Kho bạc Nhà nước thường xuyên phối hợp với các chủ đầu tư để nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN.

Kho bạc Nhà nước thường xuyên phối hợp với các chủ đầu tư để nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN.

(HBĐT) - Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh, số dư tạm ứng vốn đầu tư phát triển của các dự án trên toàn tỉnh tính từ năm 2008 đến ngày 15/10/2015 còn trên 180,4 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án tạm ứng chưa có khối lượng để thực hiện thanh, quyết toán. Để giải quyết vấn đề này, theo đồng chí Nguyễn Thế Dũng, Trưởng phòng Kiểm soát chi - KBNN tỉnh cần có những biện pháp, chế tài mạnh để khắc phục tình trạng tạm ứng vốn đầu tư phát triển bị tồn đọng, kéo dài, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách.

 

Nhiều dự án có số dư tạm ứng lớn  

Theo đánh giá của KBNN tỉnh, nguyên nhân dẫn đến số dư tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn tỉnh vẫn còn lớn là do vào khoảng những năm 2008 - 2009, cơ chế tạm ứng theo quy định của Nhà nước được thực hiện rất thoáng. Khi đó, chỉ cần Chủ đầu tư và nhà thầu ký kết hợp đồng triển khai dự án đầu tư XDCB là đã có thể được tạm ứng đến 50%, thậm chí 100% giá trị hợp đồng. Ngoài ra, ở thời điểm đó về cơ chế còn có nhiều hạn chế, làm ngược so với quy trình xét duyệt dự án đầu tư như khi chưa hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), chủ đầu tư và đơn vị thi công đã ký kết hợp đồng trúng thầu. Trên thực tế, công tác GPMB là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp đã có nhiều dự án chậm tiến độ thi công trong nhiều năm liền do không có đất sạch để thi công, phương án đền bù không được dân chấp thuận nên chưa có hồ sơ để thanh toán tạm ứng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số dư nợ tạm ứng vốn đầu tư vẫn còn lớn. Ngoài ra, số dư tạm ứng vốn đầu tư XDCB còn nhiều và chậm được xử lý một phần là do một số dự án chưa hoàn thiện hoặc chưa có hồ sơ khối lượng gửi về KBNN để thanh toán hoàn ứng. Tính đến thời điểm 15/10/2015, theo thống kê của KBNN tỉnh, số dư tạm ứng quá hạn toàn tỉnh hiện vẫn còn trên 180,4 tỷ đồng.  

Đáng chú ý, trong số dư tạm ứng quá hạn tập trung chủ yếu ở BQL dự án XDCB ngành NN &PTNT với tổng số tiền hơn 61,3 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng số dư nợ quá hạn toàn tỉnh. Trong đó dự án có số dư nợ tạm ứng quá hạn trong nhiều năm như dự án công trình kè sông Đà thuộc xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) còn dư nợ tạm ứng chi phí xây lắp với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng từ năm 2008; công trình kè Đồng Tiến - Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) còn dư nợ hơn 7,3 tỷ đồng từ năm 2009; công trình kè bờ sông Đà thuộc địa phận xã Trung Minh (TP Hòa Bình) còn dư nợ tạm ứng chi phí xây lắp trên 28,8 tỷ đồng từ năm 2012; công trình đê ngăn lũ kết hợp làm đường giao thông Pheo - Chẹ (Kỳ Sơn) còn dư nợ tạm ứng chi phí xây lắp trên 7 tỷ đồng; kè chống sạt lở sông Bùi đoạn thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) còn dư nợ tạm ứng chi phí xây lắp hơn 2,2 tỷ đồng...  

 

Khắc phục khâu yếu trong GPMB, khơi thông dòng vốn    

Trong điều kiện còn khó khăn về ngân sách đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng KT -XH, tỉnh đã phải huy động vốn vay theo Luật NSNN với số tiền hơn 400 tỷ đồng để đảm bảo hoàn thành một số công trình trọng điểm theo đúng tiến độ đề ra thì việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thu hồi số dư tạm ứng quá hạn là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Theo đồng chí Nguyễn Thế Dũng, để giải được bài toán này góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư từ NSNN, ngoài nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý, đôn đốc các đơn vị thi công sử dụng hiệu quả, đúng mục đích số tiền tạm ứng đầu tư xây dựng các gói thầu thì cần phải thực hiện tạm ứng theo đúng quy định hiện hành và cần có sự tính toán mức tạm ứng hợp lý cho từng gói thầu. Đối với các dự án, gói thầu còn vướng về mặt bằng thi công cũng cần tính toán mức tạm ứng hợp lý để thực hiện, tránh tạm ứng nhưng không thi công được do những vướng mắc về GPMB. Trường hợp vốn tạm ứng chưa thu hồi, nếu quá thời hạn 6 tháng, nhà thầu chưa thực hiện hoặc sử dụng không đúng mục đích, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi hoàn trả NSNN theo quy định. 

Ngoài ra, theo báo cáo của KBNN tỉnh, trong năm 2012, trước tình trạng số dư tạm ứng đầu tư phát triển trên địa bàn tăng cao, tại thời điểm tháng 6/2012 số dư tạm ứng toàn tỉnh vào khoảng 670 tỷ đồng. Trong đó, số dư tạm ứng quá hạn khoảng 250 tỷ đồng, KBNN đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện biện pháp thu hồi vốn tạm ứng quá hạn. Được UBND tỉnh cho phép, KBNN đã ngừng giao dịch với các đơn vị, chủ đầu tư có số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi và thường xuyên có công văn đôn đốc các chủ đầu tư thu hồi vốn tạm ứng. Kết quả trách nhiệm thu hồi tạm ứng của đa số các chủ đầu tư đã được nâng cao.  

Cùng với các biện pháp nêu trên, tháng 4/2015, KBNN đã tổ chức tọa đàm về thanh toán vốn đầu tư cho các chủ đầu tư và các BQL dự án. Buổi tọa đàm đã bàn và đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chính từ biện pháp đó, số dư tạm ứng toàn tỉnh tính đến thời điểm tháng 10/2015 giảm xuống còn 362 tỷ đồng. Trong đó, số dư tạm ứng quá hạn trên 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của KBNN tỉnh, việc ngừng giao dịch với các đơn vị, chủ đầu tư có số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài khó có thể xem đây là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng dư nợ tạm ứng quá hạn trong đầu tư XDCB  trên địa bàn tỉnh. Để giải quyết tình trạng này, ngoài có chế tài đủ mạnh để nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư, BQL dự án và nhà thầu thi công cần xem xét, nghiên cứu và làm rõ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề gây ra tình trạng số dư tạm ứng còn cao chưa thu hồi được. Theo phân tích, nghiên cứu thực tế, vướng mắc chủ yếu gây ra tình trạng chậm tiến độ, chậm giải ngân vốn đầu tư là do khó khăn trong công tác GPMB thi công. Theo thống kê của KBNN, trong số 39 dự án còn có số dư tạm ứng có 18 dự án có những vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, GPMB, thậm chí có những dự án còn đang vướng mắc kéo dài nhiều năm chỉ vì... 1 hộ dân không nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng như công trình đê, kè Ngòi Dong (TP Hòa Bình) thuộc dự án đập hạ lưu thuỷ điện; công trình nâng cấp, kiên cố kênh tiêu 20; công trình đê ngăn lũ kết hợp đường giao thông Pheo - Chẹ (Kỳ Sơn) do BQL dự án XDCB ngành NN &PTNT làm chủ đầu tư. Chính vì lẽ đó, các chủ đầu tư, BQL các dự án cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương làm tốt công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch để thi công, triển khai dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh tình trạng lãng phí vốn đầu tư kéo dài trong nhiều năm liền.

 

                                                                       Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác


Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Những năm qua, huyện Đà Bắc đã triển khai các hoạt động đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Qua đó giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục