Hơn nửa thế kỷ trước, trong một chuyến xuyên Việt, nhà thơ Tản Ðà đã dừng chân ở Bình Ðịnh để xem hát tuồng, và tuồng Bình Ðịnh đã để lại dấu ấn trong thơ ca của ông: "Tuồng Bình Ðịnh, rạp Phú Phong - Nam Ô nước mắm, tỉnh Ðông chè Tàu"...

 

Quanh năm, người quê tôi chăm lo làm ăn, đồng cạn đồng sâu, chợ sớm chợ chiều, nhưng cũng có nhiều dịp để xem hát bội, thưởng thức món ăn tinh thần của họ. Phần lớn các làng có lập đình thờ Thành hoàng và có lệ 'xuân thu nhị kỳ' cúng tế Thành hoàng hằng năm. Có làng, như làng Liêm Lợi lập chùa thờ Bà Mụ linh - tục gọi là Chùa Bà, vì đã đỡ đẻ cứu người, cứu vật. Làng dệt Phương Danh lập chùa thờ Tổ nghề dệt tơ lụa - tục gọi Chùa Kén... Ở các chùa này cũng có lệ cúng tế hằng năm, chẳng khác gì ở các đình. Trong các dịp cúng tế thường kèm theo hát bội. Làng nào sửa chữa, tôn tạo đình làng thì tổ chức hát 'lạc thành'. Sau Tết Nguyên đán và tháng ba có tiết thanh minh là những tháng rộ lên nhiều cuộc hát đình, hát chùa. 'Lịch hát' được kể thành vè cho dễ nhớ: 'Rằm Giêng hát hội Phò An - Ðến ngày mười bảy hát sang chùa Bà - Hai mươi, hăm mốt, hăm ba - Muốn gần Chợ Rượu, muốn xa Cảnh Hàng - Chim kêu trên núi Chà Rang - Em đi xem hát giần sàng mốc meo'.

Những tư gia sinh qúy tử, con cháu thi đỗ, làm quan được thăng quan tiến chức, được sắc phong... cũng thường rước gánh hát về hát tạ ơn, hát mừng và đãi cho bàn dân thiên hạ xem. Năm nào trong vùng cũng có một vài đám hát tư gia. Hát đình, hát tư gia thường từ một đến ba ngày. Các vở tuồng để hát quanh đi quẩn lại: Cổ thành (hát lễ trước hương án) sau đó Sơn hậu thành, Phụng Nghi đình... Lại còn có hát trường nữa. Có trường hát thì có ông chủ trường, chủ rạp. Ông chủ trường hát là người bỏ tiền ra lập trường hát vì mục đích kinh doanh, thường là ông 'bầu hát'. Nhưng cũng có chủ trường hát 'vô tư', lập trường hát vì yêu hát bội hoặc vì yêu say đắm cô đào hát hay, thanh sắc mặn mà. Mỗi đợt hát trường thường kéo dài, có đợt cả tháng, hát đến khi nào hết tuồng, tới hồi 'tôn vương' hoặc  khán giả hết tiền mua vé đi xem mới thôi.

Lại nhớ chuyện là năm đó, làng Trung Ðịnh hát Tế Thu, tống ôn năm cũ. Mới bắt đầu hát thì trời đổ mưa. Hát ba ngày ba đêm, trời vẫn mưa dầm. Người xem hát vẫn đông, dù phải đội nón mang tơi đứng dưới mưa mà xem. Lúa hè thu chín ngoài đồng ngâm tôm nước lụt, rục xuống, nứt mộng hết. Xem hát xong, người ta ra đồng vớt lúa mộng đem về nhà. Nhà nào nhà nấy sản lượng lúa mất quá nửa, dở khóc dở cười bảo nhau: 'hát bội hành tội người ta'. Rút kinh nghiệm năm đó, những năm sau làng tránh cho dân bằng cách tổ chức hát Thu kỳ sau khi đã thu hoạch xong lúa hè thu. Lại còn sẵn rạ rơm mới cắt, đánh tranh, chặt tre bờ làng cất rạp dài mấy mươi thước cho dân ngồi xem hát đàng hoàng.

Nghề hát bội thường là nghề có truyền thống gia đình. Trong gia đình có ông bà, cha mẹ làm 'bầu hát', theo nghề hát thì con cháu thường noi dấu, đi theo nghề. Tuy nhiên, nhà 'ngoại đạo' cũng có con cháu theo nghề. Những ai ở trường hợp này thường bị gia đình không bằng lòng. Ðó là bởi thành kiến cũ, coi 'xướng ca vô loài' mà điển hình là cô Lành ở làng Trung Ðịnh. Cô Lành mê hát rồi xin mẹ cho theo hát, làm đào cho gánh hát ông Bầu Chẩm ở trong làng. Mẹ cô là bà Hai Ðẩu quyết không cho con gái mình theo hát, đánh đòn và đòi 'từ' cô mà vẫn không ngăn được. Từ khi cô Lành đi theo hát, bà Hai Ðẩu như người tâm thần, ra đường gặp con gái nhà ai xinh như con bà, bà liền mắng rằng: 'Trồng trầu thả lộn dây tiêu - Con theo hát bội, mẹ liều con hư - Ngó lên hòn núi Mù U - Con theo hát bội xuân, thu mẹ buồn'. Nhưng cũng có trường hợp, cha mẹ sớm thuận, đó là nhờ lòng hiếu thảo của con cái thuyết phục được cha mẹ: 'Mẹ ơi đừng đánh con đau - Ðể con theo hát làm đào mẹ coi'.

Ngày trước, người quê tôi lâu ngày không xem hát là thấy lòng trống trải khó chịu. Lâu không gặp đám hát đình, hát đám thì họ tạo ra một hình thức 'sân khấu' khác để được hát và xem hát cho đỡ ghiền, đỡ nhớ. Ðêm hè trời nóng, muỗi vo ve, không ngủ được, cả xóm tụ lại nơi một nhà nào đó. Chủ nhà đốt đèn lên, sắm trà nước, ngả mấy chiếc nong ra giữa sân làm 'sân khấu', thế là diễn ra cuộc hát. Ông bà nào hát hay, hay hát lần lượt tự nguyện bước ra nong hát: nam, khách, tẩu, lý mọi,... kèm theo điệu bộ, tuồng gì cũng được. Ai hát cứ hát, ai ngồi nghe cứ nghe, rồi uống nước trà, rồi kèn trống bằng miệng inh ỏi đệm cho câu hát thêm hay. Ðêm dần khuya, 'đêm hát' càng thêm mùi mẫn, cho đến khi sương đêm sa xuống nhiều, người ta mới chịu vãn hát mạnh ai nấy về nhà. 'Sân khấu' kiểu ấy xuất hiện bất cứ ở đâu: thợ gặt xế trưa ra đồng ngồi chờ cuốn lúa - hát; người nhàn rỗi tránh cái nóng trưa hè, ra ngõ có bóng tre trùm mát ngồi hóng gió - hát... Trong đám cưới ngày nay, ít đám thiếu tiết mục hát bội góp vui, trong các lớp tập huấn hội thảo, cán bộ người quê tôi vẫn góp vui vài trích đoạn hoặc vài câu nam, khách trong giờ giải lao. Tôi thường thắc mắc, không biết tại sao có câu ca dao: 'Ai về Bình Ðịnh mà coi - Con gái Bình Ðịnh múa roi đi quyền' lại không có câu tương tự như vậy nói về hát bội, vì ở đây hát bội cũng phổ cập không kém võ nghệ.

Quê tôi 'mạnh' về khán giả hát bội, đồng thời cũng 'mạnh' về đào kép hát hay có tiếng. Thiết nghĩ không có khán giả biết thưởng thức thì không có nghệ sĩ hát hay và chịu khó trau dồi tài nghệ. Bình Ðịnh giờ có Nhà hát tuồng Ðào Tấn, và hát bội ngày nay vẫn còn có khán giả, mà khán giả nhiệt tình, 'nòng cốt' lại là lớp người cao tuổi. Có lẽ vì đó là lớp người còn thuộc được câu tuồng, tuồng tích, biết cầm chầu, gõ tang trong đêm hát.

 

                                                                                          Theo ND

 

 

Các tin khác

Bản Pom Coọng, thgị trấn Mai Châu thường xuyên đón các đoàn khách quốc tế đến thăm quan
Dàn hợp xướng của sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM cùng nhóm múa biểu diễn bài “Du kích sông Thao”.
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Nhiều tiết mục mới, hấp dẫn tại Gala xiếc toàn quốc

Gala xiếc toàn quốc chào mừng 55 năm thành lập Liên đoàn Xiếc Việt Nam (1956-2011) sẽ diễn ra vào 20 giờ các ngày từ 14-16/1 tại Hà Nội.

Các siêu mẫu hội tụ trong Duyên dáng Việt Nam

Thanh Hằng, Hương Giang, Thái Hà, Ngọc Thạch, Ngọc Quyên... là 5 cái tên đáng chú ý trong số rất nhiều người mẫu sáng giá hội tụ trong đêm Duyên dáng Việt Nam diễn ra tại Phú Yên.

Nha Trang - Khánh Hoà là một trong 10 điểm đến của năm

Ngày 9.1, một quan chức tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo bình chọn của Reuters, năm 2010 Nha Trang - Khánh Hòa là một trong 10 điểm đến của năm.

Lễ hội Đường sách TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất

Năm nay, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm Lễ hội Đường sách vào dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Lễ hội Đường sách TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất được mở trên đường Mạc Thị Bưởi - gần khu vực Đường hoa Nguyễn Huệ - dự kiến có 8 đơn vị tham gia.

Nhạc Việt 2010: Nhang nhác... năm cũ

Năm 2010 là một năm được kỳ vọng phá "băng" cho làng nhạc Việt. Rất nhiều nghệ sĩ, nhà tổ chức hứa hẹn cho ra sản phẩm âm nhạc đặc biệt, hướng tới nghệ thuật đích thực và "định hình tai nghe" cho công chúng nước nhà. Bước chuyển là có, nhưng để đến được cái đích ấy vẫn còn là điều trăn trở của không ít người làm nghệ thuật và cả công chúng.

Chuẩn bị ra mắt “Niên giám Sự kiện Việt Nam 2010”

Trung tâm Sách Sự kiện Việt Nam - VietnamEvent (trực thuộc Tổ hợp Xuất bản và Phát hành Vietbooks) phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam và Nhà xuất bản Thông tấn sẽ ra mắt hàng năm cuốn “Niên giám Sự kiện Việt Nam.”

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục