Thế hệ sinh ra và lớn lên trong những năm 1990 đang tạo nên con sóng thúc đẩy Triều Tiên thay đổi từ bên trong.
Nữ bồi bàn đứng trước cửa một nhà hàng ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên vào ngày 12/4. Ảnh: AP. |
Nhìn từ bên ngoài vào, Triều Tiên dường như "giậm chân tại chỗ" trong suốt 70 năm qua. Nhưng ở bên trong, một động lực thay đổi, một cuộc cách mạng kinh tế đang được định hình và dẫn dắt bởi những người trẻ sinh ra và lớn lên trong những năm 1990, theo Washington Post.
Trong bộ phim tài liệu "Jangmadang Generation" (Tạm dịch: Thế hệ Jangmadang), tổ chức LiNK có trụ sở ở bang California, Mỹ, chuyên giúp đỡ những người Triều Tiên đào tẩu, đã miêu tả về những thanh niên đang mang lại thay đổi cho đất nước này. Họ thuộc thế hệ Jangmadang.
"Jangmadang" là những khu chợ đen mọc lên trong nạn đói hoành hành Triều Tiên những năm 1990. Trong hoàn cảnh khoảng hai triệu người "chết dần chết mòn" vì đói khát, nhiều người sống sót bằng cách xoay xở buôn bán. Người có ngô làm mì từ ngô. Người có đỗ làm đậu phụ từ đỗ. Và những khu chợ Jangmadang trở thành điểm hẹn của những thương buôn "bất đắc dĩ". Đó là cách chủ nghĩa tư bản nhem nhóm và bám rễ trong xã hội cộng sản công hữu Triều Tiên.
Những đứa trẻ sinh ra trong thập niên 1990 hay "Thế hệ Jangmadang" lớn lên khi những khu chợ đen hoạt động theo kiểu thị trường trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống thường ngày. Có thể nói những đứa trẻ này hấp thu chủ nghĩa tư bản ngay từ trong "trứng nước".
Khi nạn đói xảy ra, Joo Yang mới 6 tuổi. Chứng kiến nhiều người chết vì đói và lạnh, cô bé Yang 14 tuổi nung nấu ý định phải kinh doanh và bắt đầu kiếm tiền bằng cách lượm lặt những hạt đậu bị bỏ lại sau khi tách vỏ tại một nhà máy rồi đem bán lại.
Hay Kang Min bị lạc mẹ khi mới lên 9 tuổi. Từ một thằng bé phải tự kiếm miếng ăn bằng cách đi ăn xin trên phố và móc túi trong các khu chợ, Kang trở thành một tiểu thương chuyên nhập khẩu tất và pin từ Trung Quốc.
Hoặc Danbi kinh doanh quần áo "nhái" phong cách thời trang của diễn viên truyền hình Hàn Quốc. Cô "đánh hàng" từ Trung Quốc sau đó thuê bạn bè có ngoại hình đẹp mặc những bộ mẫu rồi "lượn lờ" trong các khu chợ để quảng cáo.
Do nếm trải nạn đói, "Thế hệ Jangmadang" lớn lên "táo bạo và liều lĩnh", một người mẹ sinh con trong thập niên 1990 nhận xét.
Sau 20 năm, những đứa bé ngày nào giờ đây trưởng thành thành những thanh niên đang tạo động lực phát triển cho các thị trấn và thành phố khắp đất nước Triều Tiên. Những khu chợ đen không chỉ là nơi trao đổi, buôn bán nhu yếu phẩm, quần áo và đồ dùng gia đình mà còn là cửa ngõ để người dân tiếp cận với thông tin từ thế giới bên ngoài. Ví dụ người ta có thể dễ dàng tìm mua một chiếc USB chứa đầy những bộ phim truyện hay phim truyền hình nước ngoài ở chợ Jangmadang.
Một nhân viên đứng cạnh mô hình bánh hamburger bằng nhựa tại nhà hàng trong công viên giải trí Thanh niên Kaeson ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Eric Lafforgue. |
Bộ phim tài liệu "Thế hệ Jangmadang", xoay quanh câu chuyện của 8 thanh niên Triều Tiên đào tẩu, cho thấy trong khi thế giới bên ngoài ám ảnh với lãnh đạo Kim Jong-un và những vụ phóng thử tên lửa hay thử nghiệm vũ khí hạt nhân, người dân Triều Tiên bình thường chỉ quan tâm tới những thay đổi căn bản đang diễn ra hàng ngày.
Lắng nghe câu chuyện của những người trẻ Triều Tiên, nhà sản xuất bộ phim muốn khán giả thấy ở thế hệ này sự sáng tạo, gan lì và cả sự nổi loạn ngấm ngầm. Khác với định kiến của cộng đồng quốc tế, thanh niên Triều Tiên không bị "tẩy não" mà họ đang trở thành lực lượng đi đầu tạo ra thay đổi bên trong xã hội Triều Tiên.
"Đây là quốc gia khép kín và hà khắc nhất thế giới", đạo diễn bộ phim nhận xét. "Nhưng chúng tôi muốn khán giả thấy người Triều Tiên cũng dễ hiểu như chúng ta, biết đến sự mất mát và bi kịch của họ nhưng cũng để thấy động lực thay đổi đang diễn ra khắp đất nước này".
Tất cả 8 nhân vật trong phim đào thoát sang Hàn Quốc và hiện đều là sinh viên đại học. Không giống như những người Triều Tiên đào tẩu lớn tuổi, họ dễ dàng thích ứng với cuộc sống mới ở một xã hội tư bản công nghiệp hóa.
"Thế hệ chúng tôi lớn lên dưới sự quản lý của chính quyền đồng thời nhận thức về sự tự do nên khát vọng tự do của chúng tôi rất mạnh mẽ", Huh Shimon, một nhân vật tham gia phỏng vấn, cho biết.
Theo Shimon, "tự do là được làm việc ở nơi mà bạn muốn hoặc không làm việc ở nơi bạn không muốn, hoặc có thể tự kinh doanh, hay sống ở nơi mà bạn thích, và có quyền đi tới bất cứ chỗ nào mà bạn ao ước".