Giữa những lời kêu gọi chống lại Nga vì những cáo buộc Tổng thống V.Pu-tin (Vladimir Putin) chỉ đạo các nỗ lực can thiệp vào bầu cử Mỹ, Tổng thống đắc cử Đ.Trăm (Donald Trump) lại một lần nữa khẳng định lập trường hướng về một quan hệ Nga-Mỹ nồng ấm. Tổng thống đắc cử Mỹ khẳng định, dưới thời ông, Nga sẽ tôn trọng nước Mỹ hơn nhiều so với hiện tại.

 

Ngày 7-1, Tổng thống đắc cử Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) đã lên tiếng chỉ trích những ý kiến phản đối một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga. Trên trang mạng Twitter, ông Trăm khẳng định một mối quan hệ tốt đẹp với Nga là điều tốt và chỉ những "kẻ khờ" mới nghĩ ngược lại. Tỷ phú địa ốc còn nhận định sau khi ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, Nga sẽ tôn trọng Mỹ hơn bây giờ, và hai nước có thể sẽ cùng hợp tác để giải quyết một số vấn đề lớn và cấp bách trên thế giới. “Có được mối quan hệ tốt với Nga là điều tốt, không phải xấu. Chỉ có những kẻ ngốc mới nghĩ điều này là tồi tệ. Chúng ta đã có đủ vấn đề trên thế giới. Khi tôi là tổng thống, Nga sẽ tôn trọng chúng ta hơn hiện nay và cả hai nước sẽ cùng giải quyết nhiều vấn đề trên thế giới”, ông Trăm viết trên Twitter vào hôm 7-1.

 

Tổng thống đắc cử Mỹ Đ.Trăm (trái) và Tổng thống Nga Pu-tin. Ảnh: Thestars 

Lời chỉ trích của Tổng thống đắc cử Đ.Trăm được đưa ra một ngày sau khi ông gặp giới lãnh đạo cộng đồng tình báo Mỹ, trong đó có Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Giêm Cláp-pơ (James Clapper) và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Giôn Bren-nan (John Brennan). Cả hai quan chức trên đều cáo buộc Tổng thống Nga V.Pu-tin chỉ đạo cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống bầu cử Mỹ.

Trước đó, ngày 5-1 vừa qua, giới chức tình báo Mỹ đã công bố báo cáo khẳng định, Nga đứng sau vụ tấn công mạng và làm rò rỉ các tài liệu của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Báo cáo này sẽ được trình lên Quốc hội Mỹ trong vài ngày nữa. Mặc dù Tổng thống đắc cử Đ.Trăm từng thừa nhận khả năng Nga liên quan tới các vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ, song ông đã lập tức phản đối báo cáo trên của giới chức tình báo Mỹ kết luận Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Ông Trăm đã cho phát đi thông cáo nêu rõ: "Dù Nga, Trung Quốc, các nước khác hay những nhóm hoặc cá nhân bên ngoài vẫn thường tìm cách xâm nhập hệ thống hạ tầng mạng của các cơ quan chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ và các tổ chức ở Mỹ như đảng Dân chủ thì chắc chắn không có ảnh hưởng nào đối với kết quả bầu cử (vừa qua), đặc biệt là không thể có chuyện thao túng kết quả bầu cử bằng đường điện tử".

Để đáp lại cáo buộc cho rằng, hệ thống máy tính của ban vận động bầu cử bên đảng Dân chủ bị tấn công thời gian qua, vị Tổng thống đắc cử của Mỹ khéo léo đáp trả bằng tuyên bố rằng, hệ thống máy tính của đảng Cộng hòa cũng bị tấn công nhưng "đảng đã tổ chức hệ thống bảo mật tốt chống lại xâm nhập nên bọn "tin tặc" đã bị thất bại".

Tổng thống đắc cử Mỹ cũng cáo buộc Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) đã làm ngơ để tấn công mạng xảy ra, đồng thời khẳng định rằng, không có bằng chứng về việc những cuộc tấn công mà tình báo Mỹ nhắc đến, có ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử. “Lý do duy nhất để DNC đề cập đến vụ tấn công là bởi vì thất bại to lớn của đảng Dân chủ đã khiến họ vô cùng xấu hổ,” ông Trăm nói.

Tuy nhiên, ông Trăm cũng khẳng định ngay sau khi lên nắm quyền ngày 20-1 sắp tới, trong vòng 90 ngày đầu tiên, ông sẽ công bố kế hoạch phòng thủ tấn công mạng cho Mỹ.

Chính phủ Nga luôn bác bỏ những thông tin nói rằng, Mát-xcơ-va can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống vừa qua tại Mỹ, khẳng định những cáo buộc này là "vô căn cứ". Tổng thống Nga Pu-tin coi việc Chính phủ Mỹ lôi kéo Mát-xcơ-va vào bầu cử tổng thống là nhằm đánh lạc hướng cử tri Mỹ.

Kể từ khi ông Trăm đắc cử, ít nhất hai lần Tổng thống Pu-tin đề cập đến chuyện cải thiện quan hệ với Mỹ và đều được ông Trăm hưởng ứng. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trăm cũng thừa nhận, ông không thích cách thức nước Nga đang được vận hành, nhưng ông tin chắc ông Pu-tin là nhà lãnh đạo giỏi hơn Tổng thống Ô-ba-ma (Obama), và tin rằng, hai nước Nga-Mỹ sẽ hòa hợp nếu ông trở thành tổng thống. Bản thân Tổng thống đắc cử Mỹ đã không dưới một lần bày tỏ sự ngưỡng mộ với Tổng thống Nga Pu-tin trong vai trò một nhà lãnh đạo, và dự đoán rằng, họ có thể hợp tác cùng nhau trong nhiều lĩnh vực, như chống lại lực lượng khủng bố IS.

 

                                                            Theo QĐND

Các tin khác


ĐHĐ LHQ khóa 78: Thúc đẩy tăng cường sự hiện diện của nữ giới

Tổng cộng 130 nhà lãnh đạo thế giới và hơn 50 quan chức có bài phát biểu tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) Khóa 78 diễn ra ở thành phố New York (Mỹ) trong tuần qua, song tỷ lệ nữ giới chỉ chiếm chưa đầy 12%.

Chi phí sinh hoạt đắt đỏ thổi bùng làn sóng trộm cắp ở Australia, New Zealand

Một người đàn ông chạy ra khỏi siêu thị ở New Zealand cầm theo những chiếc túi nhồi nhét chín cái chân cừu mà không thanh toán.

Bạo lực lại bùng lên ở Kosovo

Theo tờ Deutsche Welle của Đức ngày 26/9, sau cuộc đụng độ giữa các tay súng người Serbia và cảnh sát Kosovo tại làng Banjska ở phía bắc Kosovo gần biên giới Serbia khiến 5 người thiệt mạng, khu vực này đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Hàn - Trung - Nhật nhất trí sớm nối lại hội nghị thượng đỉnh ba bên

Theo hãng tin Yonhap, ngày 26/9, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này, Trung Quốc và Nhật Bản đã nhất trí nối lại hội nghị thượng đỉnh ba bên vào thời gian sớm nhất sau thời gian dài đình trệ.

Thêm một tàu chở hàng khởi hành từ cảng của Ukraine trên Biển Đen

Hãng Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết ngày 26/9, một tàu chở hàng đã rời cảng của Ukraine trên Biển Đen.

Hàng triệu người lao động Mỹ bị ảnh hưởng trước nguy cơ chính phủ đóng cửa

Hàng triệu người Mỹ có khả năng bị chậm lương và các khoản trợ cấp xã hội trong bối cảnh chính phủ nước này đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa khi phe cánh hữu của đảng Cộng hòa tìm cách ngăn chặn việc thông qua một biện pháp ngân sách tạm thời tại Quốc hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục