(HBĐT) - Còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng mạnh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa góp phần ổn định tâm lý người dân. Để tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá, ngay từ đầu tháng 11/2020, các doanh nghiệp, siêu thị, tiểu thương, cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) đã chủ động dự trữ, đảm bảo nguồn hàng dồi dào phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn. Mạng lưới các điểm bán hàng được tổ chức từ tỉnh xuống huyện, xã, khu công nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, quầy hàng lưu động…


Tại siêu thị Vinmart, Trung tâm thương mại Vincom Plaza TP Hòa Bình, các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán được bày bán đa dạng, với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Chủ động nguồn cung hàng Tết

Dịp cuối năm, hoạt động thương mại được đẩy mạnh, đây là thời điểm các doanh nghiệp tăng cường hoạt động SXKD để phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán. Theo dự báo, sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ tăng khoảng 12 - 14% so với cùng kỳ do thời gian nghỉ kéo dài 7 ngày. Vì vậy, các doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa từ rất sớm, nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng với nhiều mặt hàng như: Thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, quần áo... Bên cạnh đó, các HTX, hộ nông dân tập trung sản xuất nông sản như gà, cá, rau, cam, bưởi… phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. 

Đồng chí Vũ Xuân Khải, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định: Dịp Tết Nguyên đán năm nay không lo khan hiếm hàng hóa. Hiện nay, hệ thống mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng từ thành phố tới huyện, các xã vùng sâu, xa với nhiều siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay, toàn tỉnh có 5 điểm bán hàng Việt. Bởi vậy, nguồn hàng phục vụ dịp Tết đảm bảo đầy đủ về số lượng, chất lượng, chủng loại, đáp ứng nhu cầu của thị trường. 


Các công ty, HTX, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh chủ động nguồn hàng thực phẩm tươi sống phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh chụp tại Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng.

Qua khảo sát, hiện các mặt hàng như bánh kẹo, rượu bia, mứt Tết, nước ngọt phục vụ Tết Nguyên đán đã được bày bán tại các chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa, siêu thị. Tuy nhiên, sức mua chưa tăng cao do chưa phải là thời điểm người dân mua sắm Tết, dịp cận Tết sức mua sẽ tăng mạnh. Tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa lớn tại TP Hòa Bình đều dành một khu vực lớn để bày bán bánh kẹo và mứt Tết với nhiều mẫu mã, trang trí rực rỡ sắc vàng, sắc đỏ truyền thống của Tết Việt. Các siêu thị bày nhiều giỏ quà Tết ngay tại cửa ra vào để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Giá bán từ vài trăm nghìn đồng đến hơn triệu đồng tùy giỏ. 

Tại siêu thị Vinmart, Trung tâm thương mại Vincom Plaza TP Hòa Bình, mặt hàng phục vụ Tết được bày bán đa dạng với nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi hấp dẫn. Để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết, siêu thị đã có kế hoạch phối hợp các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp tăng cường lượng hàng thiết yếu nhằm chủ động nguồn cung dự trữ. Người dân có thể mua hàng bình ổn giá tại hệ thống siêu thị Vinmart trên địa bàn TP Hòa Bình. 

Không chỉ ở siêu thị, tại các đại lý phân phối, cơ sở sản xuất - kinh doanh cũng đã chủ động số lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Ở chợ truyền thống, các tiểu thương sẵn sàng dịch vụ đặt hàng phục vụ Tết như gà, miến dong, cá, hoa quả…

Qua khảo sát của Sở Công Thương cho thấy, tình hình giá cả trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại không có biến động lớn. Giá các loại lương thực tương đối ổn định: gạo tẻ loại thường dao động từ 14.000 - 16.000 đồng/kg, gạo nếp ngon từ 30.000 - 35.000 đồng/kg; gà ta sống 130.000 - 150.000 đồng/kg, thịt lợn từ 110.000 - 160.000 đồng/kg, thịt bò 250.000 - 270.000 đồng/kg, cá chép 80.000 - 90.000 đồng/kg, cá quả 90.000 - 100.000 đồng/kg. Đối với mặt hàng rau củ quả giá cả có xu hướng giảm, do vào thời điểm chính vụ nguồn cung khá dồi dào như: Rau cải khoảng 10.000 đồng/kg, cà chua 10.000 - 12.000 đồng/kg... Chất lượng hàng hoá nhìn chung đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Nhiều giải pháp bình ổn thị trường

Để bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, ngày 11/11/ 2020, Sở Công Thương ban hành Văn bản số 1710, 1711/SCT-QLTM chỉ đạo Phòng Kinh tế và hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế TP Hòa Bình thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, kích cầu người tiêu dùng; phối hợp lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường về giá, chất lượng sản phẩm, thực hiện quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, đưa tin thất thiệt về cung cầu giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Đồng thời, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không tham gia, tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người sản xuất, tiêu dùng, góp phần bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trong dịp Tết. 

Bên cạnh đó, Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại có kế hoạch dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ tốt nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa tới vùng sâu, vùng xa, chủ động tham gia chương trình bình ổn thị trường, cam kết đảm bảo bán hàng bình ổn trong dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thời gian thực hiện từ ngày 25/12/2020 - 25/2/2021. Các mặt hàng bình ổn gồm 9 nhóm mặt hàng: Lương thực (các loại gạo, mì tôm…); thực phẩm (tươi sống, đông lạnh, công nghệ, chế biến…); các loại dầu ăn; nước chấm; bột ngọt; sữa; rượu (trừ rượu ngoại); bia; nước giải khát. Nguồn hàng dự trữ được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến nay, đã có 4 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn, gồm: Công ty CPTM Định Nhuận, Công ty TNHH Anh Phong, Công ty CP DVTMTH Vincommerce chi nhánh Hòa Bình, Công ty CP đầu tư Sơn Anh. Số điểm bán hàng thực hiện chương trình là 11 điểm (tăng 7 điểm so với năm ngoái). Số tiền doanh nghiệp tự bình ổn gần 40,3 tỷ đồng (tăng 11,85% so với năm trước).

Công ty TNHH Anh Phong là 1 trong 4 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá. Tổng số tiền công ty tham gia bình ổn là 25 tỷ đồng. Địa điểm bán hàng bình ổn của doanh nghiệp tại tầng 2 và sảnh chính Trung tâm thương mại AP Plaza, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình). Các mặt hàng bình ổn giá của công ty gồm: Lương thực (các loại gạo, mì tôm…); thực phẩm (tươi sống, đông lạnh); dầu ăn các loại, nước chấm, rượu, sữa, bia, nước giải khát. Công ty cam kết hàng hóa đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP; tăng cường công tác quảng cáo, giới thiệu, treo băng rôn quảng cáo giới thiệu về điểm bán hàng và các mặt hàng tham gia bình ổn giá để người dân tới mua sắm. 

Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp các sở, ngành, địa phương trong, ngoài tỉnh tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, xa. Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung cho thị trường; đảm bảo chất lượng; phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ Công ty Điện lực Hòa Bình trong việc đảm bảo cung ứng điện, trong đó lưu ý phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Tại các chợ truyền thống tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát về việc chấp hành quy định pháp luật về giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

Song song với các giải pháp bình ổn giá, Sở Công Thương tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông tin đầy đủ, kịp thời về giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, quản lý ATTP cho người dân; tuyên truyền cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuyên truyền về việc khuyến khích người dân sử dụng xăng sinh học, kiểm soát thông tin sai lệch có thể gây bất ổn thị trường.

Sự chủ động của các công ty, siêu thị, trung tâm thương mại… trên địa bàn tỉnh về nguồn hàng hóa phục vụ Tết cùng các giải pháp để bình ổn giá góp phần ổn định thị trường, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đó, giúp người tiêu dùng được tận hưởng Tết cổ truyền an toàn, tiết kiệm, vui tươi.


Thu Thủy


Kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng


Hoàng Đức Trường, 

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh

Cuối năm, hoạt động kinh doanh thương mại, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán diễn ra sôi động. Do đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ lợi dụng để buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái không đảm bảo chất lượng. Để kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá. Tập trung thực hiện chuyên đề chống buôn lậu thuốc lá, xăng, dầu kém chất lượng. Kiên quyết xử lý những vi phạm để răn đe các đối tượng; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và quyền sở hữu trí tuệ để người dân, doanh nghiệp cùng phối hợp lực lượng chức năng chung tay đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, đảm bảo ổn định thị trường.


Chương trình bình ổn thị trường khắc phục tình trạng "thiếu hàng, sốt giá”


Trần Trung Hiếu, 

Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương)

Chương trình bình ổn thị trường nhằm tạo nguồn hàng ổn định cung ứng cho thị trường, khắc phục tình trạng "thiếu hàng, sốt giá” trong dịp lễ, Tết. Thời gian qua, chương trình bình ổn thị trường đã tạo mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng; tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chương trình còn góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, đảm bảo an sinh xã hội; hạn chế hiện tượng đầu cơ, thu gom hàng và ổn định tâm lý, định hướng người tiêu dùng; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từng bước hình thành mạng lưới phân phối hàng hóa, góp phần không nhỏ trong việc giúp người nghèo, người thu nhập thấp tiếp cận với những mặt hàng bình ổn giá.

 

Tin tưởng sử dụng hàng Việt Nam


Vũ Thiên Trang, 

Thị trấn Cao Phong (Cao Phong)

Tết Nguyên đán đang tới gần, nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh. Hàng hóa trên thị trường đa dạng với nguồn gốc, xuất xứ từ nhiều nước. Tuy nhiên, tôi tin tưởng và lựa chọn hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Các mặt hàng thực phẩm, lương thực, bánh kẹo, nước giải khát của Việt Nam rất đa dạng, phong phú, màu sắc hấp dẫn, chất lượng tốt. Các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt còn có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán của người dân. Hàng Việt có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, không sợ hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các điểm bán hàng Việt còn ít, tôi mong muốn có thêm nhiều điểm bán hàng Việt Nam để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục