Trái tim và nòng súng.
Tranh sơn dầu của Huỳnh Văn Gấm.
Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại, có một sự kiện đặc biệt là tại triển lãm mỹ thuật đầu tiên được tổ chức ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự lễ khai mạc và phát biểu ý kiến. Ý kiến của Bác Hồ đã được giới mỹ thuật Việt Nam nồng nhiệt đón nhận, vì Người đã giúp các họa sĩ đi từ sự chuyển biến về nhận thức đến hoạt động sáng tạo, bám sát sự nghiệp chiến đấu và xây dựng của dân tộc để sáng tác.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp của Bác Hồ, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc đã có mặt ở Việt Bắc, khu III, khu IV, miền trung, Nam Bộ, tham gia công tác ở các đơn vị báo chí, các đoàn văn hóa kháng chiến, hoạt động trong vùng địch. Trong điều kiện kháng chiến hết sức gian khổ, các họa sĩ đã sống cùng nhân dân và quân đội, làm công tác tuyên truyền, vẽ tranh cổ động, tranh địch vận, ký họa... và tổ chức nhiều triển lãm lưu động phục vụ nhân dân. Tại Triển lãm hội họa năm 1951, chào mừng Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ II tại Việt Bắc, Bác Hồ đã gửi thư cho các họa sĩ. Trong thư, Bác viết: "Văn hóa-văn nghệ cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Thấm nhuần lời dạy của Bác, các họa sĩ đã đi vào thực tế chiến đấu của quân và dân trên khắp các chiến trường, vừa cầm súng vừa ghi chép, ký họa, sáng tác, triển lãm, dạy học, vẽ tranh cổ động tuyên truyền, vẽ tem, vẽ tiền, trang trí và minh họa báo chí, vừa làm công tác vận động quần chúng và tham gia sản xuất... Nhiều họa sĩ đã tham gia quân đội, thật sự là các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật và cũng từ đó, nhiều tác phẩm đã ra đời. Ðó cũng là nơi họ tích lũy vốn sống để tiếp tục sáng tác những tác phẩm lớn sau này.
Hòa bình lập lại ở miền bắc năm 1954, miền bắc bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc từ các chiến khu trở về Thủ đô, cùng với các họa sĩ miền nam tập kết ra bắc và các họa sĩ ở nội thành Hà Nội tạo nên một lực lượng đông đảo tập hợp trong Ban Mỹ thuật của Hội Văn nghệ Việt Nam. Chào mừng Thủ đô Hà Nội được giải phóng, tháng 11-1954, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã tổ chức một cuộc triển lãm mỹ thuật lớn, giới thiệu 594 tác phẩm sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đó là Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955. Sau Hội nghị thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1957, các nghệ sĩ tạo hình đã có nhiều chuyến đi thực tế tại Pác Bó, khu giới tuyến Vĩnh Linh, vùng mỏ Quảng Ninh, Nam Ðịnh...; tổ chức nhiều đợt sáng tác tranh cổ động, tài trợ sáng tác cho những tác phẩm lớn, mở xưởng sáng tác. Nhiều tác phẩm về đề tài kháng chiến chống thực dân Pháp, xây dựng CNXH ở miền bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà đã ra đời, tham gia các triển lãm mỹ thuật toàn quốc các năm 1958, 1960, 1962; triển lãm mỹ thuật các nước XHCN năm 1959... Nhiều tác phẩm thời kỳ này trở thành các tác phẩm xuất sắc như: tranh sơn mài có Xô viết Nghệ-Tĩnh của nhóm tác giả Phạm Văn Ðôn, Nguyễn Sỹ Ngọc, Trần Ðình Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Văn Tỵ, Tát nước đồng chiêm của Trần Văn Cẩn, Kết nạp Ðảng ở Ðiện Biên Phủ của Nguyễn Sáng, Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An, Trái tim và nòng súng của Huỳnh Văn Gấm; tranh sơn khắc Thôn Vĩnh Mốc của Huỳnh Văn Thuận; tranh sơn dầu có Những lời dạy bảo của Mai Văn Hiến, Tiếng đàn bầu của Sĩ Tốt; điêu khắc có Hương sen của Diệp Minh Châu, Chân dung Bác Hồ của Trần Văn Lắm...
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều họa sĩ đã vào chiến trường miền nam, thật sự là những họa sĩ - chiến sĩ. Họ đã có mặt ở khắp các chiến trường, hoạt động trên khắp các lĩnh vực: ký họa, sáng tác tranh cổ động, trang trí khánh tiết, mở lớp dạy vẽ... Các họa sĩ ở miền bắc thay nhau đi chiến trường, tuyến lửa, làm việc trong các cơ sở công nghiệp, văn hóa... để thâm nhập thực tế. Và, hơn 80 họa sĩ đã anh dũng hy sinh ở chiến trường. Nhiều tác phẩm sáng tác trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Dù trong chiến tranh ác liệt, đã có hai triển lãm lớn là Mỹ thuật mùa xuân năm 1967 và 10 năm Ðiêu khắc hiện đại Việt Nam (1964 - 1974); nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc nổi tiếng đã được sáng tác trong thời kỳ này như Thanh niên thành đồng của Nguyễn Sáng, tượng Nguyễn Văn Trỗi của Nguyễn Hải, sơn dầu Nữ dân quân trao đổi kinh nghiệm bắn máy bay của Nguyễn Tiến Chung, sơn khắc Rừng U Minh của Thái Hà... Thực tế cho thấy, sự nỗ lực và thành quả sáng tạo của các nghệ sĩ là một mặt của vấn đề, một mặt nữa không kém quan trọng là vai trò của Ðảng và Nhà nước trong việc quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ nghệ sĩ tạo hình. Số lượng nghệ sĩ được đào tạo qua thực tế sống, chiến đấu từ các lớp vẽ ngắn hạn đến đào tạo chính quy tại các trường mỹ thuật ngày càng đông đảo, có mặt ở mọi miền Tổ quốc. Họ đắm mình vào cuộc sống chiến đấu, lao động để sáng tác và đã cho ra đời nhiều tác phẩm đỉnh cao, ghi dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Ðại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Hội Mỹ thuật Việt Nam mở rộng phạm vi hoạt động của mình, hăng hái sáng tác để đáp ứng nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới, con người mới XHCN. Trong điều kiện hòa bình và với vốn sống qua hai cuộc kháng chiến, cùng với sự lớn mạnh của đội ngũ các nghệ sĩ tạo hình từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau đã làm cho nghệ thuật tạo hình đa dạng trong phong cách biểu hiện, nhiều tác phẩm công phu và có kích thước lớn được sáng tác. Tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ này là: sơn mài có Bác Hồ đi công tác của Dương Bích Liên, Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm, Xây trụ cầu Thăng Long của Lò An Quang...; sơn dầu có Nắng xuân của Quang Thọ, Cù Lao Chàm của Văn Ða, Rời lều cỏ, Bác tiếp tục hành quân của Trọng Kiệm, Chiến lũy của Lê Anh Vân; tranh lụa có Bộ đội về bản của Trần Lưu Hậu, Làng ven núi của Nguyễn Thụ...; điêu khắc có Ðảo tiền tiêu của Tạ Quang Bạo... Mỹ thuật ứng dụng đã có bước phát triển mới về đồ họa, với các tác phẩm như Những cánh diều của Trần Khánh Chương, Nghệ nhân tranh Hàng Trống của Trần Nguyên Ðán, Vua Quang Trung giải phóng Thăng Long của Phạm Văn Ðôn... Nghệ thuật tượng đài đã được Ðảng và Nhà nước quan tâm xây dựng với các tác phẩm: Chiến thắng Sông Lô của Tạ Quang Bạo, Chiến thắng Núi Thành của Lê Công Thành, Tượng Bác ở đảo Cô Tô của Nguyễn Phước Sanh...
Cùng với sự đổi mới của đất nước, các nghệ sĩ tạo hình đã phát huy năng lực sáng tạo của mình để sáng tác, công bố tác phẩm, đưa mỹ thuật Việt Nam bước vào thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ chỗ mỗi năm chỉ tổ chức được vài ba chục cuộc triển lãm, với sự bao cấp của Nhà nước, giờ đây mỗi năm đã có hàng trăm triển lãm trong và ngoài nước được tổ chức. Chưa bao giờ điều kiện sáng tác được mở rộng và đầy đủ như hiện nay, cả về nội dung, phong cách, chất liệu và sự tìm tòi sáng tạo. Ðội ngũ nghệ sĩ tạo hình, bên cạnh thế hệ thứ nhất là các họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, thế hệ thứ hai học tập và trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và 10 năm đầu hòa bình lập lại, thế hệ thứ ba học tập và trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giờ đây đã hình thành thế hệ họa sĩ của thời kỳ đổi mới. Có thể nói mỹ thuật hiện đại Việt Nam trong những năm qua là nền mỹ thuật cách mạng gắn liền với sự nghiệp của Ðảng. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, đội ngũ các nghệ sĩ tạo hình được tập hợp và xây dựng ngày càng lớn mạnh, sáng tác nhiều tác phẩm ghi dấu ấn thời đại; giúp sức vào thắng lợi chung của đất nước, tích cực xây dựng, phát triển nền văn học - nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo Báo Nhandan
Tối 8/2, tại Nhà hát Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra cuộc tranh tài của 5 album trong chương trình Liveshow Album Vàng tháng 2.
"Câu chuyện của Đàm Vĩnh Hưng không phải câu chuyện để Táo quân phải quan tâm", tổng đạo diễn chương trình Táo quân 2010 - Đỗ Thanh Hải, phản hồi.
(HBĐT) - Trong không khí mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2010), hôm nay, ngày 3/2, Hội Nhà báo tỉnh đã tổ chức khai mạc Hội Báo xuân Canh Dần 2010.
Đối với mỗi người dân Việt Nam yêu nước, từng trải, Đảng luôn là một hình tượng thiêng liêng, sự hi sinh cao cả trong lịch sử đấu tranh cách mạng, người mở đường cho sự tiến lên của đất nước.
Những năm gần đây, phim Tết gần như là món ăn đặc sản của người VN trong dịp xuân về. Phim Tết được xem như một nét đẹp văn hóa cần có để mỗi người dân VN, đặc biệt là các bạn trẻ hồi hộp, chờ đợi xem năm nay các nhà làm phim cho họ thưởng thức món ăn tinh thần này như thế nào…
Avatar đã vượt qua Titanic để trở thành bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại nhưng sẽ không bao giờ có cơ hội giành 11 tuợng vàng Oscar như Titanic cách đây 12 năm.