Sân vận động Soccer City, nơi diễn ra lễ khai mạc cúp bóng đá thế giới 2010
Sau nhiều năm vượt qua khó khăn, nỗ lực chuẩn bị, Nam Phi đã sẵn sàng cho ngày khai cuộc Vòng chung kết Cúp vô địch bóng đá Thế giới 2010 (World Cup 2010) sẽ diễn ra từ tối nay 11-6, đến hết ngày 10-7. Lần đầu tiên, một quốc gia của châu Phi đã vinh dự được đăng cai tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Toàn thể nhân dân nước chủ nhà nói riêng và châu Phi nói chung cùng hàng tỷ người trên thế giới đang háo hức đón chào sự kiện thể thao trọng đại này.
Nỗ lực và vinh dự của nước chủ nhà
Là một quốc gia đa chủng tộc, đa dạng sắc mầu văn hóa và ngôn ngữ, đất nước Nam Phi đang có những bước tiến đáng kể trên con đường phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Cũng như nhiều người dân châu Phi khác, bóng đá đã trở thành niềm đam mê của hàng triệu người dân Nam Phi và việc được chọn làm nơi tổ chức giải bóng đá lớn nhất hành tinh là niềm vinh dự và vui mừng lớn nhất của cả nước, từ các chính khách, Tổng thống đến những người dân bình thường. Ðể được đăng cai và chuẩn bị cho giải đấu này, Nam Phi đã chi ra một khoản tiền không nhỏ trong các chiến dịch vận động và đầu tư xây dựng các sân vận động và hạ tầng cơ sở phục vụ chuẩn bị cho giải trong nhiều năm qua, cùng với việc tăng cường truyền thông, quảng bá và bảo đảm an ninh. Cựu Tổng thống Nam Phi Tha-bô Mơ-bê-ki từng tuyên bố khi còn đương chức: Nam Phi sẽ làm hết sức mình để World Cup 2010 sẽ là World Cup của toàn châu Phi.
Mọi nghi ngại về khả năng tổ chức tốt World Cup 2010 của Nam Phi đã được Chủ tịch FIFA S.Blát-tơ xua tan bằng lời khẳng định : World Cup 2010 sẽ là một kỳ World Cup tốt nhất từ trước đến nay. Từ nhiều tuần qua, các thành phố tổ chức trận đấu đã nhộn nhịp hơn với đủ các sắc mầu biểu tượng của World Cup 2010 và của quốc kỳ 32 đội bóng tham dự vòng chung kết. Hiện tại, các sân vận động chính cùng sân Soccer Cyti với sức chứa hơn 90 nghìn người - là nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc và bế mạc, đã hoàn chỉnh toàn bộ công tác chuẩn bị, đồng thời được trang hoàng lộng lẫy, chờ đón giờ phút trái bóng Jabunali bắt đầu lăn. Ðể bảo đảm an ninh cho các đội bóng cùng hàng trăm nghìn cổ động viên, du khách tham dự World Cup 2010, nước chủ nhà đã huy động khoảng 15 nghìn tình nguyện viên của quân đội và hơn 44 nghìn nhân viên an ninh túc trực trên đường phố, các địa điểm thi đấu, công cộng; đồng thời còn sử dụng khoảng hơn 1.000 xe buýt cỡ lớn, 800 xe buýt cỡ nhỏ cùng 500 toa tàu và nhiều phương tiện vận chuyển để phục vụ việc đi lại cho các cổ động viên, du khách đi lại trong một tháng diễn ra giải đấu. Ngoài những nhận xét tốt đẹp về công tác tổ chức giải của nước chủ nhà, Chủ tịch FIFA Blát-tơ cũng hy vọng rằng, World Cup 2010 tại Nam Phi sẽ là một sự kiện mang đậm tính nhân văn về tình đoàn kết giữa các dân tộc, tuyên truyền giúp đỡ châu Phi chống nghèo đói và bệnh tật.
Ðiểm mặt các anh tài
Tham gia World Cup 2010 với những mục tiêu và tham vọng khác nhau, 32 đội tuyển quốc gia cùng chung một quyết tâm đua tranh để giành thành tích cao nhất với thực lực của chính mình. Với các đội bóng của "lục địa đen", đây cũng chính là cơ hội để các đội bóng châu Phi cải thiện thành tích của mình (thành tích tốt nhất của các đội bóng châu Phi ở các kỳ World Cup trước chỉ là lọt vào vòng tứ kết). Niềm hy vọng lớn nhất của các đội bóng châu Phi là đội tuyển Bờ Biển Ngà. Với nhiều cầu thủ đang chơi bóng ở các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu như: Ê-bu-ê, K.Tu-rê, E.Cô-nê, đặc biệt là cặp tiền đạo đang chơi cho CLB Chen-xi của Anh là D.Ðrốp-ba và S.Ka-lu, đội tuyển Bờ Biển Ngà hoàn toàn có thể đánh bại bất cứ đội tuyển nào. Kế đến là đội tuyển chủ nhà Nam Phi có thể vào sâu do có lợi thế sân nhà và sự cổ vũ cuồng nhiệt của lực lượng cổ động viên nhà đông đảo. Các cầu thủ châu Phi nhìn chung có trình độ kỹ thuật tốt, sức khỏe hơn người, nhưng còn thiếu độ tinh quái ở những tình huống mang tính quyết định. Tuy nhiên, bóng đá châu Phi luôn luôn mang lại những nét tươi mới cho các vòng chung kết.
Ðể tìm ra những "ứng cử viên" nặng ký cho chức vô địch, trước hết không thể không nhắc đến những đội bóng giàu truyền thống của châu Âu và Nam Mỹ. Với danh hiệu vô địch châu Âu năm 2008 và những ngôi sao đang ở đỉnh cao phong độ, đội tuyển Tây Ban Nha được đánh giá cao nhất và khiến nhiều đội phải e ngại. Sức mạnh của đội tuyển Tây Ban Nha nằm ở hàng tiền vệ và tiền đạo với sức xuyên phá của những đôi chân tài năng: Xa-vi, I-ni-e-xta, A-lông-xô, Pha-bri-gát, Vi-la, Tô-rét... Lối chơi vừa đẹp mắt, vừa hiệu quả của các cầu thủ Tây Ban Nha hiện chưa có đội bóng nào sánh kịp, kể cả những "vũ công sam-ba" Bra-xin. Ðã đứng trên đỉnh cao châu Âu, các cầu thủ Tây Ban Nha đang khao khát và hoàn toàn có đủ bản lĩnh để lần đầu tiên lên đỉnh thế giới. "Ứng cử viên" truyền thống của World Cup đang tràn đầy tham vọng lần thứ sáu đoạt cúp.
HLV C.Ðun-ga vốn là cầu thủ chơi không hoa mỹ và rất rắn, chắc chắn sẽ chỉ đạo học trò của mình thực hiện lối đá hiệu quả và thực dụng. Ðiều này đã được chính các cầu thủ Bra-xin thừa nhận trước khi bước vào giải. Có lẽ bởi thế mà Rô-nan-đi-nhô không được triệu vào đội tuyển vì lối đá ngẫu hứng, tuy rất kỹ thuật nhưng lại kém trong những pha tranh chấp và tham gia phòng ngự. Ðủ mặt những tài năng như Ka-ka, Pha-bi-a-nô, Xin-va, Rô-bin-nhô, Lu-xi-ô... đội Bra-xin mạnh đồng đều ở các tuyến và có khả năng lại một lần nữa khiến phần còn lại của bóng đá thế giới phải thất vọng.
"Ứng cử viên" số ba là đội tuyển Anh dưới sự dẫn dắt của HLV Ca-pen-lô, người I-ta-li-a, đã thay đổi được bộ mặt rệu rã sau những thất bại ở đấu trường châu Âu và thế giới. Không thiếu tài năng với dàn "sao": Te-ri, A. Câu, F. Lam-pát, S. Giê-ra, G. Ba-ri và đặc biệt là W. Ru-ni... và tạo được phong cách chơi bóng hào hoa, đội tuyển Anh được nhiều người hâm mộ, nhưng họ còn thiếu một chút bản lĩnh và may mắn để thành công và vì thế 44 năm qua vẫn chưa một lần vô địch. Trong khi đó, đội tuyển Ác-hen-ti-na luôn luôn được nhìn nhận trong nhóm đầu thế giới với đội hình cầu thủ "sao" và một vị HLV nhiều cá tính Ma-ra-đô-na, sẽ khiến nhiều đội bóng phải kiêng dè ở World Cup kỳ này. Không kém bất cứ đội tuyển hàng đầu nào bởi có những cầu thủ mà bất cứ HLV nào cũng muốn như: Ma-xi, Ma-xche-ra-nô, A-gu-ê-rô, Tê-vét, Hi-gua-in và "siêu sao" L. Mét-xi, dù phải sang Nam Phi với tư cách là đội xếp thứ tư khu vực Nam Mỹ, nhưng Ác-hen-ti-na lại là đội bóng khó lường nhất. Ngoài khả năng kỹ thuật vượt trội, các cầu thủ Ác-hen-ti-na còn rất giỏi những ngón tiểu xảo như chính HLV của họ. Nếu Ác-hen-ti-na lọt vào tốp bốn đội mạnh nhất, thậm chí giành chức vô địch thì cũng không ai ngạc nhiên.
Sang Nam Phi để bảo vệ danh hiệu vô địch, nhưng đội tuyển I-ta-li-a không được đánh giá cao nhất. Lịch sử bóng đá I-ta-li-a cho thấy, đội tuyển của họ thành công ở những giải đấu lớn là do chiến thuật thi đấu hợp lý, hiệu quả và dàn cầu thủ giàu kinh nghiệm của mình. Không bao giờ HLV đội tuyển I-ta-li-a sử dụng những cầu thủ dù giỏi nhưng thiếu kinh nghiệm và đó cũng là lý do tại sao lần này ông Líp-pi đưa sang Nam Phi những cầu thủ có tuổi trung bình vào loại cao nhất giải! Không thật sự có "ngôi sao" nổi bật, theo nhiều chuyên gia, việc bảo vệ thành công ngôi vô địch của đội I-ta-li-a là khá khó khăn. Sau đội tuyển này là đội tuyển Hà Lan xưa nay nổi tiếng bởi lối chơi bóng tiến công tổng lực làm say mê khán giả. Tuy nhiên, với hai lần để Cúp vàng tuột khỏi tay (năm 1974 và 1978), bóng đá Hà Lan dường như không có duyên với chức vô địch thế giới và là đội bóng có lối đá không thật sự ổn định. Bên cạnh đó, những "cỗ xe tăng Ðức" dù thiếu vắng đội trưởng M.Ba-lắc do bị chấn thương, nhưng vẫn có đội hình đồng đều ở các tuyến và được xếp vào nhóm những đội mạnh nhất.Với tinh thần thép truyền thống, các cầu thủ Ðức có thể lọt vào bán kết. Một dấu hỏi lớn đặt ra ở giải đấu lần này là đội tuyển Pháp. Mặc dù là á quân thế giới năm 2006, nhưng họ lại phải đến Nam Phi bằng "cửa sau" thiếu thuyết phục. Thi đấu không thành công qua một số trận giao hữu trước thềm World Cup, nhưng thật khó lường về đội Pháp bởi đó có thể lại là chiến thuật của ban huấn luyện "Gà trống Gô-loa" chăng? Ngoài những "ứng cử viên" nêu trên, mặc dù không được đánh giá cao, các đội bóng đến từ châu Á vẫn là yếu tố gây ảnh hưởng đến trật tự của mỗi bảng mà họ có mặt. Tiêu biểu nhất cho các đội bóng châu Á là đội tuyển Hàn Quốc, bảy lần liên tiếp có mặt ở vòng chung kết. Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a là hai đội bóng có thể gây bất ngờ. Liệu bước đường của các "ứng cử viên vô địch" có thuận lợi không sẽ được biết qua những "bữa tiệc" bóng đá mà hàng tỷ người đang háo hức chờ đợi với bao niềm hy vọng đặt vào 32 đội tuyển.
Theo ND
Đức là ĐT duy nhất toàn thắng ở những loạt 11m cân não. Song thủ môn Goycoechea lại là người cản phá thành công sút luân lưu nhất trong lịch sử. Trong khi đó, Nam Mỹ là khu vực duy nhất có số trận thắng hơn hẳn “phần còn lại” của thế giới.
Pele là huyền thoại của bóng đá thế giới với 3 lần vô địch World Cup nhưng các dự đoán của ông lại quá thiếu chính xác. Dưới đây là 5 dự đoán sai lầm nổi tiếng của “Vua bóng đá” tại các kỳ World Cup.
Trước giờ khai mạc World Cup 2010, HLV Mai Đức Chung đánh giá rất cao những đội bóng giàu truyền thống như: Anh, Brazil, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. “Tướng” Chung nhận định bản lĩnh và sức mạnh của người Brazil sẽ thăng hoa trong ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Sau 3 trận thua tại Asian Cup 2010 tại Thành Đô – Trung Quốc, ĐTBĐ nữ VN vẫn giậm chân ở vị trí 32 thế giới theo BXH bóng đá nữ quý 2 của FIFA, tuy nhiên chúng ta đã bị trừ điểm và phải chịu đứng dưới so với Thái Lan, đối thủ lớn nhất tại ĐNA.
Sau thời gian nghỉ giữa mùa, hôm nay (9/6), lượt về giải vô địch bóng đá nữ quốc gia - Cúp Cánh Buồm Đỏ sẽ khởi tranh trên SVĐ Thống Nhất (TP.HCM). Với việc lượt về của giải diễn ra đúng thời điểm World Cup chuẩn bị khai mạc, rõ ràng đây là một thiệt thòi không nhỏ đối với các cô gái Việt Nam.
Một chiến thắng ấn tượng tới 6-0, cùng việc tiền đạo Fernando Torres đã nổ súng ngay ở trận đấu đầu tiên trở lại sau chấn thương, ĐT Tây Ban Nha cho thấy họ đã sẵn sàng hành quân tới Nam Phi với tham vọng chinh phục "giấc mơ vàng" World Cup. Tuy vậy, sẽ là hoàn hảo hơn nếu như trong buổi diễn tập cuối, tiền vệ Iniesta không dính chấn thương.