Khán giả luôn chờ đợi và kỳ vọng rất lớn trước mỗi bộ phim đề tài lịch sử cổ trang được sản xuất thời gian qua trước khi ra mắt nhưng chưa có phim nào đã trình chiếu thật sự có sức cuốn hút và để lại được ấn tượng trong lòng khán giả
Bebe Phạm vai Giáng Bình trong phim Huyền sử Thiên Đô. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Chưa hấp dẫn
Dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã tạo cảm hứng cho các nhà làm phim Việt Nam xây dựng nhiều bộ phim có đề tài liên quan đến sự kiện này. Và đây cũng là cơ hội để khán giả Việt Nam thẩm định khả năng làm phim đề tài lịch sử cổ trang của điện ảnh Việt Nam.
Khán giả luôn chờ đợi và kỳ vọng rất lớn trước mỗi bộ phim đề tài lịch sử cổ trang được sản xuất thời gian qua trước khi ra mắt nhưng chưa có phim nào đã trình chiếu thật sự có sức cuốn hút và để lại được ấn tượng trong lòng khán giả.
Nhiều nhà chuyên môn cho rằng phim lịch sử Việt chỉ mới dừng lại ở việc thể nghiệm, minh họa chứ chưa đủ khắc họa được hình tượng nhân vật một cách sâu sắc và không chuyển tải được trọn vẹn chiều sâu của vấn đề phim đặt ra.
Chọn khai thác hình tượng Thái tổ Lý Công Uẩn, hai bộ phim Khát vọng Thăng Long (đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Công ty Kỷ Nguyên Sáng sản xuất) và Về đất Thăng Long (kịch bản Phạm Thùy Nhân, đạo diễn Trần Ngọc Phong, Hãng phim M&T Pictures sản xuất) trở thành tâm điểm chú ý của khán giả điện ảnh và màn ảnh nhỏ khi ra mắt.
Mỗi phim đều có những sáng tạo, hư cấu riêng nhưng nhân vật chính của cả hai phim đều còn mờ nhạt, chưa đủ sức bật để tạo thành một hình tượng với đầy đủ diện mạo, cốt cách của một anh hùng lịch sử.
Khát vọng Thăng Long có khúc dạo đầu khá tốt, ấn tượng nhưng càng về sau thì lại rời rạc và đoạn kết có phần nóng vội, vụng về. Phim về Lý Công Uẩn nhưng nhân vật đối nghịch Lê Long Đĩnh lại có đất diễn nhiều hơn và trở thành “nhân vật chủ chốt” của phim.
Võ thuật ấn tượng, trang phục và bối cảnh đẹp nhưng kịch bản hụt hơi đã khiến cho mạch phim Khát vọng Thăng Long bị “gãy” đáng tiếc.
Còn Về đất Thăng Long, nhiều khán giả nhận xét phim có một đường dây mạch lạc và thuyết phục nhưng lại mất điểm hoàn toàn vì sự thưa thớt, manh mún đến chán ngắt ở những đại cảnh.
Quan, quân lèo tèo chỉ vài người và những cuộc chiến đấu giữa những vị tướng cũng dễ dàng khiến người xem có cảm giác như các nhân vật “đánh trận giả”. Điều này cũng là một nguyên do khiến phim mất đi sức hút và tính hấp dẫn. Chưa kể, bối cảnh đơn giản, thiếu sự toàn diện để hình dung được diện mạo của một triều đại.
Ở phim Tây Sơn hào kiệt, dù rằng nhà sản xuất đã nỗ lực hết mình để thực hiện nhiều đại cảnh nhưng vẫn chưa thể làm công chúng hài lòng, bởi cốt chuyện đơn điệu, tình tiết chưa hấp dẫn, đại cảnh trên màn ảnh rộng chưa đạt được độ hoành tráng.
Riêng bộ phim Anh chàng vượt thời gian (đạo diễn Ngọc Ngân, Hoàng Thiên Trụ, Công ty Năng Động Việt, phát sóng lúc 21 giờ trên kênh VTV3) – một thể nghiệm mới cho thể loại phim dã sử cổ trang - đang bị công chúng chỉ trích nặng nề khi xây dựng bộ phim theo trí tưởng tượng hết sức nhạt nhẽo với những tình tiết chuyện hậu cung vớ vẩn, bối cảnh sơ sài, cẩu thả và trang phục thì “không giống ai”.
Khổ trăm bề
Khó, khổ trăm bề là câu ta thán cửa miệng của những người làm phim đã trải qua đề tài này. Hàng trăm cái thiếu và yếu, từ kịch bản, đội ngũ làm phim đến phim trường, bối cảnh cổ, phương tiện, phục trang, hóa trang… Mọi nỗ lực chỉ đủ tạm chấp nhận khi kinh phí, thời gian và nhân vật lực đều có hạn.
Nói về khó khăn của kịch bản, một người trong giới cho rằng: Chúng ta có vô số sự kiện lịch sử để dựa vào xây dựng phim nhưng lại thiếu những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử để chuyển thể, phóng tác nên kịch bản những phim đề tài này chủ yếu do một số nhà biên kịch chế tác từ những sự kiện lịch sử chính nên thiếu chất hấp dẫn của tiểu thuyết.
Một người trong giới nói rằng nếu không có dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, với hy vọng được Nhà nước đặt hàng, tài trợ thì không nhà tư nhân làm phim nào dám liều mình đầu tư làm phim đề tài này, bởi họ thừa biết khả năng làm phim của Việt Nam còn lâu mới có thể tạo ra được một bộ phim hay, trong khi phim đề tài này quá tốn kém về tiền bạc, công sức và thời gian.
Bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Giám đốc Hãng phim M&T Pictures, thừa nhận đơn vị phải xoay nguồn vốn khác để “bù lỗ” cho Về đất Thăng Long.
Đạo diễn NSƯT Lý Huỳnh xem Tây Sơn hào kiệt là một tác phẩm tâm huyết. Còn bộ phim do Nhà nước đầu tư Long Thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn, Hãng phim Giải phóng) thì coi như “mất trắng” vốn đầu tư khi chủ yếu chiếu phục vụ miễn phí cho khán giả ở các tỉnh, thành phía Bắc.
Phim lịch sử đã được khơi dòng nhưng vẫn chưa thể làm “thỏa cơn khát” cho công chúng Việt Nam bao lâu nay. Hầu hết phim lịch sử ra mắt trong thời gian qua đều được thực hiện nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, các đơn vị tư nhân cũng nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước khi bắt tay thực hiện các dự án phim hàng tỉ đồng này.
Còn sau đại lễ, một câu hỏi đặt ra là liệu ai sẽ tiếp tục làm phim lịch sử khi những khó khăn, trở ngại của thể loại phim này khiến các nhà sản xuất ngán ngại.
Khó lòng “tự bơi”
Đạo diễn Tường Phương nói phim lịch sử phải là một công trình tâm huyết của các nhà làm phim. Nhưng sự nỗ lực, tận tụy thôi chưa đủ nếu như điện ảnh nước nhà vốn dĩ không hề có cơ sở vững chắc cũng không có động thái nào hỗ trợ, đặt nền móng cho sự phát triển của thể loại phim này. Các đơn vị sản xuất tư nhân khó lòng “tự bơi” khi biết rằng khó mà thu hồi vốn từ phim lịch sử. |
Theo NLD
Xót xa trước cảnh những chiếc áo bông, áo kép thời xưa của Hà Nội mất dần, nhà thiết kế thời trang Trịnh Bích Thủy (thời trang Trịnh) đã trăn trở tìm cách kết hợp áo bông với sơ mi cổ bẻ kiểu Âu và quần bò Mỹ. Cách kết hợp này đã tạo ra một xu hướng thời trang mới, vừa cổ điển, vừa hiện đại, không chỉ được giới trẻ Hà thành nhiệt tình đón nhận mà còn được bạn bè nhiều nước trên thế giới biết đến.
Nam ca sĩ gốc Hà Nội cho rằng những giá trị đích thực trong âm nhạc mới là điều được người ta nhớ mãi. Còn những giá trị ảo thì sẽ mau chóng bị lãng quên.
(HBĐT) - Huyện Đà Bắc có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, chủ yếu là dân tộc Tày, Mường, Dao, Kinhi. Vì lẽ đó, đời sống văn hóa, văn nghệ (VHVN) của đồng bào dân tộc nơi đây phát triển phong phú, đa dạng.
Có thể làm âm nhạc hàn lâm trở nên quen thuộc với người Việt Nam? Chàng trai trẻ Trần Nhật Minh - người chỉ huy hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng - đang tìm cách trả lời câu hỏi đó
Bộ phim tài liệu Linh hồn Việt Nam dài 15 tập (15 phút/tập) do GS-TS Artha Nantachukra (người Thái Lan), Phó Trưởng khoa Lịch sử trường Đại học Maha Sarakham, Thái Lan, chủ trì thực hiện.
Đông đảo gương mặt nổi tiếng của sàn catwalk quy tụ, diễn những mẫu trang phục mới nhất của nhiều nhà thiết kế tên tuổi, từ 14 - 20/4 tại TP HCM