Mùa lễ hội, du khách thành tâm hành lễ tại đền Chúa Thác Bờ.
Mồng 4 Tết chồng chị khai xuân chở mấy bà hàng xóm đi lễ chùa bị cậu thanh niên tóc đỏ quạch phóng xe với tốc độ "bàn thờ” tạt vào đuôi xe anh gây tai nạn. Còn chị cũng vì lo lắng cho chồng, cho con mà mất ăn, mất ngủ thành ra bị rối loạn tiền đình phải nhờ bác sỹ đến tiêm truyền mất cả tuần mới lấy lại được thăng bằng.
Với cả chuỗi việc đen đủi xảy ra ngay trong những ngày đầu năm mới khiến chị Khánh hoang mang, lo lắng. Chị không thể tập trung vào việc gì. Nhà có cửa hàng tạp hóa nhưng dịp đầu năm buôn bán thường ế ẩm nên chị đóng cửa để sắm đồ… đi lễ. Chuyến hầu lễ của chị Khánh là chùa Hòa Bình Phật Quang, đền Bờ, hang Miếng rồi đến chùa Tiên (Lạc Thủy), tiện đường chị xuôi tới chùa Hương. Nghỉ ngơi 2 ngày, chị lại cùng nhóm chị em xuôi Hà Nội để hành lễ cầu may mắn, phúc lộc, bình an ở chùa Phúc Khánh, phủ Tây Hồ, chùa Trăm Gian, rồi xuôi Bái Đính… Đến đền, chùa nào chị Khánh cũng tìm "thầy", tìm "cô" xem quẻ để biết vận hạn thế nào, cách xử trí ra sao? Nghe "thầy”, "cô” phán, giải quẻ chị thấy có nhiều cái "xui” cần phải giải trừ.
Về nhà chị quyết phải làm lễ dâng sao, giải hạn. Để thể hiện sự thành tâm, chị Khánh mời hẳn cô đồng về làm lễ tại nhà. Chị nhờ bà cô bên chồng mời được cô đồng khá "thiêng", nhiệt tình và đặc biệt không yêu cầu quá khắt khe về đồ lễ. Cô yêu cầu hơn 20 món, ẩm thực có: xôi, gà, giò, cá chép, trứng, gạo, muối, chè hoa cau, cháo, một mâm cơm đủ món, ngô, khoai luộc, bánh, kẹo, hoa quả, thuốc lá, bia, rượu, nước ngọt, nước trắng; đồ hàng mã: 5 con ngựa 5 màu khác nhau, 1 cây vàng 5 màu, 1 con voi vàng, 1 cây vàng màu vàng; 200 lễ tiền; 200 bộ chúng sinh; 1 tập vãng sinh; mũ Nam Tào, Bắc Đẩu; hình nhân theo giới (nhà có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu hình nhân). Ngoài ra, gia đình có mua thêm quần áo, ti vi, điện thoại để… gửi cho các cụ thì tùy tâm (không bắt buộc). Đồ phóng sinh là: chim, cua, ốc, cá, lươn, trạch tùy sự lựa chọn của gia đình.
Cô đồng yêu cầu là vậy, nhưng để thể hiện cái tâm của mình, chị Khánh cố gắng sắm lễ cho thật "hậu", nhất là đồ ăn uống, vì đằng nào làm lễ cũng mời ông bà, chú bác đến dự. Bỏ ra trên 20 triệu đồng để đi sắm đồ lễ và phục vụ ăn uống của đại gia đình trong lễ giải hạn chị Khánh vẫn cảm thấy thỏa lòng. Tuy nhiên, đến khi làm lễ, "cô" xóc quẻ tới 3 lần mới thuận và xem chân gà "cô" phán: Năm nay trong nhà chị có người phải phẫu thuật; tháng 2, 3, 7, 8… người trong gia đình không nên xuất hành đi xa. Con cái trong gia đình có thể gặp chuyện "bị vạ lây” gây hao tiền, tốn của… chị tần ngần: Vậy để tránh phải làm sao?
Tất nhiên "cô” sẽ xoa dịu: Mình đã giải hạn rồi đừng lo lắng quá. Chỉ cần chú ý hơn thôi "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Dẫu biết vậy nhưng thực tâm chị Khánh vẫn thấy hoang mang vì nỗi: Chồng chị làm nghề lái xe dịch vụ thường xuyên phải xuất hành, còn con trai đi làm xa lại đang lứa tuổi thanh niên quản sao được… nghĩ đến đó lòng chị rối như tơ vò.
Không chất chứa nổi trong lòng chị mới tâm sự cùng chúng tôi, những người hàng xóm, láng giềng vốn không mấy hiểu biết về tâm linh, tín ngưỡng. May thay trong nhóm có chị Liên công tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Nghe chuyện chị đã vận dụng những kiến thức trong phạm vi chuyên môn để góp phần gỡ rối. Chị giải thích liền một mạch: Dân gian xưa có câu: "Phúc bất trùng lai/ Họa vô đơn chí” ý chỉ may mắn không đến nhiều lần, còn những điều xui xẻo thường kéo đến dồn dập. Điều này gây cho ta tâm lý bất an, lo lắng và kiếm tìm nhiều phương cách trong đó có việc dâng sao giải hạn mà chị Khánh vừa làm lễ. Thực tế, dâng sao giải hạn là tập tục có nguồn gốc từ Lão giáo (tức đạo Lão) của người Trung Hoa, được du nhập vào Việt Nam và trở thành một trong những tín ngưỡng dân gian của người Việt. Theo tín ngưỡng, mỗi người sinh ra có một vì sao chiếu mệnh theo từng năm, cụ thể: Trong 9 chòm sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hán, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức đều có sao tốt, sao xấu. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, người đó sẽ gặp vận hạn, còn nếu được sao tốt chiếu mệnh thì sẽ làm lễ đón sao. Vì vậy, mỗi dịp năm mới, đông đảo người dân đến chốn đền, chùa, hoặc mời cô đồng về cúng sao, giải hạn. Đó là mong muốn chính đáng hướng đến một cuộc sống an lành, mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên, cũng cần nghĩ sâu hơn, không cứ bỏ tiền ra là có thể mua được mọi thứ, kể cả "mua thần linh" phù hộ cho mình. Hãy để tâm an và sống luôn hướng thiện mọi xui xẻo, vận hạn sẽ qua. Đừng để lòng tin trở thành sự cuồng tín!
Lam Nguyệt (CTV)