ỦY ban Liên hiệp châu Âu (EU) đã bày tỏ hoàn toàn ủng hộ AfCFTA và đang xem xét hỗ trợ châu Phi 40 tỷ ơ-rô nhằm giúp châu lục này thu hút các khoản đầu tư và tạo ra ít nhất 10 triệu việc làm. Phát biểu tại Diễn đàn AfCFTA khu vực Sừng châu Phi diễn ra ở Ethiopia, Đại sứ EU tại AU R.Xa-ba-túc-xi đã thông báo về khoản viện trợ khổng lồ nêu trên của EU. Đây là diễn đàn do Ủy ban Kinh tế châu Phi (ECA), Chính phủ Ethiopia, Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) và EU phối hợp tổ chức với chủ đề: "Thực thi AfCFTA: Phá vỡ các rào cản về địa lý, hậu cần và quy định đối với thương mại và đầu tư vào khu vực Sừng châu Phi để thúc đẩy công nghiệp hóa - Tập trung vào ngành công nghiệp dược phẩm”.
Trong Thông điệp EU tháng 9-2018, khi đề cập đến AfCFTA, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) J.Juncker đã khẳng định mong muốn thiết lập thỏa thuận thương mại tự do liên lục địa giữa châu Âu và châu Phi. Để chuẩn bị cho quá trình này, Chủ tịch EC cho rằng, cần thúc đẩy các hiệp định đối tác kinh tế, hiệp định thương mại tự do, trong đó bao gồm các khu vực thương mại tự do sâu rộng, toàn diện. Các hiệp định nêu trên nhằm đẩy mạnh xuất khẩu của châu Phi và thu hút đầu tư, bao gồm các ngành sản xuất, chế biến và khuyến khích tạo ra chuỗi giá trị khu vực thông qua các quy tắc xuất xứ linh hoạt. Để hiện thực hóa tham vọng, châu Âu đang xem xét khoản hỗ trợ khổng lồ trị giá 40 tỷ ơ-rô thuộc chương trình mới được đề xuất "Liên minh châu Phi - châu Âu vì việc làm và tăng trưởng” trong giai đoạn 2021 - 2027 nhằm thu hút đầu tư và hứa hẹn sẽ tạo ra 10 triệu việc làm ở châu Phi. AfCFTA được đánh giá có tiềm năng to lớn giúp có thể chuyển đổi kinh tế châu Phi bằng cách tạo ra thị trường chung tích hợp lớn nhất thế giới kể từ khi thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ngành dược phẩm của châu Phi được cho là thí dụ điển hình về lợi ích mà AfCFTA sẽ mang lại cho lục địa này. Năm 2013, giá trị ngành dược phẩm châu Phi đạt 20,8 tỷ USD và được dự đoán sẽ đạt 64 tỷ USD trong 10 năm tới, tạo ra hơn 16 triệu việc làm. Thư ký điều hành của ECA V.Xong-uê cho rằng, AfCFTA là một chương trình phát triển kinh tế, với mục tiêu thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng và hài hòa các nền tảng hội nhập châu Phi. Châu Phi cần đẩy nhanh tốc độ thực thi AfCFTA để gặt hái những lợi ích của hiệp định này.
Một cộng đồng với dân số khoảng 1,2 tỷ người, AfCFTA dự kiến sẽ giúp gia tăng thương mại nội khối châu Phi lên gần 60% vào năm 2022 và thúc đẩy sự phát triển của tất cả các nền kinh tế châu lục. Khu vực Đông Phi, với dân số hơn 600 triệu người, là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó chưa góp phần đáng kể giảm nghèo và mang lại sự thịnh vượng. Điều đặc biệt quan trọng đối với các nước châu Phi, nhất là khu vực Sừng châu Phi, là duy trì hòa bình, ổn định - điều kiện tiên quyết để tăng cường phát triển khu vực tư nhân và thúc đẩy thương mại nội khối.
Trong khi đó, EU đã có kinh nghiệm thu được qua việc thành lập khu vực thương mại tự do, liên minh hải quan và thị trường chung duy nhất, cho phép châu lục này trải qua thời kỳ hòa bình dài nhất, với tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng. Những kinh nghiệm này rất có ích đối với châu Phi trong quá trình thực thi AfCFTA. Đại sứ EU tại AU cho rằng, sự ổn định của khu vực Sừng châu Phi có ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế của khu vực và của châu Phi.
Doanh số bán sữa sẽ giảm do Canada phải nhường bớt thị phần cho sữa Mỹ nhập khẩu, trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường nội địa cũng co lại dưới tác động từ những hậu quả kinh tế vĩ mô của hiệp định.