(HBĐT) - Sau khi hòa bình lập lại, ở lứa tuổi biết đọc, biết viết, tôi được nghe một câu ca dao thời kháng chiến chống thực dân Pháp “Anh chừ đánh giặc nơi đâu/Chiềng Vang, Vụ Bản hay vào Trị Thiên?”... Câu ca dao đó lóe lên trong đầu tôi về những vùng đất thật xa xôi, thơ mộng. Tiếp đến là những tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian trong các vùng mường của Đinh ân, Bùi Thiện, Quách Giao cứ ám ảnh, khêu gợi tính hiếu kỳ trong tôi hàng thập niên về vùng đất ấy, nhất là sau khi đọc tác phẩm “Hoa hậu xứ Mường” mà sau này gộp với vương quốc ảo ảnh thành tiểu thuyết “Đất Mường” của nhà văn Phượng Vũ.
Vùng đất Mường Vang có dòng sông Bưởi lẩn khuất, len lỏi giữa các làng mường, cứ mờ tỏ trong tâm thức tôi, thôi thúc tôi sớm có ngày đặt chân đến với vùng đất “Cơm Mường Vó, lọ Mường Vang” ấy. Có lẽ tôi là một trong những người chậm chân đến với Mường Vang - lưu vực của dòng sông Bưởi thơ mộng.
Lần đầu tôi đến với Mường Vang lại không phải vì văn chương mà là khảo sát lượng phân dơi ở lưng chừng núi đá Khụ Khênh, xã Văn Sơn, năm 1996. Ngày ấy, ngành công nghiệp của tỉnh rất cần phân dơi để phục vụ sản xuất phân lân bón ruộng. Đứng trên lưng chừng núi đá Khụ Khênh quan sát, tôi cũng có chung cảm nhận về vùng đất này như nhà văn Phượng Vũ: vùng đất này như một “Vương quốc ảo ảnh”. Từ đó, với nhiệm vụ được lãnh đạo tỉnh giao, hầu như mùa nào trong năm tôi cũng về với Mường Vang. Trên rừng cây gỗ quý hiếm là cây có lõi. Đến với bốn mường nói chung, Mường Vang nói riêng là đến với vùng lõi của đất Mường. Trong bốn Mường chỉ có Mường Vang là có sự “thông thủy” với một vùng đất có đông đồng bào Mường sinh sống là xứ Thanh nhờ dòng sông Bưởi. Từ những con suối các bản trong vùng Mường Vang và một phần đất của Mường Bi hợp lưu tại thị trấn Vụ Bản - trung tâm Mường Vang - Sau khi đã qua hết vùng đất Mường Vang, dòng sông Bưởi tìm vào với Thạch Thành - Thanh Hoá để rồi đổ vào dòng sông Mã anh hùng, hoà chung nguồn nước của hai vùng mường lớn mà ra với biển Đông. Sự “thông thủy” hai vùng mường này cũng là sự “thông thuỷ” về một nền văn hoá Mường mà dấu ấn còn lại trong nhiều câu chuyện dân gian và các roóng mo Mường, nhất là phần “Đẻ đất - đẻ nước”.
Ngàn năm chống giặc phương Bắc và gần trăm năm chống thực dân Pháp cũng như bốn mường, Mường Vang như một vùng “đất thín” - vùng đất mà nhà lang giấu nhà cầm quyền để bớt phần cống nạp. Không được mở mang giao thông và học hành, mặt khác, bọn thực dân, phong kiến thực hiện chính sách ngu dân và cai trị bằng chế độ lang đạo nên bọn chúng tha hồ đè đầu, cưỡi cổ dân lành. Đường 12A, nay là đường 436 thông thương hai vùng Bi - Vang với các miền đất khác cũng mãi sau này mới được mở mang. Cách mạng tháng Tám thành công ở Lạc Sơn vẫn chưa có một trường tiểu học, chỉ có nhà lang mới đón thầy giáo về nhà dạy cho con em họ.
Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đường 12A và đường liên huyện ở Lạc Sơn vẫn là đường cấp phối. Trong một cuộc họp lãnh đạo tỉnh, ông Bùi Quyết Chiến - Bí thư Huyện ủy ngày đó than phiền: Lạc Sơn cần ít nhựa đường để vá thúng cũng không có, nghe mà cười ra nước mắt! Cây cầu bắc qua sông Bưởi ở xã Hương Nhượng - lối lên 3 xã vùng cao quá nhiều trắc trở mới được thông xe. Thử bắt chước “con hươu trên trang trí của người Mường luôn ngoảnh mặt lại” đôi chút, như có lần nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Bùi Huy Vọng đề cập để thấy được điểm xuất phát rất thấp khi bước vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập của vùng đất Mường Vang.
Để phát triển kinh tế có tăng trưởng hàng năm phải tạo ra chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Địa phương có tỷ trọng nông nghiệp là chủ yếu phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bài toán tưởng như đơn giản là vậy mà mấy địa phương khỏi lúng túng. Lạc Sơn cũng không phải là ngoại lệ.
Hơn một thập niên lại đây, Mường Vang đã được Đảng và Nhà nước chú trọng đầu tư nhiều hơn, bộ mặt nông thôn ở các xã, bản đã sáng sủa hơn. Đường Hồ Chí Minh có ghé qua một phần đất Lạc Sơn, đường 436 được nâng cấp nên Mường Vang đã chớm nở những đầu tư ban dầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Như trên đã đề cập, đến Mường Vang là đến với vùng lõi của xứ Mường xưa - vùng văn hoá Mường còn khá đậm nét. Ngày thực dân Pháp mới lập tỉnh Mường, Mường Bi, Mường Vang cùng thuộc phủ Lạc Sơn. Đến tháng 10/1957 mới được tách ra thành Tân Lạc và Lạc Sơn. Nếu Mường Bi là đất lang họ Đinh, Mường Vang là đất lang họ Quách. Nhà văn quá cố Phượng Vũ đã chọn bối cảnh giai đoạn những năm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân, phong kiến của quân và dân ta để sáng tác tiểu thuyết “Đất Mường”. Có thể nói Mường Vang đã làm nên tên tuổi nhà văn Phượng Vũ và chính Phượng Vũ đã làm cho Mường Vang - “Mường Vân” đến với nhiều người đọc và bè bạn xa, gần.
Ngày nay, mặc dù tên đất, tên làng đã được cách tân nhưng tên người vẫn còn những cái tên nghe rất mộc mạc, đơn nghĩa... nó cũng là nét riêng của vùng đất này. Một lần cùng với ông Bùi Văn Thuộm - Bí thư Huyện ủy lên thăm 3 xã vùng cao đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai mờ về Mường Vang. “Vùng cao con gái ít làm duyên / Nói cười như chim hót / Trai Ngọc Lâu, Ngọc Sơn chắc như cây sến, cây lim / Nâng những mái nhà sàn chất ngất / Yêu những Bãi Bùi, Nà Lọt - ngô, lúa chật thang” bài thơ “Vùng cao”. Lên cao tôi có dịp ngắm lại thung lũng Mường Vang vẫn: bời lời, bạc lạc như thời “Đẻ đất - đẻ nước” - vùng đất cho dẫu còn nhiều thiếu thốn, bất cập nhưng vẫn chất chứa những tiềm năng về phát triển kinh tế và đặc biệt là văn hóa, trong đó có văn hoá dân gian mà trước đây đã có nhà nghiên cứu Bùi Thiện và ngay nay có Bùi Huy Vọng, Bùi Văn Nợi, Bùi Thiên Văn “thả sức cày xới trên vùng đất Mường Vang” này.
Ghi chép của Đinh Đăng Lượng
(HBĐT) - Đài TT - TH Lạc Thủy vừa tổ chức liên hoan tiếng hát măng non trên sóng truyền hình huyện năm 2014.
(HBĐT) - Cuối tháng 5, vụ việc 3 trẻ tử vong đuối nước tại xã An Bình (Lạc Thủy) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với gia đình, nhà trường và xã hội về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Theo thống kê của Sở LĐ -TB&XH, 6 tháng đầu năm có 197 trẻ em mắc tai nạn thương tích, hầu hết trẻ mắc tai nạn thương tích chủ yếu vào thời gian nghỉ hè, khi các em thiếu sự quản lý chặt chẽ của nhà trường, sự lơ là quan tâm của một số phụ huynh và tình trạng thiếu các điểm vui chơi tập trung, an toàn. Nghỉ hè lại đặt ra một thách thức đối với các cấp chính quyền để làm sao các em có một kỳ nghỉ an toàn, lành mạnh.
(HBĐT) - Đồng chí Bùi Thị Phi, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Thủy cho biết: Xác định bạo lực gia đình cũng là một tệ nạn xã hội gây đến tổn thương mạnh mẽ về tinh thần và thể chất cho nạn nhân đặc biệt là đối với phụ nữ, tác động xấu đến cá nhân, gia đình và xã hội. Trong những năm qua, huyện Yên Thủy đã chú trọng triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả Luật Phòng - chống bạo lực gia đình, trong đó, phải kể đến việc Hội PN huyện đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các CLB phòng - chống bạo lực gia đình và các địa chỉ tin cậy. Từ các mô hình đó đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình trên địa bàn.
(HBĐT) - Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng vừa triển khai kế hoạch tổ chức đợt chiếu phim tài liệu với chủ đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo từ ngày 15 – 22/6.
(HBĐT) - Ngày 13/6, Hội CTĐ huyện Lạc Thủy phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin, GD&ĐT và Huyện đoàn tổ chức đêm văn nghệ và quyên góp ủng hộ quân, dân và ngư dân trên các vùng biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa với chủ đề “Lạc Thủy chung sức cùng biển, đảo thân yêu”. Tham dự có đại diện lãnh đạo Hội CTĐ tỉnh, Huyện uỷ, UBND huyện Lạc Thuỷ, lãnh đạo các xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, các nhà hảo tâm và đông đảo nhân dân huyện Lạc Thuỷ.
Tác phẩm “Thiên đường cho con” của tác giả Nguyễn Hữu Nam, là cuốn sách kể về câu chuyện của người cha viết dành tặng cho con trai, thể hiện tấm lòng của đấng sinh thành muốn đem lại một thiên đường thật sự cho đứa con yêu quý ngay tại quê hương mình.