Từng tràng vỗ tay vang lên suốt vở diễn, như lời xác nhận tình cảm của người xem dành cho "Luận anh hùng" (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSƯT Trần Quang Hùng) của Nhà hát Cải lương Hà Nội trong buổi ra mắt tại rạp hát Hồng Hà tối 1/8.
Vở diễn có đề tài lịch sử này là món quà của của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Hà Nội đón chào Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. "Luận anh hùng" là bước tiếp nối thành công của vở "Lễ mở xiêm áo", ghi nhận bước đi vững vàng của Nhà hát Cải lương Hà Nội trên con đường tìm lại khán giả. Đã có không ít vở diễn đi sâu vào giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần, với những đánh giá trái chiều về nhân vật lịch sử Trần Thủ Độ. Có thể đó là chân dung một Trần Thủ Độ mưu mô, độc ác với quan điểm "bất độc bất anh hùng", có thể là một Trần Thủ Độ anh hùng hào sảng, khảng khái, rường cột của nhà Trần trong chống giặc ngoại xâm, nhưng một Trần Thủ Độ mang nặng tâm tư thì phải đợi đến "Luận anh hùng" mới có được. Trong khi hầu hết các vở khác đi sâu vào những mất mát của các nhân vật liên quan trong ván bài chính trị của Trần Thủ Độ, thì "Luận anh hùng" lại rọi vào số phận của chính nhân vật Trần Thủ Độ với biết bao hy sinh, để hiện ra một chân dung Trần Thủ Độ đầy đặn hơn trong những mối quan hệ đa chiều vừa là sự thật lịch sử, vừa là hư cấu của êkip sáng tạo. Suốt từ đầu vở diễn cho đến gần cuối, người xem chỉ thấy một Trần Thủ Độ mưu mô, tính toán và tàn độc đến mức ai cũng căm phẫn: ép vua Lý Huệ Tông tự vẫn, lấn át quyền vua Trần Cảnh, ban lệnh cấm trai gái họ Trần trong vương triều lấy người khác họ. Ông còn lập mưu để Trần Liễu, anh trai vua, phải chịu tội và đem vợ Trần Liễu đang có mang gả cho Trần Cảnh, đồng thời, phế ngôi hoàng hậu của Lý Chiêu Thánh. Ông cũng bố trí giết người đã biết quá nhiều về những âm mưu của ông, khiến con gái nuôi phải tự vẫn khi nhìn ra chân tướng ông. Tưởng như con người Trần Thủ Độ chỉ có sự cứng rắn và duy lý. Nhưng không, sự đau đớn, suy sụp của ông sau cái chết của cô gái nuôi đã cho thấy con người đầy tình cảm và đậm chất nhân bản trong ông. Dưới ánh tàn của cuộc sống, ông đối diện với lương tâm, bộc lộ con người thật của mình.
Một cảnh trong vở "Luận anh hùng".
Suốt cuộc đời Trần Thủ Độ cũng đầy hy sinh, chấp nhận mọi điều tiếng vì đại nghiệp mà mục tiêu cao nhất là sự an nguy của dân tộc. Thời tuổi trẻ, ông phải hy sinh người yêu đầu đời trong sáng, khi làm quan lại đưa ra những quyết định "vô tiền khoáng hậu", mang lại nhiều đau khổ cho những người thân yêu, ruột thịt. Và "Luận anh hùng" lý giải những việc làm đó: Huệ Tông phải chết, vì đã gây cho nhân dân bao lầm than đói khổ, cũng là để trừ hậu họa cho triều Trần. Phải mang vợ Trần Liễu gả cho Trần Cảnh, bởi hơn ai hết, ông nhìn rõ vương triều Lý từng mất vì không có người nối dõi. Để người họ Trần phải lấy nhau, là cách tạo sự trung thành tuyệt đối với vương triều trong bối cảnh còn trứng nước. Đổi lại, ông được gì? Câu hỏi của Trần Thị Dung chính là câu hỏi của nhân gian với ông. Và cuối đời, ông vẫn phải thốt lên "ta cô đơn quá!".
Nhưng đất nước có được cả một vương triều, một vương triều hiển hách với 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi, để hậu thế được tự hào khi với khí phách anh hùng của Trần Thủ Độ, cha ông ta đã không quỳ gối trước giặc xâm lăng. Cách lý giải đời sống nội tâm nhân vật khá nhuyễn, đã khiến cái chết của Trần Thủ Độ trở nên thương xót trong lòng người xem. Đó là thành công của vở diễn. Những mảng miếng rành mạch, logic, không cầu kỳ mà nhiều ý nghĩa của đạo diễn, đã làm bật được ý đồ của vở diễn.
Phải khẳng định rằng, vai diễn Trần Thủ Độ do NSƯT Trần Quang Hùng thủ vai đã rất thuyết phục người xem. Kinh nghiệm và diễn xuất của Trần Quang Hùng đã lột được thần thái của Trần Thủ Độ ngay khi bước ra sân khấu. Sự đằm chín, tinh tế, đi sâu vào tâm lý nhân vật qua từng cử chỉ, ánh mắt của anh đã tải thành công nhân vật Trần Thủ Độ có tâm lý phức tạp, nhiều đất diễn, để cuối cùng, không phải là người xem thở phào nhẹ nhõm trước cái chết của quan Thái sư, mà là cảm thông, thương xót vì đó là người đã luôn đặt vận mệnh dân tộc lên trên hết.
Vai diễn Trần Thị Dung do NSƯT Thanh Hương đảm nhận, đã bổ trợ khá tốt cho vai Trần Thủ Độ. Những giọt nước mắt của chị quả thật đã làm lay động người xem. 2 Nghệ sĩ tài năng trẻ Hoàng Viện và Hồng Nhung từng thành công trong "Lễ mở xiêm áo", cũng tiếp tục khẳng định mình ở vai Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung thời trẻ. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận các vai chính nổi bật so với các vai khác, cho thấy dàn diễn viên chưa đồng đều của nhà hát. Có diễn viên dù giọng ca tốt, nhưng đài từ chưa đẹp, nên không tạo được hiệu ứng tốt với người xem.
Dù sao, cũng có thể nói rằng, "Luận anh hùng" vẫn là một vở diễn có đề tài 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đáng để xem, khi đã tạo được những cảm xúc đẹp với khán giả
Theo CAND
Những ngày hè oi bức, bước chân vào cổng chùa Đống Lim (Long Biên – Hà Nội), khách vãn cảnh chùa lại được nghe những làn điệu chèo do chính sư trụ trì Thích Thanh Phương giảng dạy. Hơn 20 năm nay, sư thầy âm thầm dạy chèo miễn phí cho các em học sinh trước khi các em bước vào kỳ thi khắc nghiệt ở những trường đại học ngành nghệ thuật.
6 suất hát từ 23.7 đến 1.8.2010, tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), với hai vở cải lương kinh điển là Câu thơ yên ngựa và Điều Tam Xuân báo phu cừu, những nghệ sĩ tuồng cổ của đại gia đình Khánh Hồng - Minh Tơ thuở nào đã làm người xem ngỡ ngàng, xúc động...
Ông Đoàn Công Huynh, Trưởng ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu VN khẳng định, vương miện hoa hậu mang theo những giá trị tinh thần và ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn mà không tiền bạc nào đong đếm được.
Ủy ban Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới vào tối 31-7 (tức sáng 1-8 theo giờ Việt Nam), trong phiên họp lần thứ 34 của ủy ban này được tổ chức tại thủ đô Brazil từ ngày 25-7 đến 3- 8.
Sau một kỳ “ngủ đông” dài, sân khấu kịch Hà Nội bỗng trở nên nhộn nhịp với một loạt vở diễn vừa ra mắt trước thềm Đại lễ.
Lễ khai mạc triển lãm, trao giải thưởng cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam đã diễn ra tối 1/8 tại Hà Nội.