“Với 130 triệu đồng tiền mặt có trong tay tôi quyết định sẽ khởi công việc xây nhà lưu niệm cho nhà thơ Phạm Tiến Duật trong tháng 4 này. Tôi sẽ vừa làm vừa kêu gọi tài trợ và nhất định phải làm cho được ước nguyện của mình với hương hồn anh Duật”, nhà văn Lê Lựu tâm sự.

 

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, gương mặt thơ sáng nhất của nền thơ kháng chiến chống Mỹ đã từ giã chúng ta để đi về cõi vĩnh hằng đến nay đã gần 4 năm. Còn người bạn thân của ông, nhà văn Lê Lựu năm nay đã ở tuổi 70, mang nhiều thứ bệnh trong mình và mỗi ngày ông phải uống hàng vốc thuốc đủ các loại để duy trì sức khỏe. Tuy nhiên, ước nguyện lớn lao của tác giả "Thời xa vắng" là làm được một ngôi nhà lưu niệm cho người bạn cùng chung mưa nắng bom đạn Trường Sơn thủa nào. Sau nhiều ngày tháng đôn đáo, nhà văn Lê Lựu với vai trò là Giám đốc Trung tâm Văn hóa danh nhân đã thuyết phục được Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ dành một khoảnh đất trong khuôn viên của Hội để xây dựng nhà tưởng niệm cho nhà thơ Phạm Tiến Duật. Tuy nhiên, vấn đề nhà văn lo lắng nhất là làm sao có đủ tiền để làm được công trình có ý nghĩa này cho người bạn của mình.

- Thưa nhà văn Lê Lựu, từ khi nào ông ấp ủ dự định làm nhà lưu niệm cho nhà thơ Phạm Tiến Duật?

+ Như các bạn đã biết, nhà thơ Phạm Tiến Duật là nhà thơ lớn nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Nói đến văn học chiến tranh không thể không nhắc anh và nói đến tới con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - đường 559 huyền thoại trong những năm chiến tranh chưa xa hay nói về Bộ đội Trường Sơn Anh hùng hôm nay càng không thể quên tên tuổi anh. Giọng thơ của anh là một giọng thơ riêng biệt, rất lính tráng, hào phóng. Bao thế hệ người đọc đã bị cuốn hút bởi giọng điệu thơ ấy. Người ta gọi anh là một "danh nhân Trường Sơn", một "con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại". Riêng điều đó thôi anh đã xứng đáng được chúng ta tôn vinh.

Tôi và anh Phạm Tiến Duật là bạn bè từ những năm tháng cùng chiến đấu ở Trường Sơn. Chúng tôi cùng đằm mình trong không khí chiến tranh để sống và viết. Khi anh Phạm Tiến Duật sắp mất tôi có hứa với anh là tôi sẽ làm một điều gì đó cho anh. Và khi Trung tâm Văn hóa danh nhân trao giải thưởng cho sự nghiệp thơ của Phạm Tiến Duật, chúng tôi đã dùng một phần số tiền ấy làm một bức tượng của anh. Làm tượng xong rồi thì tôi nghĩ đến việc đặt tượng anh ở đâu và tôi quyết định phải làm nhà lưu niệm cho anh. Nơi này sẽ vừa là nơi thờ anh, vừa là nơi trưng bày những hiện vật, kỷ vật về đời thơ của anh để những người yêu mến anh có thể có một địa chỉ mà tìm đến, chia sẻ những tình cảm của mình với nhà thơ mà họ yêu mến. Tôi tìm đến Hội Văn nghệ Phú Thọ để trình bày ý tưởng của mình thì được lãnh đạo Hội ủng hộ. Theo đó, nhà tưởng niệm thi sĩ Phạm Tiến Duật sẽ nằm trong khuôn viên của Hội. Trung tâm Văn hóa doanh nhân sẽ làm chủ đầu tư còn Hội sẽ là đơn vị thi công.

- Xây dựng nhà tưởng niệm nhà thơ Phạm Tiến Duật chắc chắn cần đến một số tiền không nhỏ. Vậy, ông tìm kiếm nguồn tài trợ ấy ở đâu?

+ Cá nhân tôi thì không có nhiều tiền. Tôi phải cần đến sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, những Mạnh Thường Quân, những bạn đọc yêu mến nhà thơ Phạm Tiến Duật. Thú thật rằng, việc làm thế nào để có tiền xây nhà lưu niệm cho anh Duật mới là câu chuyện làm tôi lo lắng nhất. Theo như tính toán của tôi, phải cần đến số tiền là 1,2 tỷ đồng thì mới có thể "hòm hòm" đủ cho công trình này. Trước mắt, tôi đã có được số tiền ủng hộ của một số cá nhân. Ví dụ anh Thân Đức Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cienco5 ủng hộ số tiền 100 triệu đồng, anh Phạm Cao Phú - một doanh nhân ở Sài Gòn ủng hộ 30 triệu. Ngoài ra, một số cá nhân như chị Thiện - Việt Kiều ở Hungary hứa với tôi tháng 6 sẽ về nước và ủng hộ công việc xây nhà tưởng niệm của anh Duật. Chị Thoa, một danh nhân ở Mũi Né (Phan Thiết) cũng hứa là sẽ đóng góp ủng hộ công việc tôi đang làm.

Với 130 triệu đồng tiền mặt có trong tay tôi quyết định sẽ khởi công việc xây nhà lưu niệm cho nhà thơ Phạm Tiến Duật trong tháng 4 này. Tôi sẽ vừa làm vừa kêu gọi tài trợ và nhất định phải làm cho được ước nguyện của mình với hương hồn anh Duật. Tôi nghĩ rằng, không chỉ tôi, rất nhiều độc giả yêu thơ Phạm Tiến Duật cũng mong muốn có được một ngôi nhà lưu niệm đàng hoàng cho anh. Nếu được các phương tiện thông tin đại chúng thông báo rộng rãi đến bạn đọc những thông tin này thì chắc chắn sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức với chúng tôi để có thể hoàn thành được việc này sớm nhất. Tôi hy vọng là trong năm nay công việc này sẽ được hoàn tất bằng một buổi lễ hô thần nhập tượng và một cuộc hội thảo về thơ Phạm Tiến Duật do Hội Nhà văn tổ chức.

- Sắp đến ngày lễ kỷ niệm 36 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2011), ông và nhà thơ Phạm Tiến Duật đều là những nhà văn mặc áo lính, có chung những năm tháng sống và viết ở Trường Sơn "mưa bom bão đạn". Xin hỏi, nhớ về những năm tháng ấy và nhớ về người bạn thân thiết đã vĩnh viễn ra đi của mình, ông nhớ nhất những kỷ niệm nào?

+ Kỷ niệm với anh Phạm Tiến Duật thì tôi có nhiều lắm, không thể nào kể hết được. (Nói đến đây nhà văn Lê Lựu khóc vì xúc động. Trong suốt buổi trò chuyện về nhà thơ Phạm Tiến Duật, thỉnh thoảng ông lại cầm khăn lau nước mắt - PV). Anh Duật là người sống rất thật, rất thẳng thắn. Anh đúng là một người nghệ sĩ đích thực. Bởi vậy mà anh cũng đãng trí lắm, anh hay hứa và hay quên nên nhiều người không hiểu cứ nghĩ không tốt về anh thôi.

Hồi chúng tôi ở Trường Sơn, chúng tôi được bác Đồng Sỹ Nguyên quý mến lắm. Bác Đồng Sỹ Nguyên vốn là người yêu văn nghệ nên mỗi lần tiếp khách thì bác lại hay cho gọi hai thằng lính "nhãi nhép" chúng tôi nên tiếp khách cùng. Nhiều buổi về đơn vị khuya, anh Duật say, đi cứ lấy chân đá cái nọ, đá cái kia, nên hay bị cấp trên phê bình. Anh Duật hay bị phê bình về những chi tiết ấy. Nhưng anh Duật sống thật lắm. Tôi và anh Duật là hai thằng lính viết văn, chúng tôi có chung nhiều tâm trạng, nhiều nỗi niềm. Mỗi lần ngồi nhớ lại cái đêm Rằm tháng bảy năm 1972 tôi lại khóc vì thương nhớ anh Duật. Đó là cái đêm chúng tôi cùng nhau ra giữa rừng mà đứng khóc. Hai người lính đứng khóc với cây rừng, với ánh trăng. Tôi khóc vì nhớ mẹ còn Phạm Tiến Duật thì khóc vì nhớ con.

- Nhà thơ Phạm Tiến Duật không còn nữa. Ông đã đi xa nhưng thơ ông thì ở lại, khắc tên ông vào lịch sử, vào cuộc đời, vào trái tim của hàng triệu độc giả. Nhìn vào đời thơ Phạm Tiến Duật, ông có điều gì cần chia sẻ thêm với bạn đọc chăng?

+ Thơ anh Phạm Tiến Duật thì đã là một giá trị mà không ai trong chúng ta cần phải bàn cãi nữa rồi. Anh là nhà thơ của lính trận và của tuổi trẻ. Trong hiện thực chiến tranh chống Mỹ, anh Duật đã nhận lấy vai trò của một người lĩnh xướng trong dàn nhạc, dàn thơ ca suốt cả thời chống Mỹ. Thời ấy, không một người lính nào ra trận mà trong ba-lô không có thơ của Phạm Tiến Duật. Anh đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, là người có đóng góp quan trọng cho lịch sử văn học thời kỳ chống Mỹ. Nếu có điều gì để tiếc cho anh, thì tôi tiếc rằng, những năm tháng sau này, nếu cuộc đời riêng của anh hạnh phúc hơn thì anh sẽ đỡ khổ về tinh thần hơn. Và lẽ ra anh phải được hạnh phúc hơn vì anh là một nghệ sĩ theo đúng nghĩa nhất của từ nay. Anh sống thật và yêu thật, hết lòng không giấu giếm hay giả tạo. Sinh thời, không phải ai cũng hiểu đúng về anh.

- Xin cảm ơn nhà văn Lê Lựu về cuộc trò chuyện và chúc ông có thêm nhiều sức khỏe để hoàn thành công việc hữu ích cho người bạn mà ông yêu mến.

                                                                             Theo CAND

Các tin khác

Không có hình ảnh
Múa xòe Thái tại Festival Thanh niên các dân tộc Việt Nam 2011
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Phát triển du lịch Hòa Bình dựa trên bản sắc văn hóa dân tộc

(HBĐT) - Hòa Bình một tỉnh với nhiều dân tộc ít người cùng sinh sống, là nơi giàu bản sắc văn hóa, đặc biệt là ẩm thực và sản phẩm dệt của các dân tộc. Người Mường với “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui” luôn khiến du khách say lòng mỗi khi có dịp ghé qua và thưởng thức. Tỉnh ta có hơn 160 di tích các loại, trong đó có 30 di tích lịch sử văn hoá và danh thắng đã được Bộ VH-TT&DL công nhận di tích cấp quốc gia, UBND tỉnh xếp hạng 20 di tích cấp tỉnh.

Văn hóa đọc: Đọc gì, ai đọc, đọc ở đâu?

Ngày 23-4 (Ngày sách và bản quyền thế giới), tại Việt Nam sẽ diễn ra một sự kiện văn hóa quan trọng, đó là Ngày hội đọc sách 2011 do Bộ VH,TT&DL tổ chức. Hànộimới xin giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Mạnh Hùng, người có nhiều bài thuyết trình thú vị về văn hóa đọc.

Hoa anh đào Nhật Bản lại khoe sắc thắm ở Hà Nội

Hoa anh đào tươi từ Nhật Bản - đất nước mặt trời mọc lại khoe sắc tại Thủ đô Hà Nội trong lễ hội Genki Nhật Bản, khai mạc sáng 16/4 tại Hà Nội, thu hút đông đảo người dân tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ.

Câu chuyện về 120 du học sinh Trung Quốc đầu tiên ở Mỹ

Trên chuyến xe lửa từ Bắc Kinh đến St Petersburg năm 2006, Liel Leibovitz - hiện đang là giáo sư về khoa học viễn thông tại trường ĐH New York và vợ không thể tin vào mắt mình khi những bức ảnh được chiếu trên truyền hình kể về một chương trình trao đổi học sinh đầu tiên giữa Trung Quốc và Mỹ cách đó 150 năm.

Sở VH - TT & DL 9 tỉnh trung du và miền núi phía bắc ký kết giao ước thi đua năm 2011.

(HBĐT) - (HBĐT) - Ngày 15/4, Sở VH-TT&DL đã đăng cai tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua cụm 9 tỉnh trung du miền núi phí Bắc năm 2011. Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự và phát biểu chúc mừng hội nghị.

Đà Nẵng sẵn sàng cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế

Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011 (DIFC 2011) với chủ đề "Lung linh sông Hàn" diễn ra đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, là cơ hội vàng cho Đà Nẵng phát huy thế mạnh du lịch biển; đồng thời sẽ tránh được những ảnh hưởng bất lợi do thời tiết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục