Thành tích của những VĐV điền kinh như Vũ Thị Hương là điểm sáng hiếm hoi của TTVN ở Asian Games 16.
Ngày 25/1/2011, Hội nghị triển khai công tác năm 2011 của Tổng cục TDTT diễn ra tại Hà Nội. Dưới đây là đôi điều suy nghĩ nhân dịp Hội nghị này.
Cần có cách nhìn chân thực hơn về năm 2010
Khép lại năm 2010, giới truyền thông, báo chí bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu trong năm đều nhận định sự kiện tiêu biểu của thể thao VN (TTVN) là: Đoàn TTVN thất bại tại Asian Games 16 Quảng Châu (Trung Quốc), khi chỉ đứng thứ 24/45 với thành tích 1 HCV, 17 HCB và 15 HCĐ. ĐT bóng đá thất bại ngay tại vòng bán kết AFF Suzuki Cup. Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI với 60 môn và phân môn cả đỉnh cao, phong trào và dân tộc với 897 bộ huy chương, Đại hội có quy mô lớn nhưng bị cho là lạc hậu, thiếu khoa học về cách thức tổ chức kéo dài suốt từ đầu năm đến cuối năm.
Trong khi đó, Bộ VH, TT và DL khi công bố 10 hoạt động, sự kiện tiêu biểu của ngành VH, TT và DL 2010 lại nhận định: sự kiện thứ 7 là Đại hội TDTT các cấp và Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (không bình luận), thứ 8 là tại Asian Games 16 đoàn TTVN giành 33 huy chương (1 HCV, 17 HCB và 15 HCĐ (và bình luận thêm: TTVN đã có huy chương ở các môn trong chương trình Olympic như điền kinh, đua thuyền, vật tự do, bắn súng, taekwondo, trong đó các VĐV điền kinh gây ấn tượng mạnh với 3 HCB, 2 HCĐ).
Đánh giá về Đại hội TDTT toàn quốc, các nhà quản lý lãnh đạo ngành cũng cho rằng Đại hội đã thành công tốt đẹp. Về công tác chuẩn bị lực lượng tham gia Asian Games trong đội ngũ những người quản lý cũng có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược.
Anh em HLV, VĐV, trưởng các bộ môn thể thao, nhiều nhà quản lý chuyên môn buồn lòng vì những nhận định mâu thuẫn; người hâm mộ thể thao chẳng rõ đâu là đúng sai….
Những người làm báo cũng thừa biết: TTVN không chỉ có Asian Games, không chỉ có AFF Suzuki Cup, không chỉ có Đại hội! TTVN còn có cả cuộc vận động rộng lớn "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Cuộc vận động này được gắn liền với việc tổ chức Đại hội TDTT các cấp từ cơ sở xã phường, quận huyện đến tỉnh thành phố và các ngành Công an, Quân đội, Giáo dục đào tạo, TTVN còn thành công ở Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á (Asian Paragames), TTVN còn đạt kết quả tốt ở Olympic trẻ, còn có Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông), Hoàng Thiên (tennis), Lê Quang Liêm (cờ vua) và nhiều huy chương khác ở các giải vô địch thế giới và châu Á. TTVN còn có việc xây dựng các chiến lược phát triển, các đề án, chương trình quốc gia…
Vậy nên, theo tôi, các nhà báo cũng xin rộng lòng, khách quan và nhìn nhận đa chiều. Nhưng điều quan trọng hơn những người làm thể thao nhất là những người lãnh đạo quản lý từ Bộ đến ngành, đến Uỷ ban Olympic cần có thái độ "thực sự cầu thị", bình tĩnh, tỉnh táo, khách quan khi "tự đánh giá" những việc mình đã làm. Được như vậy, sẽ thấy rõ những yếu kém để khắc phục, để tiến lên.
Phải chăng chỉ có thể thao thành tích cao (qua các sự kiện nổi bật trong năm) là không làm hài lòng Chính phủ và đông đảo người hâm mộ? Tại Hội nghị triển khai công tác TDTT năm 2011 vừa diễn ra ở Hà Nội đã khách quan hơn trong việc nhìn nhận đánh giá vấn đề. Báo cáo tổng kết và tham luận đều nhất trí nhận thấy: qua sự kiện này (không thành công ở Asian Games 16) sẽ làm thay đổi nhận thức về chiến lược đầu tư của TTVN trong giai đoạn mới, giai đoạn cần có chính sách đầu tư thật sự trọng điểm với mục tiêu chính là chinh phục những tấm huy chương tại Asian Games và Olympic… Tôi xin thêm: Cần thay đổi cả cách làm thể thao thành tích cao cho phù hợp với quy luật.
Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020
Hội nghị cũng vui mừng và hy vọng vì Chính phủ đã phê duyệt chiến lược. Thế là lần đầu tiên TTVN có chiến lược phát triển. Đây cũng là công sức và tâm huyết nhiều năm tháng xây dựng chiến lược của những người làm thể thao. Đây cũng thể hiện sự quan tâm chỉ đạo tích cực của Chính phủ.
Tinh thần và tư tưởng của chiến lược cũng được thể hiện trong báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ XI "Phát triển mạnh phong trào TDTT đại chúng, tập trung hơn cho phát triển thể thao thành tích cao". Chiến lược chỉ rõ những nội dung chủ yếu về TDTT quần chúng, về giáo dục thể chất trong nhà trường, về TDTT trong lực lượng vũ trang, về thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, về Uỷ ban Olympic Việt Nam và tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao.
Chiến lược đánh giá: Chưa có chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và quản lý trong công tác phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp; công tác chuyển giao một số hoạt động tác nghiệp trong hoạt động thể dục, thể thao cho các tổ chức xã hội còn chậm.
Chiến lược cũng quy định rõ: quy hoạch vùng, ngành trọng điểm tuyển chọn, đào tạo tài năng cho các môn thể thao trọng điểm; phân loại các môn trọng điểm loại I, loại II, loại III… để đầu tư, quy hoạch các trung tâm trọng điểm huấn luyện nâng cao thành tích… và rất nhiều các vấn đề cụ thể khác nữa cũng như các giải pháp thực hiện chiến lược 2011.
Chiến lược cũng xác định năm 2011 TTVN tập trung cho việc tham gia SEA Games ở Indonesia và nâng cao trình độ cho các VĐV ưu tú để vượt qua các cuộc thi vòng loại Olympic London 2012.
Để chuẩn bị cho tương lai, TTVN cần đầu tư thật tốt cho những tài năng trẻ như Thạch Kim Tuấn. Ảnh: B.D |
Ai thực hiện chiến lược?
Điều 3 của Quyết định phê duyệt chiến lược ghi rõ: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định. Đó là Thủ tướng yêu cầu các cấp lãnh đạo thi hành; Bộ VH, TT và DL chủ trì và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, mà trong Bộ thì ngành TDTT - Tổng cục TDTT - là cơ quan chuyên ngành tham mưu cho Bộ và trực tiếp thực hiện. Ai cũng hiểu như vậy. Nhưng có phải chỉ có những người quản lý TDTT ở 36 Trần Phú (trụ sở Tổng cục TDTT – PV) biết và thực hiện chiến lược? Không, cả nước này từ Tổng cục TDTT đến các Sở, các trung tâm, các vùng các miền… đều phải thực hiện. Vậy thì trong năm 2011 ngành TDTT phải nghiên cứu, phải biết, phải xây dựng chưng trình, đề án triển khai thực hiện. Tại Hội nghị ngành TDTT cũng đã dự kiến chương trình công tác năm 2011 và lộ trình từ 2011 - 2015, 2015 - 2020 để thực hiện chiến lược.Đó là tín hiệu tốt lành.
Rất cần một cơ chế mở
Ngành TDTT (cơ quan Uỷ ban TDTT trước đây) trực thuộc Chính phủ nên nếu có gì vướng mắc khó khăn thì trình bày trực tiếp với Chính phủ. Từ năm 2007, Tổng cục TDTT trực thuộc Bộ đa ngành VH, TT, DL và mọi khó khăn vướng mắc thì trình Bộ. Văn bản chương trình công tác năm nào cũng ghi kiến nghị: Kính đề nghị Bộ tăng tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực TDTT. Kính đề nghị Bộ bố trí thêm kinh phí sự nghiệp TDTT, Kính đề nghị Bộ xem xét và cho chủ trương (vì việc này, việc kia…); Kính đề nghị lãnh đạo Bộ chỉ đạo và tổ chức làm việc với… cơ quan này tỉnh kia, Bộ khác v.v…. và v.v… Chủ trương lớn, dự án lớn thì bắt buộc phải thế, nhưng hàng trăm, hàng ngàn việc nhỏ, cũng phải xin, phải trình … việc thì nhiều mà thời gian thì cứ trôi vùn vụt. Những người quản lý lãnh đạo thể thao đang gặp nhiều cái khó: cơ chế, kinh phí, quyền hạn….. Lãnh đạo Bộ, các cơ quan tham mưu của Bộ nhiều người giỏi văn hóa - nghệ thuật, giỏi du lịch, rành lễ hội, rõ bảo tàng di sản… nhưng hiểu thể thao, biết thể thao để "thương" thể thao thì chẳng có mấy ai. Tổng cục TDTT là một cơ quan trực thuộc Bộ nhưng lại là cơ quan đứng đầu một ngành, một ngành đặc thù. Thiết nghĩ, trong lĩnh vực này Bộ cần tiếp tục phân cấp quản lý, tạo cơ chế mở cho ngành TDTT thực hiện nhiệm vụ. Cải cách quản lý hành chính - như Đảng ta đã chỉ rõ - là để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển.
Theo HaNoiMoi
Với thất bại 4-6, 2-6, 3-6 trước Novak Djokovic ở trận chung kết đơn nam Giải Quần vợt Úc mở rộng 2011 vào tối 30-1, Andy Murray lập kỷ lục buồn: Trở thành tay vợt đầu tiên thua cả 3 trận chung kết thuộc hệ thống Grand Slam mà không thắng nổi một ván!
Bị mất người nên phải nhờ đến quả phạt đền cuối trận của Cesc Fabregas, Arsenal mới giành được chiến thắng 2-1 khi tiếp đón Huddersfield tối chủ nhật
Mường tượng được rất nhiều bất trắc khi hành quân đến xứ Navarra, tuy nhiên Real Madrid khiến tất cả phải bất ngờ khi để thua đội chủ nhà Osasuna 0-1. Thầy trò HLV Mourinho đã bị Barca gia tăng khoảng cách lên thành 7 điểm.
Sự xuất sắc của Cesar, sự thăng hoa của tân binh Pazzini cùng một chút may mắn, Inter của HLV Leonardo đã có được cú lội ngược dòng ngoạn mục với chiến thắng chung cuộc 3-2 sau khi đã bất ngờ để Palermo dẫn trước hai bàn ngay trong hiệp một.
Đêm 29-1, trên sân Khalifa (Qatar), Nhật Bản đã lên ngôi vô địch Asian Cup 2011 sau khi họ đánh bại Australia trong trận chung kết kéo dài 120 phút bằng tỷ số tối thiểu 1 - 0.
(HBĐT) - Năm 2010, tâm điểm thể thao của tỉnh ta hướng tới sự thành công của Đại hội TD-TT toàn tỉnh lần thứ IV và chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ VI năm 2010. Điều dễ nhận thấy là kết quả đạt được, phản ánh đúng chất lượng phong trào thể thao của tỉnh cả mảng thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.