Tại lễ khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII.  Ảnh: NGUYỄN ÐÌNH NAM

Tại lễ khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NGUYỄN ÐÌNH NAM

* Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh, Trương Tấn Sang, Trần Ðức Lương, Nguyễn Văn An, Nguyễn Thiện Nhân dự

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến khai mạc kỳ họp

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của chính phủ

Hôm qua, 20-10, tại Thủ đô Hà Nội, Quốc hội khóa XIII khai mạc trọng thể kỳ họp thứ tám. Ðây là kỳ họp cuối năm với nhiều nội dung mang tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước. Ðây là kỳ họp đầu tiên diễn ra tại Trụ sở Nhà Quốc hội - Hội trường Ba Ðình mới. Phiên khai mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp phục vụ đông đảo cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

 

Trước phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại diện các Ðoàn đại biểu Quốc hội (QH) đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. QH cũng đã họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình làm việc của kỳ họp.

Ðúng 8 giờ 30 phút, QH vào họp phiên khai mạc. Ðến dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; cùng các đại biểu khách mời, các vị lão thành cách mạng, các đại biểu QH các khóa trước, đại diện các đoàn ngoại giao tại Hà Nội; đông đảo phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài tại Hà Nội.

Phát biểu ý kiến khai mạc kỳ họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trân trọng cảm ơn Ban Chấp hành T.Ư Ðảng, Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước đã chấp thuận và tạo mọi điều kiện cần thiết để xây dựng Nhà Quốc hội. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Kỳ họp của QH diễn ra trong lúc kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm; an ninh chính trị, xung đột vũ trang, dịch bệnh ở một số nơi diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - chính trị khu vực và toàn cầu. Tình hình đó đòi hỏi toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta phải quyết tâm cao hơn nữa, có các chủ trương, giải pháp căn cơ, đồng bộ để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng... (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).

Tiếp đó, QH đã nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH ) năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Theo Báo cáo, trong bối cảnh năm 2014 với nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo, xung đột xảy ra ở nhiều nơi. Căng thẳng trên biển Hoa Ðông và Biển Ðông. Nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, KT-XH nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tính chung chín tháng đầu năm đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ hai năm trước; ước cả năm 2014 đạt khoảng 5,8%. (Toàn văn Báo cáo đăng trên số báo hôm nay).

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Theo đó, cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả đạt được của kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIII. Các luật, nghị quyết và các vấn đề quan trọng khác được QH thông qua tại kỳ họp và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ đã góp phần sớm triển khai thi hành Hiến pháp (sửa đổi), tạo cơ chế cho phát triển KT-XH; xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch và hiệu quả; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng theo pháp luật; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Cử tri và nhân dân tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Ðông và mong muốn các cơ quan chức năng của Nhà nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng, kịp thời hơn nữa để người dân hiểu đầy đủ về tình hình, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cử tri và nhân dân mong muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với ngư dân, đồng thời tăng cường các biện pháp đấu tranh kiên quyết, ngăn chặn không để các tàu của nước ngoài đe dọa, thu giữ trái phép ngư cụ, đập phá thiết bị hành nghề của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trong ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây hoang mang cho ngư dân thời gian qua. Cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về: nền kinh tế phát triển chưa bền vững, sức mua tăng chậm, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp, tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao ở nhiều tỉnh miền núi, thất nghiệp, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, tham nhũng, lãng phí.

Về đời sống của người dân, sản xuất, kinh doanh và quản lý thị trường, cử tri và nhân dân nhiều nơi cho rằng, mặc dù Bộ Công thương và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc rà soát, xử lý tình trạng quy hoạch không hợp lý các nhà máy thủy điện, nhưng sự an toàn của các hồ chứa, đập thủy điện, lũ lụt vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô vẫn là nỗi lo lắng, bức xúc của nhân dân. Chính phủ cần chỉ đạo sớm khắc phục tình trạng này.

Thời gian qua, các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tiếp cận nguồn vốn khó, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất làm ảnh hưởng đời sống, việc làm của hàng chục nghìn người lao động và giảm nguồn thu cho ngân sách. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp phù hợp hơn giải quyết tình trạng này. Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động còn nhiều (nợ lương, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động...). Ðề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh chính sách và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết tình trạng nợ này của các doanh nghiệp.

Về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cử tri và nhân dân nhiều nơi đề nghị cần rà soát và quy định cụ thể về danh mục, mức trần các loại đóng góp của nhân dân, tránh việc địa phương yêu cầu người dân đóng góp quá nhiều, không tương xứng thu nhập thực tế. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí của Chương trình cho phù hợp từng vùng, từng địa phương, bảo đảm tính thiết thực và khả thi. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ nông dân và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp liên kết nông dân, hợp tác cùng phát triển phương thức sản xuất "Cánh đồng lớn".

Thay mặt Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình KT-XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014, Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp cùng với tình hình KT-XH trong nước, nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nước ta, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển KT-XH đất nước. Trong bối cảnh đó, hầu hết ý kiến của các đại biểu QH đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhất là chỉ đạo, điều hành sâu sát, nhạy bén, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp đã thực hiện đạt mục tiêu tổng quát, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu KT-XH năm 2014 theo Nghị quyết của QH đề ra.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra đánh giá các chỉ tiêu KT-XH, môi trường đạt thấp theo Nghị quyết của QH về Kế hoạch năm năm 2011-2015. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình bốn năm 2011-2014 dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 5,67%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo Kế hoạch (6,5% - 7%). So với khu vực ASEAN thì tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại trong khi một số nước có sự cải thiện và duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng trong ngành nông nghiệp có xu hướng giảm dần (năm 2011 là 4,02%; năm 2012 là 2,68%; năm 2013 là 2,67%), năm 2014 ước tính tăng trở lại nhưng cũng ở mức 3% đến 3,1%... Về mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, phần lớn ý kiến của đại biểu QH đề nghị, trong thời gian tới cùng với mục tiêu "tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô" là mục tiêu cơ bản, xuyên suốt, cần "tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân", góp phần tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, nếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sâu hơn sẽ tác động tiêu cực đến chính sách tài khóa (khó khăn thu ngân sách) và chính sách tiền tệ (dòng tiền ách tắc và nợ xấu tăng lên), tăng trưởng, việc làm...

Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, thời gian tới, Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt và có hiệu quả ba đột phá chiến lược. Ðẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, tạo sự thay đổi đột phá mạnh mẽ về thể chế quản lý nhà nước, kinh tế, tài chính công, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, cải cách tư pháp. Tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan trung ương đi đôi với nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hướng tập trung vào mục tiêu đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

QH đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác này.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Năm 2014, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), sự điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, MTTQ, các đoàn thể, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được đẩy mạnh, có những chuyển biến tích cực, đạt được một số kết quả nhất định, góp phần thiết thực vào việc ổn định tình hình và nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước.

Theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, việc rà soát, ban hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, đã ban hành mới 3.406 văn bản, hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 1.723 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 7.349 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 212 vụ việc vi phạm, số người vi phạm là 144 người, kiến nghị xử lý kỷ luật 93 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 561 tỷ đồng (đã thu hồi 154 tỷ đồng).

Về minh bạch tài sản, thu nhập, tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập năm 2013; cho thấy có 944.425 người đã kê khai tài sản, thu nhập trên tổng số 952.178 người phải kê khai (đạt 99,2%, tăng 0,7% so với năm 2012); số người chậm kê khai trong năm là 6.935 người; số lượng bản kê khai thuộc diện cấp ủy hoặc cấp trên quản lý: 201.345 bản. Có 914.245 bản kê khai đã công khai (đạt tỷ lệ 96,8% so với số bản đã kê khai, tăng 37,4% so với năm 2012). Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác minh bạch tài sản, thu nhập và yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phạm Vũ Luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về Ðề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH (VHGDTNTN và NÐ) Ðào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra về Ðề án này.

Theo đó, Ủy ban VHGDTNTN và NÐ nhất trí về cơ bản với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thay cho Nghị quyết số 40/QH10 năm 2000 về vấn đề này đã được thực hiện từ năm học 2002-2003 đến nay.

Về cơ cấu giáo dục phổ thông, Ủy ban VHGDTNTN và NÐ tán thành ý kiến giáo dục phổ thông kéo dài 12 năm và chia thành hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) là giai đoạn giáo dục phổ cập, bắt buộc nhằm bảo đảm trang bị cho học sinh kiến thức phổ thông nền tảng và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông) chuẩn bị cho học sinh tham gia thị trường lao động hoặc học lên cao đẳng, đại học và sau đại học. Về việc xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa phổ thông, Ủy ban nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện.

Về kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm phần khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các địa phương để có khái toán tổng thể kinh phí chi cho Ðề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Về lộ trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Ủy ban nhất trí về cơ bản các bước tiến hành nêu trong lộ trình thực hiện như Tờ trình của Chính phủ đề xuất, nhưng đề nghị: Cân nhắc dành thời gian thích đáng cho việc thực nghiệm chương trình mới. Ðổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này bao gồm nhiều nội dung, phương thức tổ chức giáo dục mới, cần thực nghiệm nghiêm túc, cẩn trọng trên quy mô nhỏ trước khi áp dụng đại trà để tránh rủi ro. Việc triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa mới cũng cần cân nhắc hợp lý. Ðối với cấp tiểu học có thể thực hiện đồng thời ở tất cả các lớp, nhưng đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì cần theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học.

Chiều cùng ngày, QH nghe Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015. Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

QH đã nghe Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này. Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày Tờ trình về dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật nêu trên.

Theo chương trình làm việc, hôm nay, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp Ủy ban Thường vụ QH tổng hợp được 3.729 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi QH. Trong đó, có 2.530 ý kiến của cử tri được phản ánh qua Ðoàn đại biểu QH của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 1.199 ý kiến của nhân dân qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp.

 

                                                                          Theo Báo ND

 

 

 

 

Các tin khác


Quản lý, sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tránh thất thoát, lãng phí

Hôm nay 25/5, ngày làm việc thứ 6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã phát biểu đóng góp ý kiến. Báo Hòa Bình giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các dự án quan trọng quốc gia

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, các chính sách tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân song vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong quá trình thực hiện.

Giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo: Phát huy vai trò người đứng đầu giải quyết thấu đáo việc liên quan đến người dân

Với phương châm, quan điểm lãnh đạo xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự "vì nhân dân phục vụ”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có phong cách làm việc "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”... thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh luôn chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến người dân, nhất là công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân.

Huyện Cao Phong đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào thực chất

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Bí thư TT Huyện ủy Cao Phong cho biết: Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo (HT<) tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (Kết luận số 01-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy Cao Phong đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01 và thực hiện chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm gắn với thực hiện NQT.Ư 4 (khóa XII) và Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của BCH T.Ư Đảng (khóa XIII) về "đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương… Trong đó chú trọng đưa nội dung HT< tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp mình gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; lựa chọn nội dung trọng tâm, đột phá, những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, đơn vị để lãnh đạo thực hiện, tránh qua loa, hình thức ở cơ sở...

Nghiên cứu, rà soát các quy định bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ

Thảo luận tổ chiều 24/5 về dự thảo Luật Cảnh vệ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cơ bản đồng tình với nội dung của 2 dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị: Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định trong dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục