(HBĐT) - Trong những năm qua, phong trào thể dục thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Thực hiện Chương trình hành động số 12-CTr/TU, ngày 24/10/2012 của BTV Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”, đến nay, công tác TDTT của tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Phong trào thể thao quần chúng ở cơ sở phát triển rộng khắp, nâng cao cả về số lượng, chất lượng. Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được mở rộng, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Công tác giáo dục thể chất theo chương trình nội khóa và phát triển các hoạt động thể thao ngoại khóa trong trường học được quan tâm. Phong trào TDTT trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, LLVT ngày càng phát triển, mở rộng về quy mô. Việc tổ chức các hoạt động thể thao trong LLVT đã trở thành thường xuyên, đi vào nề nếp, bảo đảm cho cán bộ, chiến sỹ có thể lực tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương…
Đến năm 2020, toàn tỉnh có số hộ gia đình thể thao đạt 25,4%; số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 33,4%; có 815 câu lạc bộ ở các bộ môn: Bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, quần vợt, golf, xe đạp, võ thuật… và đã thành lập được Liên đoàn Quần vợt và Liên đoàn Karatedo. Hàng năm, tổ chức 13 - 15 giải thể thao cấp tỉnh, phối hợp tổ chức 2 - 3 giải thể thao khu vực và toàn quốc. Phong trào thể thao quần chúng phát triển là nền tảng góp phần đưa thành tích thể thao của tỉnh tại các giải thể thao khu vực, toàn quốc được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là các môn thể thao dân tộc truyền thống như bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy.
Việc triển khai quy hoạch, bố trí đất và xây dựng công trình TDTT; củng cố, tăng cường hệ thống thiết chế về TDTT phục vụ hoạt động TDTT quần chúng được quan tâm thực hiện. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh đã thúc đẩy phong trào thể thao phát triển cả về số lượng, chất lượng. Hiện, toàn tỉnh có 13 sân vận động, 44 nhà tập luyện thi đấu thể thao đa năng, 53 bể bơi, 230 sân bóng đá mini, 1.402 sân bóng chuyền, 399 sân cầu lông, 51 sân quần vợt.
Ngoài ra, thể thao thành tích cao từng bước phát triển, tiếp cận và đạt được những thành tích tại giải thi đấu trong nước và khu vực. Hòa Bình đã có vận động viên (VĐV) được phong VĐV cấp I, kiện tướng cấp quốc gia, nhiều VĐV được triệu tập vào đội tuyển xe đạp quốc gia. Ngành VH-TT&DL tập trung chỉ đạo đầu tư, phát triển nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện 7 lớp năng khiếu thể thao, gồm các môn: Xe đạp, pencak silat, cử tạ, điền kinh, boxing, karate, taekwondo, với gần 100 học sinh. Trong giai đoạn 2012 - 2020, ký hợp đồng với 45 lượt VĐV thể thao thành tích cao tập huấn và thi đấu cho đội tuyển của tỉnh, trong đó có 9 lượt VĐV đội tuyển trẻ tỉnh, 36 lượt VĐV đội tuyển tỉnh… Năm 2020, tổ chức huấn luyện các đoàn VĐV tỉnh tham gia thi đấu 14 giải thể thao khu vực và toàn quốc, kết quả đoạt 31 huy chương (11 huy chương vàng, 6 huy chương bạc, 14 huy chương đồng); có 4 VĐV đạt kiện tướng và 6 VĐV cấp I quốc gia; có 5 VĐV được triệu tập vào đội tuyển trẻ, đội tuyển xe đạp quốc gia.
Những kết quả đạt được từ phong trào thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao của tỉnh đã góp phần khẳng định sự đầu tư đúng đắn của tỉnh cho các hoạt động phát triển TDTT tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển TDTT mang tính đột phá, bền vững, từng bước cải thiện vị trí thể thao của tỉnh, phấn đấu đưa thể thao Hòa Bình trở thành một trong những tỉnh có phong trào TDTT phát triển trong khu vực.
Đỗ Hà