Trong cuộc gặp gỡ báo giới và các đại diện ngoại giao tại Ả rập Xê út, ngày 18/9, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ả rập Xê út Turki al-Malki khẳng định, các dữ liệu camera an ninh và những thiệt hại gây ra cho các mục tiêu cho thấy các cuộc tấn công được thực hiện từ phía Bắc, hướng tiếp giáp của Iran với nước láng giềng Ả rập Xê út. Cũng theo phát ngôn viên trên thì vụ tấn công không thể xuất phát từ Yemen bởi quốc gia này tiếp giáp với Đông Nam Ả rập Xê út.
Ông al-Malki cho biết, đã có tới 18 máy bay không người lái và 7 tên lửa hành trình được sử dụng trong vụ tấn công nhằm vào các nhà máy lọc dầu của công ty dầu khí Aramco ở miền Đông Ả rập Xê út vào cuối tuần trước.
Phát ngôn viên này mô tả, các máy bay không người lái thuộc loại Delta Wing có cánh hình tam giác và cũng đã được sử dụng trong một vụ tấn công đường ống dẫn dầu của Ả rập Xê út trong tháng 5/2019. Trong khi đó, các thiết bị tên lửa hành trình thực hiện vụ tấn công cũng có hình dạng tương tự như loại mà Iran đã từng giới thiệu trong quá khứ.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ả rập Xê út, Đại tá Turki al-Malki trong buổi họp báo tại thủ đô Riyadh ngày 18/9, công bố những bằng chứng về vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu nước này hôm 14/9.
Những bằng chứng về các thiết bị được cho là đã thực hiện vụ tấn công hồi cuối tuần trước được Ả rập Xê út tung ra vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa có chuyến công du tới thành phố Jiddah để thảo luận với các quan chức Ả rập Xê út, gồm cả Thái tử Mohammed bin Salman về biện pháp ứng phó sau vụ việc.
Hiện Ả rập Xê út và Mỹ đang dồn những lời cáo buộc về phía Iran liên quan tới vụ tấn công các nhà máy lọc dầu của công ty dầu khí Aramco làm sụt giảm nguồn cung dầu mỏ của thị trường thế giới, tuy nhiên chính quyền Tehran đã liên tiếp bác bỏ các lập luận trên và khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này không liên quan tới vụ tấn công. Ngày 18/9, Cố vấn của Tổng thống Iran Hesameddin Ashena cho rằng, những nội dung được Ả rập Xê út cung cấp trong cuộc họp báo cùng ngày cho thấy nước này không biết thông tin về điểm đến của các máy bay không người lái và các tên lửa được sử dụng trong vụ tấn công.
Trong bối cảnh cuộc tranh cãi về hung thủ thực sự của vụ tấn công nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Ả rập Xê út vào cuối tuần trước vẫn còn chưa ngã ngũ thì một hệ lụy đã trở thành hiện thực, đó là mối quan hệ giữa Mỹ và Iran vốn đã "không cơm lành canh ngọt” lại một lần nữa bị kéo căng.
Trên Twitter, ngày 18/9, Tổng thống D.Trump cho biết ông đã chỉ thị cho Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Động thái này của nhà lãnh đạo Mỹ được cho là nhằm phản ứng trước việc cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của Ả rập Xê út hồi cuối tuần trước. Những diễn biến căng thẳng này có nguy cơ "phủ bóng đen” lên triển vọng diễn ra cuộc gặp gỡ được trông đợi giữa ông D.Trump và người đồng nhiệm Iran Hassan Rouhani có thể diễn ra bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào cuối tháng này.
Hiện Ngoại trưởng Iran Zavad Zarif đang lên kế hoạch tới New York vào ngày 20/9, trong khi Tổng thống Rouhani sẽ thực hiện lịch trình này vào ngày 23/9 để tham dự phiên họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc diễn ra vào tuần tới. Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra ngày 18/9, chính phủ Iran cho biết, Mỹ vẫn chưa cấp thị thực cho cả ông Rouhani và ông Zarif. Phía Iran khẳng định hiện nước này đang cân nhắc tới phương án không tham gia vào phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Ngày 18/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ông đang thảo luận về vấn đề này với giới chức Mỹ.