Nhiều gia đình ở xã Chí Đạo (Lạc Sơn) lưu giữ khung cửi và nghề dệt truyền thống.
(HBĐT) - Năm nay tôi định đưa mẹ đi may bộ áo dài đẹp để mặc trong dịp Tết và thỉnh thoảng đi ăn cưới con cháu hoặc liên hoan văn nghệ trong KDC nhưng mẹ thích may bộ váy Mường truyền thống. Thế là sau khi đi hỏi một vài địa chỉ chuyên may trang phục dân tộc, mẹ con tôi đã chọn may được cho mình bộ trang phục truyền thống khá ưng ý. Những bộ trang phục dân tộc được may khéo léo trên nền cơ bản của truyền thống kết hợp với cách tân.
Chị Nhung, chủ Nhà may Trang Nhung cho biết: Cửa hàng chị nhận may chủ yếu trang phục các dân tộc Mường, Thái, Tày, Mông, trong đó, dân tộc Mường là nhiều nhất. Vì mẹ tôi may trang phục dân tộc Mường nên chị tư vấn rất kỹ. Bộ váy được may đủ các phần chân váy dài, tang váy (cạp váy), áo cóm kèm theo cả áo yếm, dây đai, khăn đội đầu, bộ sà tích bằng bạc. Phần chân váy chị may cách tân vừa với vòng đo của người mặc nên không phải quấn nhiều vòng như trước đây. Cách may này vừa dễ mặc lại giảm bớt phần vải cuốn, váy ôm sát cơ thể, tạo độ mềm mại cho dáng váy và tăng độ eo, thon của người mặc. Riêng phần áo cóm, mẹ tôi chọn may kiểu áo truyền thống cổ tròn, có hai túi áo nhỏ hai bên ngực áo. Áo may không có cúc cài mà buông nhẹ để lộ phần hoa văn trên cạp váy khi mặc.
Cô gái Mường se tơ, dệt vải
“Là con gái phải biết thêu thùa, may vá và dệt vải” đó là lời dạy của các bà, các mẹ đối với con, cháu gái mình. Từ lúc 14, 15 tuổi, mẹ đã thành thạo với se tơ, dệt vải. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 5 âm lịch là cả làng bắt đầu thu hoạch bông, sau đó phơi khô rồi cán bông, kéo sợi. Những năm tháng đó, dường như nhà nào cũng có khung cửi. Phần vì thời điểm đó vải để may mặc chưa sản xuất được nhiều nên chủ yếu người dân tự cung, tự cấp, phần nữa vì theo tục lệ của người Mường, trước khi về nhà chồng, con gái phải tự tay dệt từ 6 - 12 chiếc chăn, đệm làm quà cho họ hàng nhà chồng. Vì vậy gia đình nào có con gái đều phải biết se tơ, dệt vải. Những sản phẩm chăn, gối sẽ là thước đo, đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của các cô gái. Mẹ tôi thường bảo: Bà ngoại năm nào cũng tổ chức cuộc thi cho các cô con gái trong nhà. Ai trong năm chăm chỉ, dệt được nhiều vải và đẹp hơn sẽ được thưởng may bộ váy và hai áo mới đi chơi Tết. Mẹ là con gái cả nên luôn ý thức phải chịu khó và làm gương cho các em nên mẹ luôn cần mẫn luyện tay quay sợi thật đều để sợi chỉ mềm, mịn, đẹp và không phai.
Rực rỡ áo mới du xuân
Là thế hệ sinh ra và lớn lên trong no ấm, đầy đủ, chúng tôi có biết bao sự lựa chọn cho trang phục hàng ngày và ngày lễ. Nhưng khi mẹ, bà tôi nâng niu, trân trọng từng nếp áo, từng khoảnh khắc, bản sắc của quê hương, dân tộc; đặc biệt là khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, tôi không chỉ thấy mình như duyên dáng, đằm thắm hơn mà sâu thẳm trong tim trào dâng cảm xúc tự hào dân tộc: “Là gái Mường, em chẳng rực rỡ đâu / Nét hoa văn ẩn mình trong váy em / Nếu áo em buông, hoa văn em lung liếng / Khuôn ngực em nét hoa văn đất Mường”.
Những câu hát ngọt ngào cứ rộn ràng trong tôi như mong mỏi muốn Tết đến thật nhanh. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ đã chọn may những bộ trang phục truyền thống để diện trong những dịp lễ, tết; chứng kiến chị chủ tiệm may tất bật và lo lắng không biết có kịp may xong hết số hàng khách đặt không, tôi bỗng thấy vui, phấn khởi lạ thường. Những bộ váy, áo mới của mỗi chúng tôi như góp phần tạo nên một mùa xuân mới ấm áp, yêu thương. Mùa xuân đã đến thật gần, đẹp và ý nghĩa biết bao.
Hồng Duyên
(HBÐT) - Ngày 10/2, Thư viện tỉnh phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức khai mạc gian trưng bày Báo xuân Ất Mùi 2015.
(HBÐT) - Từ ngày 9 – 15/2, tại Trung tâm Thương mại bờ trái sông Đà, Hội hoa Xuân Hòa Bình năm 2015 đã được Trung tâm XTTM phối hợp với Hội, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoa, cây cảnh trên địa bàn tổ chức.
(HBĐT) - Ngày 5/2/2015, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Báo Hoà Bình xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn Chỉ thị.
(HBĐT) - Ngày 17/11/2014, Ban tổ chức cuộc thi viết về “Gương người tốt - việc tốt” tỉnh Hòa Bình năm 2015 đã ban hành Thể lệ cuộc thi. Nội dung chính như sau:
(HBĐT) - Ngày 7/2, Sở VH,TT&DL đã tổ chức lễ di dời Bia Lê Lợi từ trụ sở Sở VH,TT&DL chuyển về khuôn viên đền Thác Bờ mới tại đồi Hang Thần, xã Vầy Nưa (Đà Bắc).
(HBĐT) - Tết Nhảy là một nghi thức đặc biệt, được xem là quan trọng bậc nhất trong tục thờ cúng tổ tiên của người Dao xã Toàn Sơn (Đà Bắc). Tết Nhảy được tổ chức với mong muốn cầu may mắn, sức khỏe, bình an cho gia đình, dòng họ.