NSƯT Bùi Chí Thanh và nghệ nhân Nguyễn Văn Thực trao đổi về âm nhạc cồng chiêng cổ của người Mường Hòa Bình.
(HBĐT) - Năm nay đã đã bước sang tuổi 79 với gần 60 năm hoạt động, nghiên cứu, sáng tác văn hóa, nghệ thuật dân gian dân tộc Mường Hòa Bình, NSUT Bùi Chí Thanh đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Mường, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng và múa dân gian dân tộc Mường.
Mới đây, trong lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm ngày tái lập tỉnh và Lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ nhất năm 2011, màn trình tấu cồng chiêng với chủ đề “Vật báu – hồn thiêng” và màn diễn hành cồng chiêng đường phố do ông là tác giả và đạo diễn đã để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với người dân trong tỉnh, trong nước và quốc tế; được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Việt Nam về màn trình tấu công chiêng có số người và số cồng chiêng lớn nhất. Để hiểu rõ hơn cuộc đời hoạt động cũng như những thành công trong công tác nghiên cứu văn hóa Mường Hòa Bình, phóng viên Báo Hòa Bình điện tử đã gặp gỡ và trao đổi với NSƯT Bùi Chí Thanh.
PV: Thưa NSƯT Bùi Chí Thanh, Lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ nhất của tỉnh được tổ chức thành côn, tạo nên điểm nhấn văn hóa quan trọng trong năm 2011. Xin ông cho biết ý nghĩa của nội dung 2 màn trình tấu và diễu hành cồng chiêng do ông là tác giả và đạo diễn?
NSƯT Bùi Chí Thanh: Yêu cầu đề ra của Lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ nhất năm 2011 là động viên, cổ vũ nhân dân góp sức bảo tồn văn hóa cồng chiêng, nâng cao vị thế của không gian văn hóa cồng chiêng; quảng bá văn hóa Hòa Bình đến với bè bạn trong nước và quốc tế.
Từ yêu cầu đó, chúng tôi đã xây dựng kịch bản dựa trên những chất liệu nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc Mường Hòa Bình. Với màn trình tấu cồng chiêng, chúng tôi huy động trên 1.400 nghệ nhân, diễn viên quần chúng đại diện cho 4 vùng Mường lớn của tỉnh là Bi, Vang, Thàng, Động cùng trình tấu những bài chiêng cổ truyền thống được sử dụng từ xưa đến nay như dậyl chiêng, đi đường đón khách, đi đường lao đá, bông trắng - bông vàng, Bến rộng sông bờ, dâng oản. Đan xen giữa các màn trình tấu cồng chiêng là những hoạt động văn hóa tái hiện lại một số phong tục, tấp quán, lễ hội lớn của nhân dân như lễ rước dâu, dâng quà cưới; hội đè khà (đấu vật), hội đánh cá… Những hoạt động, lễ hội này vẫn được nhân dân duy trì cho đến nay và trở thành nét đẹp của văn hóa Mường Hòa Bình.
Điều đặc biệt trong lễ hội cồng chiêng lần thứ nhất năm 2011 của tỉnh là màn diễu hành cồng chiêng đường phố. Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức màn diễu hành này và cũng là lần đầu tiên người dân Hòa Bình nói riêng và bè bạn trong nước, quốc tế nói chung được chứng kiến một buổi diễu hành cồng chiêng đường phố có quy mô lớn với số người tham gia đông nhất từ trước đến nay. Các nghệ nhân vừa đi, vừa cùng ngân vang bài “Đi đường” suốt dọc chiều dài các tuyến phố chính của TP Hòa Bình. Đây là một bài cồng chiêng cổ, được sử dụng trong các bản làng vào dịp lễ hội, khi thể hiện trong một không gian mới (không gian đường phố) đã tạo nên một giá trị mới cho văn hóa cồng chiêng.
PV: Thưa NSƯT, là một người gắn bó và tâm huyết trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Mường Hòa Bình, ông có thể cho biết con đường nào đưa ông thành công như hôm nay?
NSƯT Bùi Chí Thanh: Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học gắn bó với nền văn hóa, nghệ thuật dân gian của các dân tộc Hòa Bình nói riêng và các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung. Ngay từ nhỏ, tôi đã được xem các bà, các chị đánh cồng trong các dịp lễ hội, tiếp khách. Trưởng thành, đi công tác, tôi làm ở ngành văn hóa, biên đạo múa, giáo viên trường văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, tôi có nhiều điều kiện để tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm kỹ hơn về văn hóa Hòa Bình nói chung và nghệ thuật múa, nghệ thuật cồng chiêng nói riêng.
Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, tôi đã nghiên cứu, biên soạn 9 cuốn sách; viết kịch bản hàng trăm vở kịch nói sân khấu, kịch múa; biên đạo múa, đạo diễn nhiều phần trình diễn trong các lễ hội lớn của tỉnh, của đất nước… Trong đó, nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm nghệ thuật đạt giải thưởng cao, tiêu biểu như tác phẩm “Xoè vòng” (Đạt giải thưởng văn học năm 1971), “Hoà Bình chiến thắng” (giải thưởng đạo diễn xuất sắc năm 1992), “Cây bông mẫu” (giải thưởng múa năm 1993), giải thưởng chương trình nghiên cứu 1998-2000 cho 4 công trình nghiên cứu khoa học...
Trong lịch sử văn hóa dân tộc Mường có hàng chục điệu múa cổ như: múa đâm đuống, múa đâm trống đồng, múa quạt cọ, múa kiếm, múa cờ, múa nàng Khọt, múa chúc phúc, múa chèo đình... Tuy nhiên, trong thời kỳ phong kiến, nghệ thuật múa chỉ nhằm phục vụ trong các gia đình lang đạo (chúa đất). Mỗi gia đình lang đạo đều có một đội ca múa riêng, phục vụ múa, hát mỗi khi gia đình có việc lớn như cưới hỏi, ma chay, lễ, tết... Những người thường không có quyền được hưởng thụ các giá trị nghệ thuật của chính dân tộc mình. Sau khi chế độ nhà lang bị xóa bỏ nghệ thuật múa cũng chìm vào quên lãng. Khi đó có quan điểm của một số nhà lý luận cho rằng người Mường không có nghệ thuật múa. Khi công trình “âm nhạc trong gia đình người Mường” và “Điệu múa nàng dâu” của tôi được in thành sách (năm 2004) phát hành rộng rãi, nhiều trường văn hoá nghệ thuật cấp quốc gia đã đưa vào làm giáo trình giảng dạy trong nhà trường.
Qua những công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật của mình, đã góp phần giúp đồng bào Mường tìm lại được những giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc đang bị mai một, giúp đồng bào hiểu sâu sắc hơn về bản sắc văn hoá dân tộc, từ đó có ý thức trân trọng, giữ gìn, phát huy di sản quý giá của dân tộc mình.
PV: Thưa NSƯT, trong cuộc đời sưu tầm, nghiên sứu về văn hóa Mường Hòa Bình, ông đã có nhiều công trình và tác phẩm nghiên cứu về văn hóa Mường, đặc biệt là các tác phẩm nghiên cứu về dân ca, dân vũ của người Mường. Xin ông cho biết những nét độc đáo của của văn hóa Hòa Bình thông qua những vấn đề mà ông đã được nghiên cứu được?
NSUT Bùi Chí Thanh: Nghệ thuật múa Mường và không gian văn hóa cồng chiêng nằm trong loại hình văn hóa dân gian, khi được nghiên cứu, tiếp cận, tôi mới thấy hết những nội dung, ý nghĩa của nó, hội tụ đầy đủ chất liệu của cuộc sống như nghệ thuật tạo hình, âm thanh, ánh sáng,
Văn hóa, văn học, nghệ thuật Mường từ ngôn ngữ, thể loại, cấu trúc, phong cách biểu diễn gần gũi với với đời thường, rất giản dị, mộc mạc nhưng mang đậm tính nhân văn. Ví dụ với bài cồng đi đường, những người nông dân sau khi làm ruộng, làm vườn về thường tháo cán cuốc, xẻng ra khỏi lưỡi, sau đó dùng chính những chiếc cán đó gõ lên lưỡi cuốc, xẻng tạo thành những nhịp điệu rộn ràng, hoan hỉ, thể hiện tình yêu lao động, niềm tin tưởng vào thành quả thu hoạch sau này từ mảnh ruộng, thửa vườn mà mình đã đổ mồ hôi, công sức chăm sóc. Tiếng cồng gọi mẹ cũng là bài cồng nói lên hình ảnh, tình cảm tha thiết của những người thân trong gia đình. Người phụ nữ trong khi nuôi con nhỏ vẫn đảm đương công việc làm ruộng, làm nương. Có những lúc mải làm việc, con đói, thế là người nhà thay vì đi gọi về bằng cách đánh một hồi cồng để nhắc nhở người mẹ. Tiết tấu của bài cồng chiêng này khi tấu lên phải khác với những tiếng cồng đi săn, tiếng cồng đón khách, tiếng cồng báo hết giờ làm việc ở đồng ruộng, tiếng cồng mời họp… hay như “Điệu múa nàng dâu”. Điệu múa này thường được sử dụng trong các đám hiếu của người Mường. Điệu múa này do người con dâu trong gia đình thực hiện. Người Mường quan niệm “Con gái là con nhà người ta, con dâu mới là con trong nhà”. Mọi công việc lớn, nhỏ trong gia đình đều do tay người con dâu lo lắng. Chính vì vậy, khi trong gia đình có người thân (ông, bà, cha, mẹ) nằm xuống, người con dâu có trách nhiệm quạt suốt trong 12 ngày làm đám tang. Khi được tái hiện trên sân khấu, điệu múa quạt đã biểu lộ những tình cảm, sự tận tụy, đảm đang, khéo léo của người phụ nữ.
Không chỉ ca ngợi, cổ vũ, gửi gắm niềm tin trong cuộc sống, các bài dân ca, dân vũ của người Mường Hòa Bình cũng mang tính trào lộng, phê phán những thói hư, tật xấu của con người, xã hội, qua đó nhắc nhở, giáo dục mọi người quan tâm, yêu thương nhau nhiều hơn. Ví dụ như bài vè “10 vợ” chẳng hạn. Bài vè nói về một người đàn ông có 10 người vợ, mỗi người 1 tính cách: người thích ăn vụng, người lười lao động, người mê ngủ, người tranh chồng…. Từ bài vè, tôi đã chuyển thể thành bài múa. Bằng ngôn ngữ tạo hình, âm nhạc, trang phục… bài múa toát lên được ý tưởng phê phán tệ nạn lấy nhiều vợ của những lang đạo ngày xưa, phê phán thói hư, tật xấu của những người phụ nữ lười lao động, sống ỷ vào người khác, gây mất đoàn kết trong gia đình, xã hội…
PV: Để tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường Hòa Bình, theo ông, chúng ta cần phải làm những việc cụ thể nào trong thời gian tới?
NSƯT Bùi Chí Thanh: Trong thời gian qua, tỉnh ta đã có những giải pháp phù hợp, hiệu quả trong bảo tồn và phát triển các các loại hình văn hóa, nghệ thuật, nâng cao đời sống tỉnh thần cho nhân dân. Đặc biệt là triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường Hòa Bình, theo tôi cần có sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, chính quyền trong xây dựng chủ trương, chính sách để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, kế thừa và tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác trong cả nước để bổ sung thêm cho kho tàng văn hóa dan gian của dân tộc Mường. Tỉnh cần có kế hoạch đầu tư, nghiên cứu cụ thể về các loại hình nghệ thuật dân gian của các dân tộc trong tỉnh. Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tạo môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú; phát triển sâu rộng nội dung văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trên tất các lĩnh vực làm cho văn hóa gắn chặt với phát triển KT-XH; tăng cường xã hội hóa các hoạt động văn hóa nhằm huy động hiệu quả nguồn lực trong nhân dân vào tham gia xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, các văn nghệ sỹ dốc lòng, dốc sức cùng với nhân dân nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy, cao hơn nữa là kế thừa và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống; truyền dạy cho thế hệ trẻ, động viên, khuyến khích thanh niên tự học tập, nghiên cứu. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tuổi trẻ cần được tiếp thu những truyền thống văn hóa của dân tộc mình làm nền tảng để các giá trị văn hóa được phát triển bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông!
Liên hoan phim 17 đang được gấp rút triển khai. Lãnh đạo Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch đã tham gia chỉ đạo trực tiếp. Theo như lời bà Ngô Phương Lan- Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh VN “Liên hoan phim 17 sẽ lấy lại niềm tin cho những người làm điện ảnh”.
Một dự án âm nhạc hoàn toàn mới, 9 ca khúc cũng hoàn toàn mới. Tất cả sẽ xuất hiện trong Bài hát Việt tháng 11 – trực tiếp trên VTV6 vào 20h ngày 13/11.
(HBĐT) - Ngày 9/11, khu dân cư xóm Định 1, xã Mãn Đức (Tân Lạc) đã tổ chức Ngày hội đại đoàn kết dân tộc và kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2011).
Ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1987/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo tàng Văn học Việt Nam, trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngày 11/11 sắp tới sẽ có kết quả chính thức về 7 kỳ quan mới của thế giới. Cả đất nước đang tích cực bình chọn cho Vịnh Hạ Long. Hòa cùng không khí hướng về Hạ Long, hai hoa hậu Ngọc Hân, Thùy Dung đã có buổi chụp hình vất vả để có được những khuôn hình đẹp nhất cùng vịnh Hạ Long.
Vụ trưởng vụ Văn hóa phi vật thể của UNESCO cho biết:“Hát Xoan sẽ là một trong các di sản đưa ra thông qua để công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới"tại hội nghị lần 6 UB liên chính phủ về bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.