Người dân thi hát đối tại lễ hội chùa Kè, xã Phú Vinh (Tân Lạc).
Đến nay, các trò chơi, trò diễn dân gian như: đánh mảng, cướp cờ, bịt mắt đánh trống, đi cà kheo, đánh đu, cầu bập bênh, ném còn, buôn chó được người dân địa phương duy trì trong các lễ hội truyền thống, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân.
"Đến hẹn lại lên”, vào những ngày đầu Xuân năm mới, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là một trong những lễ hội lớn của huyện, tỉnh mang đậm nét văn hóa truyền thống với phần lễ và phần hội đặc sắc, có từ lâu đời và ngày càng được du khách biết đến, yêu thích. Bên cạnh phần lễ là phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú như: Thi trình diễn trang phục dân tộc Mường; trưng bày trại văn hóa, ẩm thực; thi đấu các môn thể thao dân tộc (bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy) và tranh cúp bóng chuyền; thi đan lát truyền thống (đan lồng gà, đan rọ đựng trứng); hát đối. Cùng các hoạt động trình diễn gồm: Trình diễn bản âm, xéc bùa, nghề dệt thổ cẩm dân tộc, làm bánh, cơm lam và các trò chơi dân gian…
Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: "Hiện nay, trong xu thế hội nhập, vì sự ảnh hưởng của nhiều trào lưu văn hoá mới, các trò chơi dân gian truyền thống đang có nguy cơ mai một,thay thế vào đó là các trò chơi hiện đại. Việc phục dựng các trò chơi trong ngày lễ, hội của dân tộc Mường là dịp làm sống lại các trò chơi dân gian truyền thống nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát huy trong cộng đồng. Mỗi trò chơi, mỗi hoạt động văn nghệ, thể thao đều thu hút được đông đảo người dân đến với lễ hội, tạo không khí sôi động, náo nhiệt của ngày hội”.
Các môn đẩy gậy, kéo co không chỉ được tổ chức tại dịp lễ hội đầu Xuân, ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc toàn huyện mà còn là hoạt động thể thao khá phổ biến trên địa bàn. Sự phát triển mạnh môn đẩy gậy, kéo co đã đem đến sức hút, sự hấp dẫn với du khách thập phương khi tham dự các lễ hội, sự kiện văn hóa - thể thao do huyện tổ chức. Ngoài phần tranh tài giữa các đội đẩy gậy, kéo co của các xã, thị trấn, huyện còn bố trí phần thi đấu giao lưu dành cho du khách.
Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết thêm: "Cùng với các trò chơi, trò diễn dân gian, môn thể thao truyền thống, hoạt động giao lưu, thi đấu bóng chuyền cũng là nội dung ngày càng tạo ra sự hấp dẫn tại các lễ hội của địa phương. Đến nay, 100% xã, thị trấn đều có đội bóng chuyền nam, nữ, đội văn nghệ, câu lạc bộ hát đối thường xuyên tham gia giao lưu, thi đấu tại các lễ hội, liên hoan, hội thi và giải cấp huyện. Ở cấp xã, hầu hết các xóm, khu dân cư có đội bóng chuyền, sân bóng chuyền để duy trì hoạt động thể dục thể thao hàng ngày, cũng như tổ chức giải thi đấu gắn liền với các lễ hội truyền thống, sự kiện lớn của địa phương”.
Có thể nói, việc bảo tồn, phát triển các trò chơi, trò diễn dân gian đã góp phần tạo nên sức hút, sự hấp dẫn của các lễ hội truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Để làm được điều đó, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương trong việc bảo tồn, phục dựng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; tạo môi trường hoạt động lành mạnh để các trò chơi, trò diễn dân gian "có đất” phô diễn, có điều kiện để phát huy. Đồng thời, cần có sự phối hợp với các nhà nghiên cứu để khôi phục, bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa xưa... từ các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội truyền thống.
Mai Chinh
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Tân Lạc)