(HBĐT) -Từ đầu năm đến nay, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tiếp tục được truyền tải kịp thời, tạo động lực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.


Gia đình ông Nguyễn Văn Tâm, xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) sử dụng vốn vay của Ngân hàng CSXH để phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập. 

Đà Bắc là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (41,56%). Do đó, nhu cầu được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế của người dân nơi đây rất lớn. Thực tế những năm qua, vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã thực sự trở thành đòn bẩy, giúp hàng nghìn hộ dân vượt lên đói nghèo. Như gia đình ông Nguyễn Văn Tâm, xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn, trước đây kinh tế gặp nhiều khó khăn do eo hẹp về đồng vốn. Chỉ đến khi được vay vốn của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi bò, lợn và trồng bưởi Diễn gia đình ông Tâm mới nâng cao thu nhập. Ông Tâm chia sẻ: Nhờ được vay vốn của NHCSXH mà kinh tế đã ổn định, gia đình xây được căn nhà bếp mới, mua sắm được các trang thiết bị thiết yếu. Qua đó chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên.  

Ngoài gia đình ông Tâm, trên địa bàn xã Toàn Sơn hiện có hàng trăm hộ được vay vốn chính sách để phát triển kinh tế. Đồng chí Đinh Thị Cúc, Chủ tịch UBND xã cho biết: Dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt gần 20 tỷ đồng, với hơn 400 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đồng vốn chủ yếu được bà con đầu tư trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh. Không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống mà vốn chính sách đã góp phần để xã về đích nông thôn mới năm 2020. Hai năm trở lại đây, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, vốn chính sách đã góp phần giúp người dân xã Toàn Sơn vượt lên khó khăn. 

Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đà Bắc, trong 3 tháng đầu năm 2022, đã có trên 1 nghìn lượt hộ trên địa bàn huyện được vay vốn chính sách, doanh số cho vay đạt trên 47 tỷ đồng. Qua đó có 51 lao động được tạo việc làm, 15 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động, trên 300 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng. Trên địa bàn toàn tỉnh, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã hoàn thành và vượt hầu hết các chỉ tiêu tín dụng được giao. Đến hết quý I/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 3.709,5 tỷ đồng, tăng 84,5 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021. Trong 3 tháng đầu năm nay, doanh số cho vay tín dụng chính sách đạt trên 412,7 tỷ đồng, gần 11 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. 

Đồng chí Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, công tác tín dụng chính sách tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Nổi bật là ngay tháng đầu năm, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã thực hiện chuyển vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với số tiền 32 tỷ đồng. Đây là con số chuyển cao nhất từ trước đến nay, kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW, nâng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương lên hơn 93 tỷ đồng, hoàn thành 213,3% kế hoạch giao tăng trưởng năm 2022. Trong quý I, toàn chi nhánh đã thực hiện tốt các chính sách cho vay mới của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, cũng như tích cực chuẩn bị các điều kiện để cho vay phục hồi KT-XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. 

Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, trong quý đã giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống. Theo đó, đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 1,5 nghìn lao động; xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hơn 6,3 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh tại vùng nông thôn; hỗ trợ 4 doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc cho 66/106 lượt người lao động. Qua đó góp phần cải thiện, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tình trạng tín dụng đen trên địa bàn tỉnh.



Viết Đào

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục