(HBĐT) - Nguồn vốn của ngân hàng (NH) có vai trò sống còn đối với doanh nghiệp (DN) để triển khai các dự án đầu tư, duy trì, phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh (SXKD). Trong khi đó, các NH thực hiện nguyên tắc "chọn mặt, gửi vàng", làm ăn chắc chắn, dẫn đến việc tiếp cận vốn vay của DN gặp không ít khó khăn, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.


BIDV Hòa Bình chi nhánh Phương Lâm (TP Hòa Bình) tạo điều kiện thủ tục vay vốn cho khách hàng.

Mới đây ghi nhận cuộc trao đổi việc tiếp cận vốn của các DN với các NH thương mại trên địa bàn. Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty T&T 159 Hòa Bình cho rằng: Việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển SXKD gặp nhiều trở ngại. Công ty đang triển khai dự án chăn nuôi bò tại một số địa phương. Chúng tôi đã làm việc với nhiều NH trên địa bàn, song không vay được vốn. Vì lẽ đó phải vay vốn ở các chi nhánh khác ngoài địa phương và đã vay được hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư cho SXKD. Như vậy, giữa NH và DN chưa có tiếng nói chung, chưa hiểu và chưa có niềm tin về nhau, chưa thực sự hỗ trợ nhau. Tôi cho rằng, đội ngũ cán bộ tín dụng phải đánh giá được năng lực của DN, có cơ chế đánh giá tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay để hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng. Bên cạnh đó cũng cần hoàn thiện, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, triển khai các dự án vào những lĩnh vực mới, hiệu quả, vượt khó để trở thành DN mạnh dẫn dắt các ngành hàng…

Đại diện Ngân hàng Liên Việt chi nhánh Hòa Bình nêu ý kiến: Các DN đòi hỏi NH phải vận dụng linh hoạt để cho vay. Song, đối với các NH quá trình thẩm định các dự án để cho vay phải thận trọng, không thận trọng không được. Nếu vận dụng linh hoạt theo yêu cầu của DN, thì NH đứng trước nguy cơ cao bị các cơ quan pháp luật kết luận thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với các NH cho vay rồi thì phải tính thu được nợ. NH cam kết đồng hành cùng DN, sẽ xử lý nghiêm những cán bộ tín dụng gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu đối với DN vay vốn nếu có chứng minh. 

Theo đánh giá của Hiệp hội DN tỉnh, hiện các DN đứng trước nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều DN không có việc làm, phải ngừng hoạt động, các chi phí sản xuất tăng, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy rất khó khăn. Dòng tiền để duy trì DN là rất quan trọng. Các DN mong muốn được tiếp cận chính sách ưu đãi tín dụng để vượt qua khó khăn. DN cho rằng: Các khoản vay ngắn, trung, dài hạn nếu áp dụng tỷ lệ bảo đảm tài sản bảo đảm chung sẽ rất khó khăn cho mỗi DN khi thực hiện các thủ tục vay vốn. Trường hợp có quy định rõ tỷ lệ tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngắn, trung, dài hạn mà có lợi cho DN thì các NH thương mại nên xem xét cụ thể để có cơ chế, chính sách phù hợp. Việc định giá tài sản bảo đảm thấp hơn so với thực tế rất khó khăn cho DN khi thực hiện thủ tục vay. Hiện, các NH có quy định về bảo lãnh khác nhau, tuy nhiên, ở một số NH khi thực hiện bảo lãnh (bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thanh toán, tạm ứng...) yêu cầu bắt buộc phải có tài sản tương ứng, còn các NH khác lại có cơ chế thông thoáng hơn. DN kiến nghị, NH nên tăng thêm thời gian cơ cấu nợ, cho phép DN áp dụng linh động điều kiện cơ cấu nợ phù hợp. Mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi giãn, giảm lãi suất cho DN và xem xét giảm tỷ lệ tối đa lãi suất cho các khoản vay tại NH. Xem xét cho vay mới đối với DN cần phục hồi sản xuất, hoặc mở rộng kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bỏ tài sản bảo đảm đối với các khoản vay cho công trình xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công khi đã có quyết định phân bổ nguồn vốn, đánh giá lại tài sản thế chấp tại NH là bất động sản phù hợp với thị trường, để các DN có cơ hội vay thêm vốn, có cơ chế linh hoạt trong các khoản vay trung, dài hạn được bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai.

Trên tinh thần 2 bên cùng phát triển, mới đây, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã phối hợp với Hiệp hội DN, cộng đồng DN thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để DN tiếp cận với dòng vốn của NH. Ngân hàng Nhà nước và Hiệp Hội DN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp công tác nhằm tạo điều kiện cho DN, HTX, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH để phục vụ SXKD. Trao đổi thông tin, xem xét, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN, HTX, hộ kinh doanh trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng và sử dụng các dịch vụ NH theo đúng quy định của pháp luật; hỗ trợ, giúp đỡ các DN nâng cao năng lực quản trị DN, quản trị rủi ro; nghiên cứu, xây dựng các dự án, phương án SXKD có hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế và thế mạnh của địa phương, phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.


Lê Chung

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục