Hòa Bình là 1 trong 5 tỉnh có tiềm năng cao nhất cả nước về nuôi trồng thủy sản hồ chứa. Thực tế, nghề nuôi cá lồng đã phát triển hàng chục năm qua, tập trung nhiều nhất trên hồ thủy điện Hòa Bình đã giúp hàng nghìn hộ dân cải thiện sinh kế, thu nhập. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn để phát triển thuỷ sản hồ chứa tương xứng tiềm năng, thế mạnh.
Những năm qua, hàng nghìn hộ dân ở vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng bè
đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh chụp tại vịnh Ngòi Hòa, xã Suối Hoa (Tân Lạc).
Theo Sở NN&PTNT, tỉnh ta có tiềm năng phát triển thủy sản tương đối lớn với trên 14.560 ha mặt nước, toàn tỉnh có 543 hồ thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, gồm: 49 hồ chứa lớn có dung tích từ 3 - 10 triệu m3, 151 hồ chứa vừa có dung tích từ 0,5 - 3 triệu m3, 273 hồ chứa nhỏ có dung tích từ 0,05 - 0,5 triệu m3 và 70 hồ chứa có dung tích dưới 50.000 m3, phân bố trên địa bàn 10 huyện, thành phố. Trong đó, hồ thuỷ điện Hoà Bình có diện tích 8.892 ha, thuộc địa bàn TP Hòa Bình và các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu. Với những điều kiện về nguồn nước hồ chứa sạch, chưa có nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản, ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp, chất thải và hóa chất công nghiệp nên các hồ chứa rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao.
Những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách để thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản như: Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nuôi cá lồng, bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020; Quyết định số 10/QĐ-UBND, ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh về việc quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 1354/QĐ-UBND, ngày 5/7/2021 ban hành kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Nhờ đó, số lồng bè trên hồ thủy điện Hòa Bình phát triển nhanh, từ 1.700 lồng (năm 2014) lên 4.980 lồng (tháng 9/2023). Sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 7.000 tấn, gồm các loài cá: chiên, lăng chấm, diêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, trắm cỏ, rô phi.
Hiện nay, trên hồ thủy điện Hòa Bình đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống lồng bè nuôi tiên tiến, nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh một số loài cá đặc sản. Nhiều loài có giá trị kinh tế cao được nuôi lồng bè, sản phẩm cá, tôm sông Đà được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh ưa dùng. Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu "Cá sông Đà - Hòa Bình” và "Tôm sông Đà - Hòa Bình”. Đây là điều kiện để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu.
Mặc dù đã có những bước phát triển nhanh, nhưng theo đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản đánh giá: Nghề nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn như: quy mô nuôi manh mún, chưa có vùng nuôi thủy sản tập trung được đầu tư đồng bộ; các cơ sở nuôi cá lồng bè đa số chưa đăng ký, chưa được cấp mã số lồng bè. Công nghiệp chế biến thủy sản kém phát triển, nhất là chế biến sâu và công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao hạn chế, chưa tạo được đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Việc đổi mới tổ chức sản xuất chậm, doanh nghiệp đầu tư vào thủy sản rất ít; thiếu sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị.
Ngoài ra, người dân thiếu vốn sản xuất nên áp dụng công nghệ nuôi không được đồng bộ, khả năng rủi ro cao dẫn đến phát triển thủy sản thiếu tính ổn định, không bền vững. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản chưa được quan tâm đúng mức cũng dẫn đến khó khăn trong sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm, làm giảm hiệu quả sản xuất. Đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Để phát triển nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa hiệu quả, tỉnh tập trung vào 5 giải pháp chính, gồm: chính sách, khoa học và công nghệ, tổ chức thị trường, môi trường. Theo đó, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới phát triển sản xuất theo hướng an toàn môi trường, hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả kinh tế cho vùng nuôi cá lồng bè.
Chú trọng triển khai thử nghiệm các mô hình nuôi cá lồng bè theo tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản có chứng nhận VietGAP, hoặc tiêu chuẩn khác có liên quan để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm. Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, thị trường. Ngoài ra, khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng.
Viết Đào
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm nay, ước tính cần hơn 800.000 tỷ đồng để khơi thông cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Cam kết đóng góp tích cực vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới, Việt Nam tin tưởng sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu trong tương lai không xa.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (viết tắt là Chương trình phát triển KT-XH vùng dân tộc) giai đoạn I (2021 - 2025) đã đi được nửa chặng đường. Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia khác được thực hiện từ nhiều năm, chương trình này đã đáp ứng mong mỏi của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh và được kỳ vọng làm thay đổi toàn diện diện mạo, đời sống vùng dân tộc và miền núi trong tỉnh.
UBND huyện Yên Thủy ban hành Quyết định số 3110/QĐ-UBND, ngày 1/11/2023 về phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP huyện Yên Thuỷ năm 2023.
Theo chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến hết tháng 10/2023, dư nợ các chương trình tín dụng về phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 324,1 tỷ đồng, hoàn thành 97,85% kế hoạch dư nợ. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 150 tỷ đồng/2.992 khách hàng, hoàn thành 100% kế hoạch; cho vay nhà ở xã hội đạt gần 136,7 tỷ đồng/360 khách hàng, hoàn thành 97% kế hoạch.
Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình điện, đưa các dự án về đích theo đúng tiến độ đề ra. Qua đó nâng cao chất lượng cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.