Khu di tích khảo cổ hang xóm Trại là địa chỉ của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế quan tâm, tìm hiểu về người tiền sử cách đây hơn 2 vạn năm. (ảnh: N.V)
(HBĐT) - 20 năm kể từ ngày tách tỉnh, công tác bảo tồn di sản của tỉnh đã gặt hái được khá nhiều thành công. Trong đó, phải kể đến hoạt động nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích.
Tách tỉnh, tỉnh Hòa Bình duy nhất chỉ có 1 di tích được xếp hạng đó là di tích khảo cổ học động Tiên, xã Phú Lão (Lạc Thủy). Công tác xếp hạng chính là cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn di tích. Xác định được tầm quan trọng của công tác này nên hoạt động xếp hạng di tích đã được xem là một trong những nội dung hoạt động chính hàng năm của Bảo tàng tỉnh.
Để có những di tích được xếp hạng, cán bộ bảo tàng đã gặp muôn vàn khó khăn, vất vả. Do đặc thù nghề nghiệp, khi đi điều tra tìm hiểu tư liệu, những cán bộ bảo tàng không chỉ tới UBND các xã, tới các gia đình trong các làng bản mà còn phải trèo đèo, lội suối, ngược núi để đến những hang động sâu hun hút, những mỏm núi cao chót vót, những địa điểm rừng sâu, thác dựng... Khó khăn nhất phải kể đến những khu căn cứ và chiến khu cách mạng. Để đảm bảo bí mật nên các địa điểm hoạt động của các khu căn cứ và chiến khu cách mạng hầu hết đều ở sâu trong rừng, trên đồi xa tít hoặc ở những nhà dân heo hút.
ở khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên, các bậc tiền nhân đã chọn đồi chùa Khánh là nơi luyện tập quân sự, chọn gia đình ông Bùi Văn Y ở xóm Đai là nơi ăn ở, sinh hoạt của các chiến sĩ cách mạng. Đồi chùa Khánh bây giờ khang trang, đường lên ô tô bon bon leo tới tận đỉnh. Nhưng năm 1995, muốn lên được chùa Khánh chúng tôi phải băng rừng, trèo đèo lội suối nhiều tiếng đồng hồ mới lên đến nơi.
Những chuyến công tác lên các xã Tân Dân, Trung Thành, Đoàn Kết, địa bàn hoạt động của khu căn cứ cách mạng Mường Diềm cũng chẳng kém phần gian nan, vất vả. Sau khi đi thuyền trên lòng hồ, chúng tôi ngược đồi đi bộ cả nửa ngày trời mới tới được UBND các xã. Rồi từ đó lại tỏa đi các xóm, đồi núi chứa đựng những sự kiện lịch sử. Một kỷ niệm đáng nhớ, rất vui của chúng tôi lúc đó là trong chuyến lên xã Tân Dân. Sau khi mướt mồ hôi, thở ra đằng tai, đầu gối đã chùng xuống mỏi rã rời không muốn bước tiếp, bác Hữu Xim, Phó Giám đốc Bảo tàng đã phát hiện ra một con vắt trong người. Hôm đó, cả đoàn chúng tôi được một trận cười vang núi. Các cô gái chưa chồng sợ xanh mắt mèo.
Với những di tích thắng cảnh hang động, những khó khăn, vất vả cũng chẳng kém gì. Có những hang động nằm cao lưng chừng núi, rồi từ cửa hang xuống tới lòng hang sâu hun hút phải nối hai ba lần thang tre rồi thang dây mới xuống được tới nơi. Những nơi nguy hiểm như thế chỉ có những ai có đủ sức khỏe và lòng dũng cảm mới có thể xuống được. Với những di tích khảo cổ, khó khăn là các giá trị của di tích lại nằm sâu trong lòng đất. Những di tích đình, chùa, đền, miếu thì tư liệu cổ không còn nhiều.
Nhưng tất cả những khó khăn đó đều không làm nản chí những cán bộ Bảo tàng tỉnh. Những tin vui về các di tích được xếp hạng liên tiếp bay về. Nhưng niềm vui lớn nhất của CBVC Bảo tàng tỉnh đó là cảm nhận được niềm vui tràn ngập trên khuôn mặt rạng ngời của các cụ cao tuổi, của nhân dân và cán bộ các xã được đón bằng xếp hạng. Những buổi lễ trao nhận bằng xếp hạng này không chỉ đơn thuần là trao những tấm bằng mà Bảo tàng tỉnh cùng các địa phương đã biến những dịp đó thành ngày hội văn hóa cổ truyền toàn dân. Qua đó, nhận thức về việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa trong mỗi người dân lại được nâng cao.
Cho đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 20 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 37 di tích được xếp hạng cấp quốc gia.
Khó khăn, vất vả rồi cũng qua, núi cao, rừng sâu, suối lũ cũng không ngăn bước được những cán bộ Bảo tàng. Hôm nay, mặc dù đường sá đi lại đã thuận tiện hơn nhiều, người cán bộ Bảo tàng đã đỡ vất vả rất nhiều trong các chuyến công tác nhưng vẫn có nhiều di tích còn ẩn mình trên những sườn núi cao chót vót, trên những triền đồi xa hay trong những hang sâu hiếm người xuống được... Để hoàn thành công việc vẫn cần rất nhiều tinh thần hết lòng vì công việc của những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng.
Lê Quốc Khánh
Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh
Như một thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, các nhà sản xuất, trong đó có show ca nhạc và các giải thưởng luôn cần phải “điểm danh” xem năm qua mình đã làm được những gì, để rồi còn tiếp tục “xả hàng” vào dịp cuối năm thu hồi vốn. Vì thế sinh ra hiện tượng loạn và bội thực hàng cũng là điều khó tránh khỏi.
Muốn làm được chương trình truyền hình thú vị để tạo nên những tràng cười bổ ích thì việc tìm một kịch bản chất lượng cũng là điều vô cùng khó khăn trong khi tất cả các lĩnh vực nghệ thuật đều than thở: “Bói không ra một kịch bản hay...”.
Tỉnh Phú Thọ quyết định sẽ xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, thành phố du lịch của Việt Nam và thế giới, mang đậm bản sắc dân tộc, đẹp và hiện đại.
Tối 21-12, tại Đà Nẵng, Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 31 đã bế mạc sau 4 ngày diễn ra. Ban tổ chức đã vinh danh 27 giải vàng, 57 giải bạc, 147 bằng khen ở 8 thể loại tham gia liên hoan lần này.
Chiều 21.12, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tổ chức buổi họp báo trưng cầu ý kiến, bình chọn các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch năm 2011 của giới báo chí.
Phóng viên Vietnam+ đến thăm Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương tại tư gia của ông vào đúng dịp kỷ niệm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12). Giữa tiết đông lạnh giá, vậy mà nhà văn bát thập niên ấy vẫn cởi mở, trò chuyện với chúng tôi không mệt mỏi suốt hai tiếng đồng hồ.