày 11/6, Công đoàn các ngành: Công Thương, Y tế, Xây dựng, Viên chức tỉnh phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở.

Kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc

(HBĐT) - Sáng 11/6, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và ngày truyền thống thi đua yêu nước (11/6/1948-11/6/2013). Tới dự có đồng chí: Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng TĐ- KT tỉnh; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; các huyện, thành phố và các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong lao động sản xuất trong tỉnh.

Quốc hội công bố mức tín nhiệm của 47 chức danh chủ chốt

Sáng 11-6, Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt với tỷ lệ 471/477 (chiếm 94,58%) đại biểu tán thành. Đây là cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên ở Quốc hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục