Ngày 14-10, tại Bangkok, diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 21 (AEMM-21), dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Don Pramudwinai và Cao ủy EU phụ trách các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh Federica Mogherini. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng làm trưởng đoàn dự Hội nghị.
Lãnh đạo Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 21.
Tại Hội nghị, hai bên tập trung kiểm điểm và đề ra định hướng phát triển quan hệ ASEAN - EU. Các nước đều hoan nghênh những tiến triển đạt được kể từ Hội nghị AEMM-20 năm 2014 tại Brussel, Bỉ, nhất là kết quả triển khai Kế hoạch hành động (giai đoạn 2013-2017) thực hiện Tuyên bố Nuremberg về Quan hệ Đối tác tăng cường ASEAN-EU.
Đến nay, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN. Năm 2015, tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa ASEAN và EU đạt 228,2 tỷ USD, chiếm 10% tổng thương mại của ASEAN; đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào ASEAN chiếm 19,6 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng đầu tư vào ASEAN.
Hai bên đề cao tầm quan trọng của quan hệ ASEAN - EU và mong muốn đưa quan hệ lên tầm cao mới, làm sâu sắc hơn hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, hai bên nhất trí sẽ nỗ lực hướng tới nâng cấp quan hệ ASEAN - EU thành đối tác chiến lược, thông qua ‘‘Tuyên bố Bangkok về Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu ASEAN - EU vì các mục tiêu chiến lược chung’’, trong đó đề ra phương hướng, khuôn khổ và biện pháp tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Về chính trị - an ninh, hợp tác duy trì hòa bình và an ninh khu vực, an ninh trên biển, thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh biển, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai…
Về kinh tế, sẽ khởi động đàm phán lập Khu vực mậu dịch tự do (FTA) ASEAN - EU, đẩy mạnh hợp tác kết nối, nhất là đường không và đường biển, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về văn hóa - xã hội, tăng cường giao lưu nhân dân và du lịch, hợp tác về giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Phía EU cam kết tăng cường hợp tác về phát triển bền vững, tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và thu hẹp khoảng cách phát triển, nhất là ở tiểu vùng Mê Công, đồng thời tiếp tục bày tỏ mong muốn được tham gia một số cơ chế khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo.
Các Bộ trưởng cũng dành nhiều thời gian trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Về tình hình Biển Đông, các nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật; kêu gọi các bên kiềm chế, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982; ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tại Hội nghị, các nước bày tỏ chia buồn sâu sắc với Chính phủ và nhân dân Thái-lan về việc Nhà Vua Thái-lan băng hà.
Đoàn ta đã tham gia tích cực và có những đóng góp quan trọng cho thành công của Hội nghị, kể cả trong quá trình xây dựng nội dung văn kiện. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, đã đến lúc đưa quan hệ đối thoại ASEAN - EU lên tầm chiến lược và làm sâu sắc hơn hợp tác giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực quan trọng; cần ưu tiên đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại và kết nối, tăng cường hợp tác ứng phó với những thách thức an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống ở khu vực; đề nghị EU tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và giữ vai trò trung tâm ở khu vực, thực hiện Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển Tiểu vùng Mê Công, nhất là về bảo đảm an ninh lương thực và nguồn nước.
Về Biển Đông, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp; khẳng định lại lập trường chung của ASEAN; đánh giá cao quan điểm tích cực của EU và đề nghị EU tiếp tục ủng hộ nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được COC.
Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã có các cuộc gặp song phương với Trưởng đoàn các nước ASEAN và một số nước EU gồm: Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan, Hà Lan, Latvia; Thứ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha, Italy, Litva, Hy Lạp và Áo. Trưởng đoàn ta và các nước đã trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước này, đặc biệt là việc trao đổi đoàn các cấp và đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực cùng quan tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, du lịch và giao lưu nhân dân.
Tại các cuộc gặp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các nước tích cực tác động để EU sớm ký, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Về vấn đề Biển Đông, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng và các đối tác chia sẻ việc ủng hộ quan điểm về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Các cuộc trao đổi đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn, tin cậy và hiểu biết.
Theonhandan
Ngày 9/10, Toà án Nhân dân thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã tuyên án tử hình, hoãn thi hành 2 năm đối với ông Bạch Ân Bồi.
Giá thóc gạo ở Campuchia giảm mạnh, đã có hiện tượng nông dân đổ thóc ra đường, “đòi” được giúp đỡ. Chính phủ nước này đã phải tiến hành các biện pháp “tình thế”, và đang trông chờ vào sự trợ giúp của Trung Quốc để triển khai những giải pháp căn cơ hơn.
Theo National Interest, thông tin trên được Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah James đưa ra trong bối cảnh giới chức Mỹ coi hành động phi pháp nói trên của Trung Quốc là “rất đáng lo ngại” và tuyên bố mối quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là “hết sức phức tạp”.
Hãng Roi-tơ đưa tin, Bộ Ngoại giao Hà Lan đã triệu Đại sứ Nga tại La Hay (Hà Lan) đến để khiển trách sau khi Nga chỉ trích cuộc điều tra hình sự vụ rơi máy bay MH17 của Hãng hàng không Ma-lai-xi-a tháng 7-2014. Theo Bộ Ngoại giao Hà Lan, phản ứng của Nga với kết quả điều tra làm dấy lên hoài nghi về tính chính trực, chuyên nghiệp và độc lập của các nhà điều tra. Trước đó, phía Nga phản bác kết luận của cuộc điều tra vụ rơi máy bay MH17 và cho rằng, kết quả điều tra đã đi chệch hướng và mang động cơ chính trị.
Vụ tai nạn sáng 29/9 làm một người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương là sự cố đường sắt gây thương vong nhiều nhất trong vòng 25 năm qua tại Mỹ.
Số người nhập cư vào Canada trong 12 tháng qua (tính tới ngày 1/7 vừa qua) đã tăng mạnh lên con số kỷ lục.