Sau một tháng lao động nghệ thuật miệt mài, Trại sáng tác văn học "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" tổ chức tại Nhà nghỉ dưỡng 378 - Bộ Công an ở TP Nha Trang đã khép lại sau lễ bế mạc ngày 25/10. Đến dự có Trung tướng, nhà văn Hữu Ước - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Tổng Biên tập Báo CAND, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an cùng đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh Khánh Hòa và một số cơ quan chức trách.
Có thể nói, nhiều người cầm bút đều biết trại sáng tác văn học về đề tài này khởi nguồn bởi ý tưởng của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước từ giải "Cây bút vàng" năm 1997 do Tạp chí Văn hóa văn nghệ Công an - tiền thân tờ Văn nghệ Công an bây giờ. Từ đó đã tạo ra một truyền thống tốt đẹp để những nhà văn tâm huyết chuyển tải đến bạn đọc những trang viết về chiến công thầm lặng của lực lượng Công an, những thân phận, cuộc đời gắn liền với hoạt động an ninh trật tự bằng tiểu thuyết, truyện ký, truyện ngắn, ký sự nhân vật. Theo đánh giá của Ban tổ chức, so với những lần trước, trại sáng tác này có mấy nét đổi mới đáng mừng, đó là tác phẩm của các nhà văn mở rộng đề tài, thể loại, quan niệm về bình yên cuộc sống đến hạnh phúc gia đình và xã hội. Đặc biệt nhiều tác phẩm phản ánh cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm giữa thời bình mạnh mẽ, quyết liệt và bám sát thực tế hơn; tứ và cốt một số truyện ngắn cũng có sự đổi mới về bút pháp nghệ thuật tinh tế, thẩm mỹ và đã gặt hái thành công bằng nhiều tác phẩm có chất lượng. Thêm nét mới khác chưa có tiền lệ, đó là một đêm thơ và cuộc hội thảo văn học "Vì bình yên cuộc sống" đã tạo ra bầu không khí mới, thoáng đãng, mở rộng "sân chơi" cho những cây bút trong và ngoài lực lượng Công an có điều kiện giao lưu, tiếp cận, sáng tác không chỉ trên văn đàn, mà còn chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" vốn là mảnh đất phong phú khi kênh truyền hình CAND sẽ chính thức phát sóng trên toàn quốc từ ngày 11/12 sắp đến.
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước với một số nhà văn tại lễ bế mạc trại sáng tác. Ảnh: Hữu Toàn.
Ở mảng tư liệu lịch sử, nhiều nhà văn khai thác chất liệu từ cuộc chiến tranh với những nhân vật, sự kiện cụ thể. Bậc trưởng lão Lương Sĩ Cầm viết hơn 60 trang truyện ký "Đội biệt động B5" ghi lại những chiến công trước và sau Tết Mậu Thân của Ban An ninh T4 Sài Gòn trong thời kỳ chống Mỹ. Trong đó nhân vật xuyên suốt là đồng chí Nguyễn Lênh, nguyên Đội phó Đội Biệt động B5 chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt. Bằng văn phong dung dị, nhẹ nhàng, nhà văn Trần Công Tấn cần mẫn với 6 chương đầu tiểu thuyết "Dưới chân núi Chứa Chan". Tác phẩm kể lại chuyện tình rất đẹp của nữ Anh hùng, liệt sĩ Hồ Thị Hương gắn liền với những chiến công của Đội An ninh vũ trang Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Nhà văn Khổng Minh Dụ vốn là vị tướng an ninh có nhiều trải nghiệm trong chiến tranh và thời bình, nên ông ghi lại một câu chuyện giàu cảm xúc và đậm chất nhân văn qua ký sự "Nỗi niềm đồng đội".
Nông Huyền Sơn khai thác đề tài tưởng chừng không mới, vì nhân vật trong truyện ký "Người đối đầu với CIA" mà anh đã viết 4 chương đầu đã có nhà văn đề cập bằng ký sự nhân vật, nhưng anh vẫn viết về nhà tình báo Trần Quốc Hương bằng một góc nhìn khác. Câu chuyện khởi đầu sau chiến dịch Mậu Thân, Mỹ - ngụy tìm cách rút lui khỏi chiến trường Nam Việt nên tìm cách thương lượng với ta bằng giải pháp đàm phán. Trong khi đó Tổng thống chế độ Sài Gòn kiên quyết chống đối giải pháp hòa bình. Trước tình hình đó, Trung ương Cục miền Nam cử đồng chí Trần Quốc Hương về Đặc khu Sài Gòn - Gia Định tổ chức mạng lưới điệp báo luồn sâu vào nội bộ chính quyền Thiệu để điều khiển theo chiến lược của ta.
Nữ nhà văn Thu Trang dồn bút lực 50 trang đầu tập truyện ký "Vẫn một chữ tâm", viết về nhân vật Nguyễn Minh Long, vị tướng không chỉ mưu trí dũng cảm trong chiến tranh, mà sau ngày rời quân ngũ, ông vẫn miệt mài đi tìm đồng đội của mình còn nằm lại trong chiến tranh bởi một chữ tâm sâu nặng nghĩa tình.
Trong khi đó, người có duyên với thể loại ký là nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải viết về một nhân vật trong ngành Ngoại giao gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử bằng mạch văn tư liệu qua tác phẩm "Chuyện đời đại sứ".
Những mưu toan của địch trong cuộc chiến tranh ở miền Bắc giai đoạn 1955-1975 bị lực lượng An ninh và Quân đội vô hiệu hóa đã được nhà văn Thái Kế Toại tái hiện bằng bút ký "Cuộc chiến tranh tâm lý 20 năm" với nhiều bài học bổ ích cho công tác bảo vệ An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống trong thời bình.
Từng là sĩ quan Công an ở vùng đất Quảng Bình yêu thương, dù đã nghỉ hưu, nhưng tác giả Kim Cương vẫn nặng lòng với thế hệ cha anh nên dồn tâm huyết vào ba chương đầu tiểu thuyết "Có một đời như thế" viết về ký ức của những sĩ quan CAND.
Ở mảng truyện ngắn và tiểu thuyết, nhà văn Bạch Lê Vân Nguyên đã va chạm nhiều với đời sống thực tế, nên hai truyện ngắn "Ngọn lửa" và "Thương" của anh như một sự sẻ chia vất vả gian truân qua đời sống buồn vui lẫn lộn của một trinh sát hình sự có bản lĩnh và cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đang len lỏi vùng nông thôn.
Bằng văn phong nhẹ nhàng như một tứ thơ, nhà văn Hoàng Nhật Tuyên viết về sự hy sinh của một chiến sĩ An ninh qua truyện ngắn "Khúc vĩ thanh của chiến tranh". Tác giả Phùng Phương Quý đề cập những mối quan hệ ảnh hưởng đời sống và an ninh bằng tập truyện ngắn "Dòng sông phù thủy". Cây bút nữ Đào Thị Thanh Tuyền đến với trại sáng tác bằng tâm huyết và niềm đam mê đề tài an ninh qua truyện ngắn "Cuộc chiến", đề cập cuộc đấu tranh giữa những mâu thuẫn gay gắt trong cuộc sống của người lính khi trở về với gia đình sau cuộc chiến.
Các đại biểu hội thảo về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống". |
Chị Trâm Oanh giải bày nỗi niềm của người mẹ có đứa con đang lẩn trốn lệnh truy nã qua truyện ngắn "Con yêu của mẹ". Nhà văn Tuyết Sương với tiểu thuyết "Hèn", trong đó nhân vật chính là Công, được đào tạo bài bản và từng trải nhiều thử thách nghiệt ngã trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng giữa thời bình, ma lực đồng tiền biến con người đó thành một kẻ hư hỏng, đánh mất quá khứ hào hùng, lao vào con đường tội lỗi một cách hèn hạ nên phải trả giá đắt như một điều tất yếu của cuộc sống.
Ở tuổi 75, không sử dụng vi tính như lớp trẻ, nhưng nhà văn Nguyễn Quang Hà vẫn giàu sức sáng tạo khi đề cập đến mặt trái cuộc sống đẩy một cô gái lao vào các cuộc chơi vô nghĩa vì tiền bằng hai chương đầu tiểu thuyết "Mỹ nữ Mộng Huyền" như một thông điệp để nhiều cô gái khác hướng tới chân - thiện - mỹ. Cũng với thông điệp đó, nhà văn Tôn Ái Nhân cần mẫn với những chương đầu tiểu thuyết "Nhật ký của cô nữ sinh mất tích"…
Không chỉ có tác phẩm văn học, mà một số nhà văn còn khai thác chất liệu thực tế đời sống và chiến đấu của Công an để chuyển tải thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập. Khi phần 1 bộ phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn" 39 tập đang cuốn hút người xem, thì tác giả kịch bản - nhà văn Nguyễn Xuân Hải đến trại sáng tác miệt mài viết tiếp phần hai 36 tập được xây dựng từ tư liệu một số vụ án về tội phạm ma túy và buôn bán phụ nữ thời kỳ 1990-2005. Các nhân vật trong phim vẫn là những người con của các chiến sĩ biệt động năm xưa.
Ngoài tiểu thuyết "Tình án", nhà văn Trần Diễn tập trung chỉnh sửa để hoàn thành kịch bản phim truyền hình "Yêu thật, yêu giả" 30 tập. Ngược lại, nhà văn Mai Vũ - người đã có nhiều năm làm điện ảnh CAND chuyển thể kịch bản phim truyền hình nhiều tập "Cuộc vượt ngục thần kỳ" của ông thành tiểu thuyết lịch sử cùng tên. Tôn Ái Nhân hoàn thành vở kịch "Đột biến trước vành móng ngựa" qua phiên tòa xét xử kẻ giết người, cướp của.
Đến với trại sáng tác này, các nhà văn có dịp thâm nhập thực tế ở Công an tỉnh Ninh Thuận, Công an Khánh Hòa và du khảo vùng văn hóa Chăm ở Phan Rang - Tháp Chàm để khai thác chất liệu cho những tác phẩm mới. Tâm sự trong lễ bế mạc, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước bày tỏ niềm vui khi các nhà văn không chỉ bám sát đề tài với nhiều chất liệu cuộc sống, mà còn mở ra tầm nhìn mới về bình yên cuộc sống với nhiều thể loại phong phú từ truyện ký, truyện ngắn đến tiểu thuyết, kịch bản phim truyền hình, sân khấu. Đặc biệt có những tác phẩm vượt ra ngoài biên giới khi đề cập đến những chiến công thầm lặng của Công an Việt Nam giúp ở nước bạn.
Trung tướng Hữu Ước đề nghị Chi hội nhà văn Công an khẩn trương thẩm định các tác phẩm thu được để chuyển tải đến bạn đọc qua một số ấn phẩm Văn nghệ Công an, An ninh thế giới, Nhà xuất bản, Truyền hình CAND và kể cả sử dụng chất liệu của một số tác phẩm để chuyển thể thành kịch bản phim. Nhà văn Hữu Ước bày tỏ mong muốn các nhà văn ngoài lực lượng CAND tiếp tục gắn bó với đề tài an ninh trong thời gian tới để người đọc thêm thấu hiểu những khó khăn vất vả của người chiến sĩ Công an trong chiến tranh và thời bình.
Với hơn 30 truyện ngắn và gần 30 tiểu thuyết, truyện ký, kịch bản phim mà các tác giả còn hoàn thiện những chương đoạn cuối, có thể nói Trại sáng tác văn học "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" 2011 đã gặt hái thành công. Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những người đã hỗ trợ tích cực cho các nhà văn thêm sức sáng tạo trên mỗi trang viết. Đó là những cán bộ chiến sĩ, nhân viên Nhà điều dưỡng 378 đã tận tụy chăm lo cho các nhà văn bằng tinh thần và trách nhiệm của những người làm công tác hậu cần CAND
Theo Báo CAND
(HBĐT) - CVĐ “Toàn dân ĐKXDĐSVH” là CVĐ rộng lớn, mang tính tổng hợp, bao trùm toàn bộ các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, phong trào xây dựng gia đình, làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa được xác định là hạt nhân, động lực cho sự phát triển bền vững của toàn bộ CVĐ.
Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần II - cuộc thi sắc đẹp lớn nhất trong năm 2011 - cho biết đã chọn ra được 138 gương mặt xuất sắc tham dự vòng bán kết được tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, hưởng ứng cuộc vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long của Việt Nam trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, ngày 24/10, tại Học viện Kinh tế và Pháp luật Mátxcơva, Hội Hữu nghị Nga-Việt đã tổ chức bầu chọn cho Vịnh Hạ Long.
Khách sạn La Residence ở Huế đã lọt vào danh sách 20 khu nghỉ mát hàng đầu Châu Á theo kết quả bình chọn của độc giả tạp chí du lịch danh tiếng Conde Nast Traveler năm 2011.
(HBĐT) - Từ ngày 21 - 24/10, Sở VH-TT&DL đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình cho 96 học viên là lãnh đạo và cán bộ tổng hợp, phòng VH-TT các huyện, thành phố; các cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn.
(HBĐT) - Năm 2011 tiếp tục ghi nhận sự chuyển mình mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh. Tỉnh ta có 2 doanh nghiệp tham gia ứng cử giải thưởng Sao vàng đất Việt 2011 thì cả 2 doanh nghiệp đều được bình chọn trong top 200 doanh nghiệp được trao giải là Công ty CP ĐTNLXDTM Hoàng Sơn và Công ty CP bất động sản An Thịnh. Để có giải thưởng uy tín hàng đầu Việt Nam là những nỗ lực vượt bậc phát triển doanh nghiệp bền vững, song hành với việc chăm lo môi trường hoạt động của người lao động, thiết thực hưởng ứng các chương trình an sinh xã hội vì cộng đồng.