Cuộc khủng hoảng eo biển Kerch từng khiến mối quan hệ vốn lạnh lẽo giữa Nga và Ukraine thêm căng thẳng hiện đã có những tiến triển tích cực.
Việc Nga trao trả 3 tàu của Hải quân Ukraine đã giúp tìm ra hướng đi giải quyết sự cố làm dậy sóng quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng. Trước đây, Nga coi việc 3 tàu của Ukraine đi vào khu vực nói trên là hành vi khiêu khích đã được chuẩn bị từ trước, nhằm lấy cớ để ban hành thiết quân luật ở Ukraine. Trong khi đó, Kiev coi hành vi của Mátxcơva là vi phạm quyền miễn trừ đối với các tàu quân sự và thủy thủ đoàn.
Liên quan đến tuyên bố vừa đưa ra, Interfax dẫn nguồn từ chi nhánh của Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) tại Crimea cho hay quyết định trao trả tàu phù hợp với các thỏa thuận đạt được giữa Nga và Ukraine. Trước đó, vào tháng 9 vừa qua, Nga cũng đã thả 24 thủy thủ của các tàu này như một phần trong thỏa thuận trao đổi 70 tù nhân giữa hai nước để xoa dịu căng thẳng, như đánh giá của Tổng thống Nga Vladimir Putin là một bước đi lớn hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương.
Sự kiện này còn mang ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra chỉ vài ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh bốn bên về Ukraine giữa Pháp, Đức, Nga và Ukraine tổ chức vào ngày 9-12 tới tại thủ đô Paris, Pháp. Cuộc gặp được diễn ra khi các bên ghi nhận những tiến bộ quan trọng trên thực địa tại miền Đông Ukraine trong thời gian qua. Các cuộc đàm phán, đặc biệt là từ giữa năm 2019 đến nay, đã dẫn đến việc các bên rút quân tại một số khu vực căng thẳng.
Vì vậy, quyết định của Điện Kremlin nhằm hạ nhiệt vấn đề eo biển Kerch được giới quan sát đánh giá cao, coi là "cử chỉ đẹp” thể hiện thiện chí, tạo không khí thuận lợi cho các cuộc tiếp xúc sắp tới. Hành động này còn được nhìn nhận là bước tiến quan trọng, tạo đòn bẩy cho việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài 5 năm ở miền Đông Ukraine và tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau. Thảo luận về các biện pháp tiếp theo nhằm giải quyết cuộc chiến theo Thỏa thuận Minsk sẽ là nội dung chính của hội nghị tại Paris, với kỳ vọng mở ra một giai đoạn mới cho vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên, triển vọng này hoàn toàn không dễ dàng. Bất chấp những tín hiệu tích cực được phát đi, tới nay Nga vẫn khẳng định sẽ mạnh tay với những hành vi khiêu khích tại khu vực biên giới. Về phần mình, Ukraine cho biết sẽ không rút lại kế hoạch kiện Nga ra Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) cho dù việc trao trả tàu đã hoàn tất. Phiên điều trần đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 21 và 22-11. Thế nhưng, Mátxcơva tuyên bố sẽ không tham gia vì cho rằng ITLOS không có thẩm quyền để xử lý vụ việc.
Có thể thấy rằng, dù đã có rất nhiều nỗ lực thực tế từ cả hai phía, song giữa hai quốc gia láng giềng Nga và Ukraine vẫn còn tồn tại rất nhiều bất đồng. Vì vậy, việc chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin trả tự do cho các thủy thủ và mới đây là trao trả 3 tàu chiến cho Ukraine chắc chắn chưa thể là bước đi đột phá đưa mối quan hệ băng giá giữa hai bên trở lại nồng ấm. Tuy nhiên, cử chỉ thân thiện từ phía Nga rõ ràng là động thái mang tính xây dựng, thể hiện mong muốn hòa giải. Điều này mang đến hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh bốn bên sắp tới ở Paris sẽ đạt được những thỏa thuận có ý nghĩa hướng tới khép lại cuộc khủng hoảng lâu dài tại Ukraine.
Theo báo HaNoiMoi