Độc đáo môn vật cổ truyền dân tộc Mường
Vật cổ truyền dân tộc Mường là một trò chơi dân gian có tính thượng võ, đối kháng, tiêu hao thể lực cao, được lưu truyền nhiều đời trong đời sống người Mường. Người Mường xưa mỗi vùng có tên gọi khác nhau như: Đè Khà, vật bó nứa… Nay trong điều kiện của xã hội mới, môn thể thao này được gọi với tên đầy đủ là vật cổ truyền dân tộc Mường, hay gọi tắt là vật Mường.
Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, người dành nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và truyền bá văn hóa dân tộc Mường chia sẻ về môn vật Mường tại tỉnh ta: Tại khu Mường Khênh nay thuộc xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn có ngôi Đình (nay đã bị phá) thờ ông Chưởng Tín và bà Triệu ân là những người có công lãnh đạo dân binh đánh giặc Ngô. Theo truyền thuyết các cụ cao tuổi ở Mường Khênh kể lại, ngoài việc luyện cho quân sĩ bắn bia, bắn nỏ, hai vị còn đưa vật Mường vào thành bài huấn luyện bắt buộc cho quân sĩ ngày ngày tập luyện. Cứ 3 năm một lần người Mường mở hội lớn vào ngày rằm tháng hai. Trò vật Mường và bắn bia, bắn nỏ, bằng súng kíp vẫn được người Mường đưa vào chiến tích, chơi lại như một nghi thức, tín lễ tưởng nhớ ông Chưởng Tín, bà Triệu ân huấn luyện quân sĩ khi xưa.
Theo dân gian kể lại, vật Mường xưa được tổ chức chơi trên những khu vực đất bằng phẳng, có thảm cỏ thì càng tốt hoặc trên các bãi cát. Trên sân không vẽ vạch hay bất cứ thứ gì. Để đảm bảo an toàn cho người chơi, sân bãi phải sạch, không mấp mô, lổn nhổn đá, sỏi, cây que, phải kiểm tra thật kỹ để tránh xảy ra những điều đáng tiếc. Mỗi một keo chỉ có hai đối thủ. Nếu là giải lớn đông người tham gia sẽ tổ chức chơi theo kiểu vòng loại. Người thắng được vào sâu trong giải, những người thua sẽ bị loại dần cho đến khi chỉ còn hai đối thủ cuối cùng thi đấu giành giải nhất. Trước khi chơi phải chọn ra một người có vai trò như trọng tài để quan sát trận đấu. Đôi bên đối thủ phải nhất mực nghe theo hiệu lệnh của người này.
Sau khi kiểm tra thấy hai bên không phạm luật bắt boóc, trọng tài lên tiếng hô cho hai đối thủ vào cuộc chơi. Lập tức hai bên siết mạnh cánh tay vào sườn hông đối thủ, chân đưa ra bằng vai, toàn thân xuống tấn, gồng mình, lên cơ lưng, đầu áp đẩy má đối phương và làm các thao tác để quật ngã đối thủ. Ai bị ngã xuống đất thậm chí có thể bị quật buông (tiếng Mường gọi là quay buông) xuống đất là thua.
Mỗi một trận vật Mường thường diễn ra từ 3 - 5 hiệp hay còn gọi là "keo”. Dân gian Mường có câu: "Ba keo mèo mở mắt”, ý lấy keo vật Mường ngầm nhắc nhở một ai đó cứ thử xem, chỉ ba keo là anh sẽ biết khả năng của tôi. Luật chơi mang tính quá bán, chơi ba keo ai được hai là thắng, chơi 5 keo người thắng cuộc phải thắng ít nhất ba keo. Có hai trường hợp như sau thì được coi là hoà nhau. Thứ nhất sau quá trình vật đấu căng thẳng, không bên nào quật ngã đối thủ đến mức cả hai cùng thấy mệt, cùng bàn thôi, keo đó coi như hoà, không ai thắng được ai. Thứ hai là cả hai cùng bị ngã xiên đổ lao nghiêng tay buông nhau ra hoặc ngã nghiêng rơi xuống đất không bị lấm lưng (người Mường gọi là "khấp điểng”), hai trường hợp này đều là hòa.
Luật chơi vật Mường đơn giản, cách chơi áp sát khó để nảy sinh các cơ hội xấu chơi, gian lận. Những đặc tính, sự quyết liệt trong giao đấu buộc đôi bên đối thủ phải chơi toàn tâm, hết mình, trổ hết các món nghề, dốc sức ra mới mong giành được chiến thắng. Các yếu tố đó đã triệt tiêu sự cay cú, bên thua tâm phục, khẩu phục bên thắng, bên thắng khiêm tốn, mềm mỏng tôn trọng bên thua. Đây cũng là một nét đặc sắc của trò vật Mường.
Nét đẹp văn hóa cần lưu giữ
Những năm qua, huyện Lạc Sơn đã làm tốt việc gìn giữ và phát huy văn hóa lịch sử dân tộc, trong đó đưa môn vật Mường trở thành 1 trong 10 môn thi đấu chính thức tại Đại hội TD-TT huyện được tổ chức vào cuối năm 2017.
Về xã Liên Vũ trong những ngày cuối năm, chúng tôi gặp vận động viên Bùi Văn Hội, trú tại xóm Chiềng, người đoạt danh hiệu vô địch môn vật dân tộc hạng cân 63 - 68kg. ông Hội cho biết: Lúc nhỏ, mỗi lần trống vật nổi lên là trong lòng tôi lại rạo rực. Từ đam mê đến hành động, những lúc đi chăn trâu, bò rảnh rỗi, tôi lại rủ bạn cùng tập luyện, truyền cho nhau từng thế vật, miếng vật... Chiến thắng đối thủ nhờ miếng đánh kỹ thuật của mình, thường mỗi người đều có cho mình vài miếng đánh bí mật riêng. Mẹo của vật Mường là phải biết cách dạng chân, đứng sao cho chắc để làm trụ. Khi đối thủ chuẩn bị ngoắc chân sẽ không bị ngã. Chính những sới vật làng đã tạo cho các vận động viên tăng thêm cơ hội để cọ sát, học hỏi. Bản lĩnh và khéo léo, đó là những phẩm chất nổi bật của mỗi đô vật.
Xã Liên Vũ - một trong những cái nôi của môn vật Mường. Từ xưa đến nay, hầu như trong những hội lớn của xã đều không thể thiếu môn thể thao này. Các vận động viên kỳ cựu của xã phải kể đến các lão làng như: Bùi Văn Điền, Bùi Văn Nhòi ở xóm Phôi; Bùi Văn Khèo, xóm Cháy… Hay các vận động viên đoạt thành tích cao trong kỳ Đại hội TD-TT huyện như: Bùi Văn Hội, xóm Chiềng; Bùi Văn Hợi, Bùi Văn Tú, xóm Beo; Bùi Văn Nhùng, Bùi Văn Khúng, xóm Cả…
Để tiếp tục duy trì môn vật Mường trong thời gian tới, đồng chí Bùi Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Vũ chia sẻ: Với sự phong phú về miếng đánh, lối đánh, vật Mường không chỉ là môn chơi đầu xuân mà còn là cơ hội để rèn luyện sức khỏe, bao gồm nhiều tố chất như sức mạnh, sức bền, sự khéo léo… Chúng tôi thường xuyên khuyến khích, truyền lửa cho thế hệ trẻ tập luyện môn thể thao này. Vừa giúp rèn luyện, phát triển nhân cách sống, vừa gìn giữ và lưu truyền văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, tạo được sân chơi đã khó, cái khó hơn là duy trì được hoạt động thường xuyên và lâu dài. Chúng tôi sẽ cố gắng để gìn giữ và xây dựng ngày càng phát triển, thúc đẩy phong trào tập luyện TD-TT, góp phần làm giàu thêm bản sắc vốn có của những lễ hội quê hương.
Đồng Hương