Đoàn Thể thao Việt Nam có 18 VĐV thi đấu 11 môn thể thao tại Olympic Tokyo 2020 thì sáu môn sử dụng HLV người nước ngoài, bao gồm: điền kinh, bắn cung, Taekwondo, bơi lội, đua thuyền rowing (râu-inh), bắn súng. Trong thành tích đội tuyển bắn súng thi đấu thành công tại kỳ Olympic năm 2016 ở Brazil (Bra-xin) giành một Huy chương vàng, một Huy chương bạc nhờ kết quả thi đấu của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, dư luận không chỉ ngợi ca Xuân Vinh và HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung mà có cả vị chuyên gia người Hàn Quốc Park Chung Gun, người đã góp công không nhỏ trong huấn luyện, giúp đội súng ngắn nam thay đổi chuyên môn rõ nét. Tại Olympic Tokyo 2020, ông lại tiếp tục đồng hành cùng Hoàng Xuân Vinh tập luyện trong thời gian dài trước khi lên đường sang Nhật Bản. Cũng giống như môn bắn súng, đội điền kinh chỉ để chuyên gia Vladimir Simeonov (V.Xi-mô-nốp) của Bulgaria (Bun-ga-ri) dự Olympic Tokyo 2020 cùng VĐV Quách Thị Lan bởi hai thầy trò đã làm việc cùng nhau hơn sáu năm qua. Trong khi đó, đội tuyển Taekwondo có chuyên gia Kim Kil Tae (Kim Kin Tê) của Hàn Quốc hướng dẫn và chỉ đạo nữ võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền tại Tokyo (Tô-ki-ô) năm nay. Ông Kim Kil Tae đã huấn luyện cho VĐV Trương Thị Kim Tuyền suốt giai đoạn chuẩn bị rồi tham dự thi đấu ở vòng loại và giành suất chính thức dự Thế vận hội cũng như trong các chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế dài ngày trong năm 2021. Theo chuyên viên phụ trách bộ môn điền kinh của Tổng cục Thể dục - Thể thao Dương Đức Thủy, sở dĩ có sự lựa chọn người huấn luyện như trên là do phải dựa vào yếu tố chuyên môn và tính khả thi về năng lực của VĐV. Nếu không phù hợp, ban huấn luyện không thể ép VĐV phải theo HLV được và có thể xảy ra sự bất hợp tác.
Sau nhiều năm dự Olympic do HLV trong nước chỉ đạo, kỳ Thế vận hội lần này không có "thầy nội" đi cùng đội tuyển bơi Việt Nam sang Nhật Bản và thay vào đó chỉ đăng ký duy nhất chuyên gia người Trung Quốc Huang Guo Hui làm HLV chuyên môn cho hai VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên và Nguyễn Huy Hoàng. Vị HLV này rất ít xuất hiện trước báo chí và giới truyền thông Việt Nam, nhưng đã gắn bó chuyên môn với bơi lội Việt Nam rất nhiều năm, đồng thời từng huấn luyện nhiều lứa tuyển thủ. Từ năm 2003, ông đã tham gia huấn luyện cựu tuyển thủ Nguyễn Hữu Việt và là một trong những người giúp VĐV này đạt nhiều thành tích. HLV Huang Guo Hui cũng trực tiếp huấn luyện tuyển thủ Nguyễn Huy Hoàng và hai thầy trò gắn bó cùng nhau hơn 5 năm qua. Sự thăng tiến chuyên môn của Huy Hoàng với Huy chương vàng SEA Games 30, Huy chương bạc ASIAD 2019 chính là sự khẳng định về năng lực của chuyên gia. Nói về người thầy của mình, cựu tuyển thủ Nguyễn Hữu Việt đã chia sẻ: "Thầy Huang Guo Hui là người rất mát tay huấn luyện với nhiều VĐV, trong đó có tôi. Thầy là người kỷ luật ở chuyên môn và am hiểu kỹ thuật, chiến thuật thi đấu để chỉ đạo VĐV đạt được thông số tốt nhất khi thi đấu".
Đánh giá cao về các chuyên gia nước ngoài, nhưng vai trò và năng lực của các chuyên gia trong nước cũng không hề thua kém. Thể thao Việt Nam không thiếu HLV nội có chuyên môn, đủ sức giúp học trò tranh hạng cao tại Olympic mà HLV cử tạ Huỳnh Hữu Chí là một thí dụ. Ông đã dự Olympic năm 2016 ở Brazil, Olympic Tokyo 2020 là kỳ thứ hai góp mặt cho thấy thể thao Việt Nam vẫn đặt niềm tin vào các HLV người Việt. Cả một đời làm công tác chuyên môn cử tạ và dìu dắt, huấn luyện trực tiếp VĐV Thạch Kim Tuấn từ con số không đến như bây giờ, nhưng HLV Huỳnh Hữu Chí vẫn cho rằng nỗ lực, bản lĩnh của VĐV mới là yếu tố quyết định và ông rất chú tâm đến điều này. Ông cho biết: "Thành công trên sàn đấu của cử tạ chỉ là tích tắc. Các đối thủ dự Olympic Tokyo đều mạnh và qua bài học thất bại vừa qua của Kim Tuấn tại Olympic mới thấy các VĐV nước ta cần cẩn trọng trong chiến thuật để đạt khối lượng tạ tổng cử tốt nhất".
TheoNhanDan