Trong bảng xếp hạng thế giới ở nội dung đơn nam, dù chỉ xếp hạng 50 thế giới, nhưng tay vợt Nguyễn Tiến Minh lại đang có điểm tích lũy dự Olympic Tokyo khá cao (23.045 điểm) và an toàn ở vị trí thứ 28 trên tổng số 40 tay vợt đủ chuẩn tham dự Olympic. Nếu không có thêm giải đấu nào cho tới khi Liên đoàn Cầu lông thế giới chốt danh sách vận động viên đủ chuẩn dự Olympic Tokyo, thì tay vợt Nguyễn Tiến Minh gần như cầm chắc tấm vé tham dự. Anh cũng là vận động viên Việt Nam đầu tiên lập kỷ lục 4 lần liên tiếp tham dự Thế vận hội. Hiện tại, tay vợt Nguyễn Tiến Minh đang là tuyển thủ duy nhất của Việt Nam tham dự liên tiếp 3 kỳ Olympic vào các năm 2008, 2012 và 2016.
Để có được thành tích trên và giữ vững vị trí tay vợt số 1 của Việt Nam, ít ai biết Nguyễn Tiến Minh đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trong tập luyện, thi đấu. Tổng Thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Thanh Hà chia sẻ, tay vợt Nguyễn Tiến Minh là trường hợp đặc biệt và là một tấm gương vượt khó của cầu lông Việt Nam. Xuất phát từ một vận động viên phong trào, không được đào tạo bài bản, thể hình, thể lực hạn chế, nhưng với niềm đam mê, ý chí cao và tinh thần vượt khó trong suốt thời gian dài, Nguyễn Tiến Minh đã tạo nên bước đột phá thần kỳ để gia nhập nhóm tay vợt hàng đầu thế giới.
Là tay vợt số 1 của Việt Nam, nhưng Nguyễn Tiến Minh phải chấp nhận cảnh "tập chay” không giáo án chuyên biệt trong rất nhiều năm. Một trong những lý do, đó là không có huấn luyện viên trong nước nào đủ tầm để chỉ đạo chuyên môn cho anh và vấn đề kinh phí. Để giữ vị trí trên bảng tổng sắp thế giới, mỗi năm tay vợt Nguyễn Tiến Minh phải xuất ngoại, thi đấu khoảng 15 giải lớn, nhỏ. Những lần đi thi đấu đó, hầu như anh đi một mình, chủ yếu bằng kinh phí cá nhân, một phần nhờ vào nguồn của các nhà tài trợ và ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Chính vì vậy, khi Olympic bị hoãn lại một năm trở thành nỗi lo với tay vợt sinh năm 1983 này. Vì với một vận động viên trẻ, việc tính điểm rơi phong độ cũng là bài toán khó, thì với một "lão tướng" 37 tuổi như Nguyễn Tiến Minh, không thể biết được một năm sau sẽ như thế nào. Ngoài ra, anh phải tự thân vận động, tìm thêm sự "tiếp sức” từ các nhà tài trợ để duy trì cảm giác thi đấu.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tay vợt Nguyễn Tiến Minh và vợ - tay vợt Nguyễn Thị Trang vẫn phải tự tập luyện tại nhà để giữ vững thể lực. "Tuy có khó khăn, song trong những ngày cả nước đồng lòng chống dịch Covid-19 này, tôi may mắn hơn khi có vợ bên cạnh. Có một "quân xanh” tốt như Nguyễn Thị Trang (tay vợt số 2 của cầu lông nữ Việt Nam), hai vợ chồng tôi sẽ thuận lợi gấp đôi trong việc rèn luyện chuyên môn”, tay vợt Nguyễn Tiến Minh cho biết.
Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với ý chí vượt khó đã được thể hiện trong nhiều năm qua, hy vọng tay vợt Nguyễn Tiến Minh sẽ có một cái kết viên mãn trong sự nghiệp của mình.